Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Hàng hóa giá cả ổn định, khuyến cáo người dân không tập trung đông người tại siêu thị

Khi ba chợ đầu mối lớn là Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức tạm dừng hoạt động, TPHCM sẽ thiết lập vùng đệm để hàng hóa được đưa về thông suốt và sau đó đưa trực tiếp đến chợ truyền thống còn hoạt động, siêu thị. Các cơ quan chức năng cho biết các siêu thị cũng tăng nguồn cung, phân phối hàng hóa đến các nơi đảm bảo đầy đủ hàng hóa, người dân không phải tập trung, chen lấn mua hàng.
TPHCM cho biết sẽ nỗ lực đưa hàng hóa vận chuyển thông suốt về cho các chợ truyền thống. Ảnh: Tường Vy

Bố trí vùng đệm trung chuyển để lưu thông hàng hóa thông suốt

Sở Công Thương TPHCM, cho biết thành phố dự kiến bố trí ba vùng đệm tại huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và TP Thủ Đức, để vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về TPHCM.

TPHCM và Tây Ninh đã thống nhất giải pháp bố trí vùng đệm trung chuyển hàng hóa đến các chợ truyền thống, siêu thị còn hoạt động. Theo đó, hàng hóa từ tỉnh Tây Ninh đến TPHCM sẽ được tập kết tại một khu đất trống (diện tích khoảng 1 ha), gần cổng chào Suối Sâu, giáp ranh 2 huyện Củ Chi và Trảng Bàng để thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện trước khi vận chuyển trực tiếp đến các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng... tại TPHCM.

Hàng hóa từ nơi trung chuyển sẽ được phân bổ, phân tán đều cho các chợ, siêu thị hay tận các nơi bán trực tiếp để đảm bảo không bị dồn ứ và chia đều cho các nơi. TPHCM và các địa phương cũng đã thống nhất đề xuất 3 phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa để hàng hóa được lưu thông thông suốt và phân bổ đều cho toàn địa bàn.

Với mục tiêu không để chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, gây thiếu hụt nguồn hàng, biến động giá cả, song song với việc siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn cao điểm, ngành công thương TPHCM đang tập trung kích hoạt các kịch bản, phương án tạo nguồn hàng thiết yếu, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa với hàng loạt giải pháp cụ thể.

Sở Công Thương TPHCM cũng cho hay đã đề nghị các công ty quản lý 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức nhanh chóng thực hiện việc lấy ý kiến, đăng ký lựa chọn phương án của các thương nhân và phương tiện vận chuyển hàng hóa từ Tây Ninh vào các chợ đầu mối để kịp thời tổng hợp, tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh việc tổ chức duy trì nguồn cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành về TPHCM một cách an toàn, lưu thông thông suốt, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định cho thị trường TPHCM. Sở Công Thương TPHCM sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, vận hành ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa gồm các kênh phân phối hiện đại và truyền thống. Trong đó, tăng cường năng lực cung ứng của các chợ truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại với quan điểm tăng cường bảo vệ các hệ thống này để giữ vững vai trò cốt yếu trong cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Siêu thị tăng nguồn cung, khuyến cáo người dân không chen lấn mua hàng

Trong vài ngày qua, có hiện tượng nhiều người dân tập trung đông để mua hàng hóa, thực phẩm tại các chợ truyền thống, siêu thị còn hoạt động. Các cơ quan quản lý ngành công thương cùng đại diện các siêu thị, nhà bán lẻ cho biết sẽ tích cực phối hợp, khẩn trương bổ sung nguồn hàng, triển khai thêm các kênh và tăng thời gian bán hàng cho các chợ truyền thống cũng như tại các siêu thị để đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân và đáp ứng quy định về phòng chống dịch bệnh.

Sở Công Thương TPHCM cho hay nguồn hàng hóa trên địa bàn vẫn được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không có tình trạng thiếu hụt hàng hóa.

Theo đó các doanh nghiệp như Saigon Co.op (Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food), Central (Big C, Go!), Lotte Mart, MM Mega Market, Satra (Satra Food, siêu thị Sài Gòn, siêu thị Satra Phạm Hùng, Satra Củ Chi), VinMart, VinMart+, Bách Hóa Xanh… cho biết đã chuẩn bị lượng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, hàng thiết yếu tăng gấp 3-5 lần. Việc này nhằm đảm bảo nhu cầu của người dân cũng như đáp ứng khả năng mua sắm tăng cao có thể xảy ra trong những ngày tới đây.

Hàng hóa cho các siêu thị đã được bổ sung tăng gấp 3-5 lần. Ảnh: Lâm Vũ

Siêu thị Bách Hóa Xanh cho biết để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu người dân, hiện đơn vị đã liên hệ với nguồn cung để tăng nguồn hàng lên 150% so với bình thường. Bên cạnh đó tăng tần suất chia hàng từ kho trung tâm xuống siêu thị từ 3 lần lên thành 5 lần/tuần, và dự kiến kéo dài thời gian mở cửa siêu thị. Siêu thị MM Mega Market cũng tăng dự trữ nông sản, thịt heo, thịt bò thêm 50%.

Các hệ thống siêu thị của Saigon Co.op cũng tăng nguồn cung gấp 2-3 lần và giảm giá nhiều mặt hàng… Saigon Co.op đã tăng lượng dự trữ nhằm đảm bảo sẽ cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường trong tối thiểu 6 tháng tới. Các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, thịt, trứng, rau củ quả, thực phẩm khô… đều đã tăng lượng hàng để đảm bảo phục vụ đầy đủ.

Các siêu thị đều cho biết nguồn cung luôn đủ đáp ứng cho thị trường, do đó người dân trong những ngày này không nên tập trung chen lấn mua hàng cũng như tích trữ sản phẩm quá nhiều. Các siêu thị đã có kế hoạch tăng thời gian phục vụ lên đến 23 giờ mỗi ngày để phục vụ người dân.

Bên cạnh đó, những ngày qua lượng đơn đặt hàng trực tuyến (online) cũng tăng lên, các siêu thị cho hay đang bố trí nhân lực đầy đủ để phục vụ nhu cầu mua online giúp người dân vừa an toàn phòng dịch mà không phải tập trung chen lấn.

Điều phối, khuyến khích mua bán hàng theo hình thức trực tuyến

Sở Công thương TPHCM cũng cho biết để hoạt động lưu thông hàng hóa từ các địa phương vào chợ Bình Điền được đảm bảo thông suốt, không ùn ứ. Sở Công Thương TPHCM đề nghị sở công thương các tỉnh thành khác hỗ trợ, thông tin đến thương nhân trên địa bàn chủ động trao đổi, thống nhất với thương nhân kinh doanh, đối tác tại chợ về hình thức vận chuyển, phương thức điều phối giao, nhận hàng hóa phù hợp.

Theo đó, ưu tiên hình thức điều phối trực tuyến, giao tận nơi cho các khách hàng mà không thực hiện tập kết, trung chuyển hàng hóa tại chợ Bình Điền. Đồng thời khuyến khích chuyển sang các hình thức giao dịch khác như tổ chức bán hàng qua điện thoại, trực tuyến, bán hàng theo đơn đặt hàng… cũng như các hình thức phù hợp khác nhằm giảm tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo các biện pháp an toàn trong hoạt động mua bán hàng hóa.

Các doanh nghiệp phân phối hàng hóa, doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử cũng được đề nghị đẩy mạnh các hoạt động đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà, thực hiện các biện pháp an toàn trong giao nhận hàng hóa.

Sở Công Thương TPHCM cũng đang phối hợp các Hiệp hội, tổ chức phân phối hàng hóa đến tận tay người dân các vùng cách ly, vùng phong tỏa thông qua các chương trình như Siêu thị Mini 0 đồng, Chợ Nghĩa tình...

Báo cáo về tình hình thị trường hàng hóa ngày 6-7, Sở Công Thương TPHCM cho biết tổng lượng hàng hóa về các chợ đầu mối đạt 4.582,3 tấn/ngày đêm (giảm 7,8%) so với ngày 5-7 (4.970,6 tấn). Trong đó nhóm mặt hàng thịt gia súc, gia cầm: 247,7 tấn/ngày đêm (giảm 2,7%). Nhóm mặt hàng thủy hải sản: 255,3 tấn/ngày đêm (giảm 52,7%). Nhóm mặt hàng rau củ quả, trái cây: 4.079,3 tấn/ngày đêm (giảm 2,3%). Hầu hết các mặt hàng tại chợ truyền thống đều ổn định, chỉ riêng mặt hàng rau củ quả có biến động giá tăng/giảm nhẹ.

Chánh Trung

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối