Sự kiện Tập đoàn Berli Jucker của Thái Lan đạt được thỏa thuận mua lại toàn bộ hệ thống 19 trung tâm bán sỉ Cash & Carry của Tập đoàn Metro (Đức) cho thấy các doanh nghiệp Thái Lan đang tìm cách gia tăng sự hiện diện của mình tại thị trường bán lẻ Việt Nam – một thị trường tiềm năng với 90 triệu dân và xu hướng tiêu dùng đang thay đổi.
Người Việt bán hàng Thái
Không phải đến bây giờ hàng Thái Lan mới có mặt ở thị trường Việt Nam, nhưng điều đáng quan tâm là hàng hóa xuất xứ từ đất nước này ngày càng thâm nhập sâu rộng. Khá nhiều tiểu thương trong nước một thời kinh doanh hàng Trung Quốc nay cũng chuyển qua kinh doanh hàng Thái.
Chủ cửa hàng quần áo thời trang Misa trên đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TPHCM cho biết cửa hàng của bà chỉ bán hàng nhập khẩu từ Thái Lan. Theo bà chủ cửa hàng này, so với hàng Trung Quốc thì hàng của Thái Lan đắt hơn nhưng bù lại chất lượng tốt hơn; còn so với hàng trong nước, hàng Thái Lan cạnh tranh cả về mẫu mã và giá bán. Mỗi tháng một lần, bà sang Bangkok mua hàng về bán, và cửa hàng của bà luôn nhộn nhịp khách kể từ ngày mở cửa cách đây một năm; trong khi nhiều cửa hàng thời trang bên cạnh đang kinh doanh khá chật vật, phải thường xuyên khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách mua trong bối cảnh sức mua giảm do kinh tế khó khăn.
Tương tự, chủ cửa hàng tạp hóa chuyên bán đồ cho mẹ và bé trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TPHCM cho biết từ đầu năm đến nay chị đã ngưng hẳn việc nhập hàng từ Trung Quốc gồm quần áo, giày dép, các sản phẩm đồ chơi và xe đẩy trẻ em... Thay vào đó là hàng Thái Lan. Tiếp xúc với người tiêu dùng thường xuyên, chị thấy tâm lý e ngại những sản phẩm có ghi hàng chữ “Made in China” là có thực, và đó cũng là lý do chị chuyển hướng sang hàng Thái Lan gần đây.
Khi được hỏi tại sao không thay thế bằng hàng sản xuất trong nước, người chủ cửa hàng này nói chị vẫn bán hàng nội địa nhưng sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất mẫu mã không đa dạng, phong phú như hàng ngoại nhập. Hơn nữa, tâm lý sính ngoại khiến nhiều người dễ chấp nhận hàng có xuất xứ từ Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ và một số nước châu Âu.
Không chỉ có những tiểu thương buôn bán nhỏ xoay xở tìm nguồn hàng mới, trên kệ hàng của một số siêu thị lớn cũng đầy hàng gia dụng của Thái Lan, từ xà phòng, nước xả vải, quạt máy, nồi cơm điện, dao, chén bát...
Người Thái tiếp thị
Có thể thấy hiện các doanh nghiệp Thái Lan đang tăng cường hơn nữa việc thâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng nhiều hướng đi khác nhau, trong đó có con đường hội chợ triển lãm dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Thái Lan.
Từ đầu năm đến nay, người tiêu dùng ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng liên tiếp chứng kiến hàng loạt hội chợ bán lẻ hàng tiêu dùng Thái Lan được tổ chức. Trung tuần tháng 7 vừa qua, hội chợ hàng Thái Lan 2014 đã diễn ra tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Tân Bình (TPHCM) với sự tham gia của 200 doanh nghiệp Thái Lan. Họ đến giới thiệu hàng trăm mặt hàng tiêu dùng, từ thực phẩm khô, đồ gia dụng bằng nhựa và kim loại, hóa mỹ phẩm đến quần áo thời trang... Hầu hết các mặt hàng này ở phân khúc trung bình, với giá cả phải chăng và mẫu mã bắt mắt nên hội chợ đã thu hút khá nhiều khách tham quan và mua sắm.
Bà Busaba Butrat, Tham tán Thương mại Thái Lan tại Việt Nam, nhận định Việt Nam là một thị trường năng động với khoảng 90 triệu dân có khả năng chi trả tiêu dùng lớn, nên có sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan. Thực phẩm và đồ gia dụng là hai mặt hàng của Thái Lan được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Bà cho biết, trong suốt 12 năm qua, các doanh nghiệp Thái Lan phối hợp với đại sứ quán của mình để tổ chức hội chợ triển lãm hàng tiêu dùng nhằm đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng Việt Nam hơn, đồng thời tìm kiếm thị trường tiềm năng để mở rộng đầu tư.
...đến nhà bán lẻ Thái
Tập đoàn Berli Jucker đã chi số tiền 879 triệu đô la Mỹ để mua lại toàn bộ 19 trung tâm phân phối và bất động sản đi kèm của Metro Cash & Carry Việt Nam. Đây được xem là thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) lớn nhất trong mảng phân phối ở Việt Nam đến nay. Việc bỏ ra một khoản đầu tư lớn này, Berli Jucker đã nắm trong tay một mạng lưới phân phối hiện đại rộng khắp cả nước để đưa hàng hóa Thái Lan vào kinh doanh.
Trước đó, tập đoàn thuộc tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi này cũng đã thâu tóm hệ thống 42 cửa hàng tiện lợi của FamilyMart tại TPHCM để chuyển thành B’s mart. Hiện hệ thống kinh doanh của B’s mart đang được tiếp tục mở rộng và có thể nhân rộng khoảng 100 điểm kinh doanh vào cuối năm nay.
Ngoài hai hệ thống trên, Berli Jucker còn đang nắm 65% cổ phần của Công ty Thái An JSC, một công ty chuyên phân phối và vận chuyển thực phẩm tại miền Bắc. Công ty này có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố, có quan hệ thương mại với 200 nhà phân phối phụ, 2.500 nhà bán buôn và hàng chục ngàn nhà bán lẻ tại chợ truyền thống. Ngoài ra, công ty phân phối hàng tiêu dùng Thai Corp International Vietnam với 19 năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam cũng đã gia nhập vào Berli Jucker.
Bên cạnh Berli Jucker, một tập đoàn bán lẻ hàng đầu khác của Thái Lan là Central Group, chủ hệ thống trung tâm thương mại Robinson, cũng đã mở trung tâm mua sắm Robins đầu tiên ở Hà Nội vào tháng 3 vừa qua và dự kiến sẽ mở thêm một trung tâm lớn hơn tại TPHCM vào tháng 11. Nhà bán lẻ này cho biết sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình bán lẻ ra các thành phố lớn khác trong thời gian tới.
Chưa hết, một nhà phân phối lớn khác của Thái Lan là Tập đoàn Charoen Pokphand Group thuộc tỉ phú Dhanin Chearavanont đang điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Thái Lan là 7-Eleven cũng đang dòm ngó thị trường Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên, các nhà bán lẻ Thái sẽ ưu tiên cho các sản phẩm “Made in Thailand”.
Giới quan sát thị trường cho rằng điều này đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cạnh tranh với hàng hóa đến từ Thái Lan, nơi đang tạo dựng thương hiệu cho hàng hóa và có mạng lưới phân phối rộng khắp khu vực Đông Dương và Myanmar, sẵn sàng cho quá trình hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015.
Quốc Hùng