Anh Đài -
Nhiều loại vũ khí nguy hiểm, sát thương và có thể giết người trong chớp mắt như dao, mã tấu, kiếm Nhật, thậm chí là súng có khả năng sát thương cao đang đội lốt công cụ hỗ trợ không hiểu sao lại rao bán tràn lan trên mạng Internet.
Chỉ cần truy cập vào các trang web hoặc vào mạng xã hội Facebook sẽ dễ dàng tìm thấy các mặt hàng nguy hiểm này. Các loại vũ khí cũng rất đa dạng, rẻ thì có bình xịt hơi cay, đao, kiếm, gậy sắt với giá vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng từng món, đắt thì có súng điện, lựu đạn... có giá hàng triệu đến hàng chục triệu đồng. Ngoài ra tại một số diễn đàn mạng còn rao bán các loại súng thật (không biết có phải thật không?) và không nhận cuộc gọi đặt hàng cho trẻ em dưới 18 tuổi, vì đây là loại vũ khí nguy hiểm.
“Bạn muốn mua, bán những mặt hàng vũ khí phòng thân nhưng không biết làm sao. Hãy để lại số điện thoại và thông tin cá nhân để được tư vấn”, hầu hết các cửa hàng online trên mạng Internet đều đăng thông tin này, sau khi thỏa thuận thống nhất giá cả qua điện thoại thì hai bên sẽ hẹn điểm giao hàng trực tiếp.
Hiện nay, ngoài các loại vũ khí thường như dao, kiếm, bình xịt hơi cay... thì các loại súng Airsoft (súng bắn đạn bi sắt) từ súng ngắn các loại cho đến súng trường, súng săn đang được bày bán trên mạng ngày càng nhiều, người bán rao giá 100-500 đô la Mỹ tùy món hàng.
Theo quy định của pháp luật, cá nhân không được sở hữu, sử dụng, tàng trữ, mua bán, vận chuyển vũ khí, công cụ hỗ trợ trừ những cá nhân được quy định tại Nghị định 25/2012/NĐ-CP, (các đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, dân quân tự vệ, Kiểm lâm, Hải quan cửa khẩu, An ninh hàng không, ban bảo vệ dân phố, công ty vệ sĩ…). Ngoài các trường hợp trên, một cá nhân chỉ có thể sở hữu vũ khí thô sơ khi chúng là hiện vật được dùng để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo...
Hành vi buôn bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trái pháp luật được quy định tại Điều 233, Bộ luật Hình sự, cá nhân nào buôn bán mặt hàng này có thể phải đối mặt với án phạt tù. Quy định pháp luật đã rõ ràng nhưng các hành vi mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ nguy hiểm vẫn xuất hiện tràn lan, ít nhiều đang tạo điều kiện cho tội phạm gia tăng ở mức độ ngày càng nguy hiểm. Thời gian qua, trên cả nước xảy ra các vụ cướp, chống người thi hành công vụ, đòi nợ thuê… mà các đối tượng xấu dùng vũ khí và công cụ hỗ trợ để hành động.
Rõ ràng, các cơ quan chức năng, nhất là an ninh mạng và quản lý đăng ký, cấp phép tên miền trang web cần phải xiết chặt hơn nữa những trường hợp các trang web rao báo những “hàng nóng” này.