Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Hành trang nào cho nhà bán hàng TMĐT xuyên biên giới?

(SGTT) - Tuy các sàn TMĐT lớn như Amazon, Alibaba đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng xuyên biên giới nhưng không phải muốn lên sàn là được, bản thân các doanh nghiệp cũng cần tự cải thiện năng lực của chính mình và chuẩn bị thật kỹ lưỡng.

Chỉ tính riêng số lượng tài khoản người mua hàng, Amazon có đến 300 triệu, còn Alibaba vào khoảng 260 triệu. Những con số hấp dẫn đó khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam quyết định đầu tư vào các kênh này để chào hàng sang các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, có quá nhiều rào cản và trở ngại khiến doanh nghiệp Việt chùn bước.

Nghiên cứu thị trường quốc tế
Còn nhớ ở diễn đàn Toàn cảnh về TMĐT năm 2018 ở Hà Nội, diễn giả Phạm Khánh, người từng có ba năm kinh nghiệm đưa hàng hóa lên Amazon, cho biết để tiếp cận thành công thị trường này, doanh nghiệp Việt phải đầu tư vào nghiên cứu thị trường gồm tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu, xu hướng của khách hàng quốc tế cũng như nghiên cứu các đối thủ của mình trên thị trường, từ đó mới có phần thiết kế, điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp.

Bán hàng cho người nước ngoài đương nhiên người bán phải có vốn tiếng Anh nhất định và kỹ năng bán hàng tốt để tư vấn chính xác và chăm sóc khách hàng chu đáo. Vì nếu hiểu sai ý khách hàng, người bán sẽ bị hoàn trả hàng. Đây cũng là điều mà doanh nghiệp Việt không ít lần dở khóc dở cười. Nếu bị trả hàng về nhiều lần, tài khoản của doanh nghiệp sẽ bị đánh giá không tốt, có khi bị khóa tài khoản.

Nhân sự bán hàng chuyên nghiệp

Việc sắp xếp người chuyên trách trực 24/24 tại gian hàng trực tuyến là rất quan trọng, có thể nói là yếu tố quyết định sự thành bại của hoạt động bán hàng. Người trực phải luôn ở tư thế sẵn sàng phản hồi khách cả trên kênh online lẫn trả lời điện thoại đường dây nóng (hotline) khi khách yêu cầu tư vấn sản phẩm hoặc khiếu nại, đòi hoàn trả sản phẩm.

Thông thường, doanh nghiệp trong nước sẽ phải nhờ một số đầu mối ở nước ngoài, có thể là Việt kiều hoặc người nước ngoài, thực hiện việc chăm sóc khách hàng hay nhận sản phẩm hoàn trả. Điều này sẽ giúp cho việc bán hàng ở thị trường nước ngoài thuận lợi hơn do người bản xứ sẽ giao tiếp tốt hơn với khách hàng.

 

Hiểu rõ các sàn giao dịch
Đăng ký được gian hàng trên Amazon hay Alibaba mới chỉ đơn giản là hoàn thành được bước đầu trong quá trình bán hàng. Để tận dụng được hết sức mạnh của các kênh này, người bán phải nắm vững các công cụ hỗ trợ nhà bán cũng như các chính sách về quảng cáo, chính sách đào tạo và cả những quy định hết sức chặt chẽ liên quan tới sản phẩm... Chẳng hạn, Alibaba có gói hỗ trợ tối đa hóa sự tương tác, cung cấp các công cụ trực tuyến, thực hiện trang web giới thiệu sản phẩm (mini site) và hỗ trợ chăm sóc khách hàng cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cũng cần đầu tư cho hoạt động quảng bá nếu muốn bán được hàng. Hiện tại Amazon đang cung cấp chương trình quảng bá sản phẩm và thương hiệu là Amazon Advertising Products. Với mỗi một danh mục sản phẩm, sàn giao dịch đều yêu cầu nhà bán phải cung cấp chứng từ phù hợp. Do đó, người bán phải am hiểu sản phẩm của họ thuộc danh mục cần phê duyệt (phải đủ các giấy tờ để phê duyệt) hay danh mục sản phẩm mở (danh mục không cần phê duyệt) và đáp ứng quy định an toàn sản phẩm tại địa phương bán hàng. Đối với khâu thanh toán, một số nhà cung cấp giải pháp thanh toán, giao nhận hàng hóa, hỗ trợ đăng ký giấy phép sản phẩm đã được Amazon Global Selling đăng tải trên https://services.amazon.vn như Payoneer Việt Nam, FedEx Express, DHL Express Việt Nam, Viettel Post…

Một khi các doanh nghiệp Việt hiểu rõ thị trường và đáp ứng yêu cầu của các sàn giao dịch quốc tế, hiệu quả bán hàng sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, con đường cũng lắm gian nan.

Những điểm cần lưu ý:
- Để đưa hàng Việt lên Amazon: Sau khi đăng ký tài khoản người bán, doanh nghiệp liệt kê và điền thông tin sản phẩm, đóng gói và chuyển hàng từ Việt Nam qua kho của Amazon. Sau đó Amazon sẽ phân phối hàng hóa tới khách hàng. Ở thị trường nước ngoài, khách hàng sẵn sàng trả trước. Amazon sẽ làm trung gian thu tiền và chuyển tiền cho người bán. Người bán phải tự tìm các đối tác logistics để vận chuyển hàng qua cho Amazon.
- Khách hàng nước ngoài thích đóng gói hàng hóa sao cho chắc chắn và bao bì đẹp. Họ thường hoàn trả sản phẩm khi không hài lòng và yêu cầu thời gian giao hàng phải đúng cam kết. Nếu trễ hẹn dù một lần sẽ bị hoàn hàng và người bán sẽ bị mất khách. Sẽ là điểm cộng cho nhà bán nếu gửi kèm bản hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh.
- Amazon hỗ trợ tài khoản bán hàng chuyên nghiệp tốt hơn tài khoản cá nhân. Người bán nên dùng hệ thống hoàn thiện đơn hàng FBA (Fulfillment by Amazon) để tận dụng nguồn lực (kho hàng, hệ thống vận chuyển...) từ Amazon. Tìm hiểu thị trường dựa vào danh sách sản phẩm bán chạy nhất, sản phẩm được yêu thích nhất được cập nhật hàng giờ. Chất lượng hình ảnh sản phẩm ở độ phân giải cao, nền hình ảnh trắng trong để làm nổi bật sản phẩm. Sản phẩm phải có mã vạch theo tiêu chuẩn quốc tế, cần đăng ký thương hiệu trên Amazon để sử dụng mã vạch của Amazon... Tìm hiểu về các loại giấy tờ cần cung cấp cho sàn giao dịnh phù hợp với từng danh mục sản phẩm.

Quỳnh Trang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối