Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Hành khúc Thanh Bình

Hơn hai năm kẹt Covid ở Việt Nam tôi mới có dịp trở lại Thanh Binh Jeune, giật mình thấy siêu thị có diện mạo tươi sáng. Hàng hóa hơi ít đi do vận chuyển ngưng trệ nhưng nhiều mặt hàng, đặc biệt gạo, đĩnh đạc mang tên thương hiệu. Đầy hứng thú tôi hẹn gặp chủ nhân, như đã hẹn nhiều năm trước…

Ngô Minh Đường kể ba mẹ anh, Ngô Văn Nhân và Ngô Thị Hằng đều là người Bắc vô Nam lập nghiệp trước hiệp định Genève. Ba anh trở thành một trong những nhà thầu khoán lớn của Sài Gòn khi đó, từng xây dựng phi trường Tân Sơn Nhất vào đầu những năm 1960 của thế kỷ trước. Vì tương lai các con, năm 1968 ông Nhân quyết định làm cuộc ra đi thứ hai, đưa cả gia đình sang Pháp, khởi nghiệp kinh doanh thực phẩm châu Á.

Sứ mệnh của dòng tộc

Ông Ngô Văn Nhân và bà Ngô Thị Hằng – những người sáng lập thương hiệu Thanh Binh Jeune.

Từ một cửa hàng nhỏ vài mươi mét vuông ở quảng trường Maubert, quận 5 Paris, thương hiệu Thanh Bình – tên của một trong hai con gái sinh đôi của họ – phát triển rất nhanh bởi tiên phong, bởi cả sự “một lòng một dạ của ba má”, Thủy Bình bổ sung. Hưởng ứng chị, Minh Đường cho biết ba má anh không chỉ ngẫu nhiên cùng quê, cùng họ mà còn cùng quan niệm sống; rằng khi mất, ba má anh cũng mất cùng năm. Qua cách xưng hô âu yếm của những đứa con, ta dễ dàng nhận ra sự ấm êm, tương kính của một gia đình Việt Nam truyền thống.

Do cha từng là thầu khoán, Minh Đường theo học kiến trúc, nhưng tốt nghiệp xong anh quyết định giúp song thân điều hành thương hiệu gia đình. Thanh Binh Jeune hiện có ba cơ sở, trong đó cơ sở 20 Avenue Verdun 94200 Ivry sur Seine rất nổi tiếng, không chỉ do 3.700 mét vuông với hơn 90% hàng Việt, mà còn vì Tết nào nơi đây – trừ hai năm dịch vừa qua – cũng có hội chợ đông vui, mời cả nghệ sĩ Việt Nam sang biểu diễn. Minh Đường nói cứ tổ chức hội chợ là lỗ nhưng gia đình anh muốn giữ không khí Tết cho người Việt, đặc biệt cho “đám nhỏ”- khách hàng tương lai của thương hiệu.

Thuần túy Á Đông là slogan hiển thị nhưng mục tiêu sâu xa của Thanh Binh Jeune là thuần Việt, vì mục tiêu đó, suốt năm mươi năm chuyên cần như cái kiến gia tộc này đã “tha” đến đây những món ngon tinh túy của dân tộc. Không chỉ nhắm lợi nhuận kinh doanh, Thanh Binh Jeune còn tự giao cho mình sứ mệnh quảng bá hàng Việt sang châu Âu, và sản phẩm mơ ước đầu tiên là gạo. Sau một vòng “ăn thử” dài dài theo đất nước, hiện Thanh Binh Jeune chính thức nhập khẩu gạo ST 24 với biểu trưng cô gái Việt Nam mặc áo dài. Minh Đường nói sứ mệnh gạo vẫn đang tiếp tục…

Hỏi buôn bán có khi nào bị mất uy tín không, hai chị tuổi Rồng và cậu em tuổi Ngọ nói trước đây cũng đôi lần phải “ôm” những tấn hàng sơ suất hay gian dối do lối tư duy ăn xổi của dân ta. Nay mọi thứ đã khác, hàng hóa Việt Nam rất uy tín, đặc biệt hàng chế biến đông lạnh, mì gói, kẹo bánh, cà phê…, mà lý do, ngoài chất lượng tự thân hàng hóa, theo họ là do người Việt định cư châu Âu tăng, khách châu Âu du lịch Việt Nam quen ẩm thực tăng. Thừa cơ phát triển Minh Đường và êkíp cất công sưu tập, làm phong phú thêm hàng hóa mang biểu tượng con Rồng.

Nhỏ mà có võ

Không kiệm lời như cuộc tiếp xúc cách đây mười năm, Minh Đường giờ tiếng Việt lưu loát nói triết lý kinh doanh của họ dựa trên bốn tiêu chuẩn: minh bạch, trung thực, an toàn, cập nhật; mà bí quyết giản đơn là đặt mình vào vị trí khách hàng. Quả vậy, ngoài các thực phẩm xa xưa tôi gọi vui là đi buôn ký ức, hầu như ở Việt Nam xuất hiện món ngon, lạ nào thì ở Thanh Binh Jeune cũng có không lâu sau đó. Lần trở lại này sau hai năm tôi cực kỳ thích thú khi thấy Thanh Binh Jeune bán cả măng tươi, măng khô, măng lưỡi lợn… đóng bao bì trong suốt – những món trước đây phải mua đồ hộp Thái Lan.

Tôi biết gia đình này từ năm 1990 khi tham dự Liên hoan phim Nantes với phim Gánh xiếc rong, khi Thủy Bình còn phụ trách gian hàng văn hóa phẩm của Nhà Việt Nam ở Paris. Sau đó họ tiếp tục là khán giả của tôi khi Chung cư, Mê Thảo – Thời vang bóng phát hành trên nước Pháp. Còn tôi, với thói quen ăn uống Việt Nam, cũng thường xuyên là khách hàng của họ. Quen biết, cảm mến các hoạt động nhân ái của thương hiệu, nhưng khi đó tôi dè dặt giới thiệu, bởi so với các siêu thị Trung Hoa nơi này thì có vẻ ít khang trang, ít hàng hóa hơn. Nhưng khoảng năm 2012, Thanh Binh Jeune có nhiều cải cách, đặc biệt văn hóa phẩm được dành một góc riêng, trở thành địa chỉ để người Việt mua sách, báo, các giai phẩm xuân dịp Tết.

Hỏi về lần “lột xác” năm 2021, Minh Đường nói đó là xu hướng chung của thế giới, rằng trong đại dịch con người có thời gian “cài lại” tư duy sống, tư duy công việc… Hòa theo dòng chảy đó, Thanh Binh Jeune tiếp tục nâng cấp cây cầu ẩm thực, trở thành niềm hãnh diện của không ít người Việt ở châu Âu. Về tương lai, Minh Đường nói tùy… Covid, nhưng sẽ tiếp tục khai thác hàng hóa, đặc sản ba miền; phát triển mảng kinh doanh trực tuyến; quan tâm hơn đối tượng khách Pháp – những người ngoài thực phẩm Việt Nam còn ưa thích ẩm thực Hàn, Nhật theo kiểu “à la mode”. So với các siêu thị Trung Hoa ở đây, Thanh Binh Jeune có quy mô nhỏ hơn, nhưng vẫn tự tin “có võ”. Võ đó là gì? Là nơi khách đến thấy hài lòng. Tôi nghĩ vậy.

Người lạ xây cầu

Cách đây mười năm khi hỏi ai kế tục cây cầu ẩm thực khi tất cả con cháu đều theo nghề khác, Minh Đường nói anh đang nghĩ tới người… lạ. Còn hôm nay, trước mặt tôi là bốn người lạ. Là L. kế toán, quê Hải Dương. Ba mươi tuổi, L. vốn là sinh viên sang Pháp năm 2014, thích ẩm thực, định cư ở Pháp. Là S. sinh năm 1988 người Hà Nội. Năm 2010 S. sang Pháp học ngành quản lý thương mại quốc tế, hiện phụ trách xuất nhập khẩu. S. nói chọn làm việc dài lâu ở đây vì muốn đem cái hay, cái đẹp xứ mình cho thế giới; nói nơi đây đã giúp bạn từ chàng trai nhút nhát trở nên mạnh mẽ. Là T. sinh năm 1990, quê Hải Phòng, vốn là sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội sang Pháp du học, tốt nghiệp cao học quản trị du lịch; hiện phụ trách bán hàng trên mạng. Là M.L. người Việt gốc Hoa ở Sài Gòn. Sinh năm 1976, M.L từng làm việc cho công ty xuất nhập khẩu Hàn Quốc sau đại học. M.L. qua Pháp lấy bằng master thương mại quốc tế, phụ trách phần bán sỉ của Thanh Binh Jeune.

Trước mặt ba vị chủ nhân, trong văn phòng giản dị ngược hẳn với sự chăm chút tinh tươm ngoài cửa hiệu, bốn người trẻ nói họ thích làm việc nơi đây vì không khí thân thiện, dân chủ, cùng mục tiêu phát triển. Nhìn họ trao đổi vui tươi tràn đầy năng lượng, tôi chúc mừng ba chủ nhân đã tìm được thế hệ kế thừa; sẵn dịp thắc mắc sao cổng vào siêu thị nhiều năm vẫn lùi xùi so với bên trong. Minh Đường nói do khu vực này nằm trong quy hoạch lớn của thành phố, chưa thể xây cất. Thì ra vậy. Nhưng không sao, cổng hơi xấu mà bên trong bừng sáng vẫn hay hơn ngược lại.

Đạo diễn Việt Linh

Theo KTSG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối