Thanh Nguyễn (TPHCM) -
Quán Net (Internet) – từng là nơi người ta đến thuê máy tính để làm việc – nay không còn nữa. Quán Net bây giờ là nơi để học trò trốn phụ huynh, trốn trường học hay người thất nghiệp… đến chơi trò chơi trực tuyến (online game) và quán Net thực sự là nơi vô cùng phức tạp.
Có vào quán Net mới hiểu được cái sự ồn ào, phức tạp là như thế nào. Đa số là học sinh vào đây “ngồi đồng” để luyện trò chơi (game). Nhiều em, sau khi tan học, vội chạy ngay ra quán Net ngồi “mọc rễ”, từ trưa cho đến chiều tối, quên ăn quên uống. Nhiều em ngày nào cũng đi học nhưng thực chất là vào ngồi chơi ở quán Net cả ngày để chơi game. Sự đắm chìm trong thế giới ảo đó đã khiến nhiều em lơ là với việc ham học, dần dà bị mất căn bản và cuối cùng là nghiện game và bỏ học.
Song song với việc sa sút về học lực và sức khỏe của các em là sự sa sút về chuyện văn hóa ứng xử. Trong bất cứ phòng game nào, hiếm lắm mới thấy cảnh im lặng. Hầu như là náo nhiệt. Bởi tất cả các game đều sôi động, nên người chơi bị cuốn vào đó và hò hét rất hăng say. Điều đáng nói hơn, ngoài chuyện la khản cả giọng, các em còn nói tục tĩu, tệ hơn cả lối giao tiếp của dân giang hồ. Tiếng Việt có, tiếng Anh cũng nhiều, thậm chí là nửa Tây, nửa ta. Các bạn không chửi người trong quán Net, bạn cùng chơi mà chửi đối thủ trong trò chơi ảo. Kèm theo câu chửi, nhiều em còn phì phèo thuốc lá, nhả khói như một gã lãng tử sành đời trong khi vẫn đang mặc áo đồng phục học sinh.
Các em cũng tiếp tục văng tục như thế khi ra khỏi quán Net, đến trường và về nhà mà không có chút cảm giác bối rối hay dè chừng nào. Các em nói rất to, tự nhiên như thể đó là điều được dạy ở nhà, ở trường, có lẽ một phần do người lớn không có ý kiến phản đối khi nghe. Ngôn ngữ chợ búa ấy sẽ như một dịch bệnh lây lan sang cả những em không nghiện game. Vì vậy cha mẹ nên thường xuyên quan tâm con cái, chỉnh ngay lúc trẻ văng tục để trẻ biết điểm dừng. Và hơn hết, cần hạn chế cho trẻ chơi game, để trẻ chú tâm vào chuyện học hành.