DƯƠNG VY QUYÊN -
Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của thị trường ô tô tại Việt Nam, công nghệ ô tô được đánh giá là nghề hấp dẫn và nhiều cơ hội đối với các sinh viên theo học. Các hãng xe cũng đang có những phối hợp để phần nào tìm kiếm nguồn nhân lực trong tương lai gần.
Tặng thiết bị để thực hành
Những bộ động cơ mới theo chuẩn hiện nay sẽ là công cụ học tập thiết thực cho sinh viên ngành công nghệ ô tô.
Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường ô tô Việt Nam trong thời gian qua luôn có tăng trưởng cao. Bên cạnh sự đa dạng về sản phẩm và giá cả, các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng tung ra nhiều chương trình cho vay để người tiêu dùng dễ tiếp cận đến việc sở hữu chiếc xe cá nhân.
Cùng đi lên theo thị trường, các hãng xe tăng cường đội ngũ nhân lực cho mình, từ khâu sản xuất đến dịch vụ. Để có lượng nhân lực đáp ứng đủ tiêu chuẩn, các doanh nghiệp cũng đã chủ động hợp tác với những trường đại học, cao đẳng nghề có đào tạo chuyên ngành kỹ thuật. Mới đây, Ford Việt Nam đã trao tặng hai động cơ và sáu hộp số cho Viện Cơ khí động lực trực thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Đây không phải là lần đầu tiên Ford Việt Nam hỗ trợ động cơ và hộp số cho các trường đại học nhằm mang lại cho sinh viên cơ hội tiếp cận, nghiên cứu công nghệ hiện đại và hiểu thêm về cơ chế vận hành của các thiết bị tiên tiến hiện đang được sử dụng tại các nhà máy Ford trên toàn thế giới. Trước đây, hãng xe này thường tổ chức các chương trình đón các đoàn sinh viên đến tham quan nhà máy.
Cuối tháng 6-2016, Công ty TNHH General Motors Việt Nam (GM Việt Nam) cũng đã tặng hai chiếc xe cùng 10 bộ động cơ và hộp số ô tô Chevrolet cho 12 trường Đại học và trường dạy nghề tại Việt Nam. Các thiết bị tài trợ là xe ô tô thể thao đa dụng Captiva, xe ô tô cỡ nhỏ Spark cùng 10 bộ động cơ và hộp số của các dòng xe Captiva, Orlando, Cruze và Spark. Những thiết bị này sẽ hỗ trợ công tác giáo dục và đào tạo cho các sinh viên chuyên ngành công nghệ ô tô. “Với những thiết bị tài trợ này, các sinh viên chuyên ngành công nghệ ô tô có thể tháo dỡ và lắp ráp các bộ phận và linh kiện xe, từ đó hiểu rõ hơn những công nghệ hiện đại ẩn chứa trong một chiếc ô tô”, Tổng giám đốc GM Việt Nam khi đó là ông Wail A. Farghaly chia sẻ.
Gần đây nhất, hồi tháng 8-2016, Quỹ Toyota Việt Nam (TVF), Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV), phối hợp với trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Quỹ đầu tư xã hội Lotus Impact (Lotus Impact) và Tổ chức The Dariu Foundation (quỹ Dariu) ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác thực hiện “Chương trình Học bổng dạy nghề Toyota” tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (quận Thủ Đức). Mục tiêu của chương trình là sau khi tốt nghiệp, học viên không chỉ có thể làm việc ngay tại công ty trong nước mà còn đủ điều kiện vào các công ty khác trong khu vực ASEAN, cũng như ở bất kỳ hãng xe nào chứ không riêng gì Toyota.
Tìm nguồn nhân lực
Tại buổi lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với TMV, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, thị trường ô tô Việt Nam hiện đang rất sôi động. Thu nhập của một bộ phận người dân Việt Nam những năm gần đây tăng lên đáng kể kéo theo đó là nhu cầu sử dụng ô tô. Việc các hãng ô tô nước ngoài liên tục đầu tư vào Việt Nam càng đòi hỏi một lượng lớn nhân lực trong ngành này.
Chưa kể, khi TPP có hiệu lực sẽ có sự bùng nổ cho ngành lắp ráp, công nghệ phụ trợ và buôn bán ô tô. Điều này sẽ kéo theo sự phát triển của các nghề lắp ráp, sửa chữa… “Thời gian tới, ngành công nghệ ô tô sẽ cần một lượng lớn những lao động lành nghề, có khả năng giao tiếp tiếng Anh. Để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, chúng tôi chủ trương đào tạo theo hướng thực dụng, đi sâu vào kiến thức chuyên môn thực tế và tăng cường kỹ năng Anh văn. Trước kia, nhiều người có quan niệm thợ thì không cần tiếng Anh nhưng với xu hướng hiện tại, dù là thợ hay kỹ sư, cũng phải giao tiếp được tiếng Anh”, ông Dũng nói.
Trong lần trao tặng động cơ xe cho trường Đại học Giao thông-Vận tải Hà Nội hồi năm 2015, đại diện Ford Việt Nam cũng dẫn thông tin từ các tổ chức quốc tế cho rằng, Việt Nam là một trong mười quốc gia có số lượng kỹ sư lớn khi hàng năm cho “ra lò” hơn 100.000 sinh viên tốt nghiệp. Tuy nhiên thực trạng trang thiết bị, công cụ giảng dạy tại các trường đại học và cơ sở đào tạo kỹ thuật hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực hành của sinh viên cả về chất và lượng. Khó khăn này sẽ gây ra những hạn chế về năng lực tiếp cận công nghệ kỹ thuật cao của sinh viên khi ra trường.
Việc các hãng xe cùng phối hợp với các trường ngành kỹ thuật để tặng thiết bị, dụng cụ học tập sẽ có nhiều ý nghĩa xã hội và hơn hết, qua những chương trình này, các hãng có thêm cơ hội tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường. Ông Trương Kim Phong, Giám đốc tiếp thị và bán hàng của Ford Việt Nam, chia sẻ: “Từng là một sinh viên của khoa Cơ khí ô tô, tôi rất hiểu và chia sẻ cùng các bạn sinh viên sự hứng thú khi có cơ hội tiếp cận thực tiễn với các thiết bị kỹ thuật hiện đại. Hãng và nhà trường phối hợp được xem là đồng hành trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai”.