Thị trường tiêu thụ bị chững lại, bất động sản đóng băng, đồng won mất giá, phụ thuộc quá lớn vào các “đại gia”, có vẻ Hàn Quốc đang rơi vào thế khó về kinh tế như Nhật Bản đã gặp phải trong nhiều thập kỷ trước. Họ giải quyết tình hình này thế nào?
Hàn Quốc càng ngày càng giống Nhật, mà giống theo cách tiêu cực. Sau nhiều năm kinh tế phát triển mạnh nhờ xuất khẩu rất tốt các sản phẩm trong ngành hàng điện tử cao cấp và xe hơi, thì nay quốc gia này đang trên bờ vực lạm phát và tăng trưởng thấp như Nhật Bản từng gặp phải trong nhiều thập kỷ qua. Người tiêu dùng Hàn Quốc phải hứng chịu nợ nhà cửa và một thị trường bất động sản trì trệ nên quay sang hướng tiết kiệm nhiều hơn là nghĩ đến việc chi tiêu. Các công ty Hàn Quốc tích trữ tiền mặt khi phải đối diện với nhu cầu không rõ ràng lắm về nhà cửa trong nước cũng như cạnh tranh từ Trung Quốc. Dân số Hàn Quốc cũng đang già nhanh hơn những quốc gia khác trong khu vực các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, trong đó người già từ 65 tuổi trở lên chiếm 14% dân số đến năm 2017. Theo ông Kim Yong OK, Chủ tịch Hội Liên hiệp các ngành công nghiệp Hàn Quốc, cái cách Hàn Quốc từng phát triển không thể tiếp tục như lối cũ được nữa, trừ khi người Hàn Quốc chi nhiều hơn và các công ty tăng mức đầu tư.
[box type="bio"] “Hàn Quốc đang hạ lãi suất và tăng mức đầu tư công để kích thích thị trường tiêu thụ”.[/box]
Về mặt nổi, kinh tế Hàn Quốc trông rất khỏe mạnh. Ngân hàng Hàn Quốc dự đoán năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8%. Các tập đoàn lớn như Samsung Electronics và LG Electronics cạnh tranh tốt với các đối thủ đến từ Nhật Bản như Sony và Panasonics trong thị trường ti vi. Thậm chí, những tập đoàn Hàn Quốc lớn (với cấu trúc kinh doanh kiểu “tập đoàn gia đình” mà thế giới gọi là “chaebol”) chiếm đến 85% GDP của Hàn Quốc, trong khi số nhân lực chỉ chiếm 13% dân số. Còn 87% nhân lực Hàn Quốc còn lại thuộc mảng kinh doanh cá thể hoặc làm cho các công ty vừa, nhỏ với mức phát triển thấp hơn nhiều. Các nhà máy nước ngoài chiếm đến 15% tổng sản phẩm mà Hàn Quốc sản xuất, tăng 4% so với cách nay một thập kỷ. 40% xe Hyundai sản xuất ở trong nước, giảm từ 60% hồi năm 2008. Hồi tháng 8 vừa rồi, Kia Motors do Hyundai quản lý cũng hé lộ kế hoạch chi 1 tỉ đô la Mỹ để xây dựng nhà máy đầu tiên tại Mexico.
Những kế hoạch vươn ra thị trường thế giới khiến nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm trầm trọng. Vào cuối năm 2013, nợ gia đình ở đây cao thứ hai trong các nền kinh tế chủ chốt ở châu Á, chỉ sau Malaysia là 87%. Tỷ lệ nợ gia đình Hàn Quốc so với thu nhập hiện tại là 164%, so với 115% của Mỹ. Thị trường bất động sản đóng băng ở Hàn Quốc như hồi chuông báo động về khả năng chi tiêu của người tiêu dùng, bởi vì bất động sản chiếm đến gần 75% tài sản gia đình tại Hàn Quốc, so với 40% ở Mỹ.
Để kích cầu tiêu thụ, ngân hàng Hàn Quốc hồi tháng 8 vừa rồi cắt giảm lãi suất từ 2,5% xuống 2,25%, là đợt giảm đầu tiên từ hơn một năm qua. Hồi tháng 6, Tổng thống Park Geun-Hye thay thế gần phân nửa nội các chính phủ, phần lớn là để thúc đẩy các kế hoạch kinh tế. Ông Choi Kyung Hwan, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngay lập tức đưa ra một kế hoạch chi 11.700 tỉ won (11,5 tỉ đô la) và còn hứa một ngân sách lớn hơn nữa trong năm sau, nhắm đến việc hồi phục thị trường chi tiêu thông qua việc chính phủ sẽ chi nhiều hơn.
Hồi tháng rồi, Chính phủ Hàn Quốc công bố các kế hoạch đánh thuế 10% vào lợi nhuận của doanh nghiệp nếu không sử dụng nó để tái đầu tư, tăng lương hoặc chi tiêu nhằm thúc ép công ty chi tiền. Samsung có khoảng 60 tỉ đô la tiền mặt và có những kế hoạch đầu tư ngắn hạn hồi cuối tháng 6, so với Apple là 38 tỉ đô la. Khoảng 763 doanh nghiệp được niêm yết trên sàn chứng khoán Kospi của Hàn Quốc hiện đang sở hữu hơn 800 tỉ đô la tiền mặt.
Nhưng các “ông lớn” chaebol lại đưa ra các lý do rất thuyết phục để giữ lượng tiền mặt và đầu tư ra nước ngoài thay vì trong nước. Lương cao và đồng won được giá khiến việc kinh doanh trong nước rất khó khăn. Từ đầu năm 2012, đồng won tăng 13% so với đồng đô la Mỹ. May cho Hàn Quốc là các nhà lập pháp về tài chính và tiền tệ vẫn còn nhiều đối sách để xử lý vấn đề này hơn so với các nhà lập pháp ở Nhật vì ở thị trường Nhật, đồng yen mất giá trong nhiều năm liền và Chính phủ Nhật cũng đã làm mọi cách để giải quyết nhưng vẫn chưa đâu tới đâu.
Lê Duy