Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Hành trình ẵm trọn thiên nhiên Tây Giang vào lòng

(SGTTO) - Trekking (đi bộ leo núi) khám phá rừng pơ mu, ngắm ruộng bậc thang được “ôm” bởi dòng suối uốn lượn và giao lưu với bà con Cơ Tu thân thiện là những gì đọng lại sau chuyến đi hai ngày một đêm đến huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Sáu giờ sáng ngày cuối tuần, tôi hội ngộ cùng một vài người bạn tại ngã ba Túy Loan. Chúng tôi cùng ăn mì Quảng - đặc sản vùng này - trước khi khởi hành bằng ô tô đến trung tâm huyện Tây Giang. Đoạn đường đèo, núi khoảng 120km dường như ngắn hơn và đỡ mệt hơn nhờ khung cành làng quê miền sơn cước yên bình dọc hai bên đường và đường xá đã được lát bê tông và trải nhựa.

Sau khi dừng chân nghỉ ngơi tại thị trấn Prao, huyện Đông Giang, khoảng hơn 9:00 chúng tôi đến xã A Tiêng, huyên Tây Giang – nơi đặt trung tâm hành chính của huyện miền núi với dân số chỉ 20.000 người.

Đi bộ dưới tán rừng xanh

Chúng tôi bắt đầu đến địa điểm đầu tiên: khu rừng già nguyên sinh pơ mu. Quần thể cây pơ mu ở đây thuộc hai xã Axan và Tr’Hy, nằm trên núi Zi’liêng, với tổng diện tích khoảng 450 ha trên độ cao gần 1.500m so với mực nước biển. Đây được xem là loài cây linh thiêng của người Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang, do đó được người dân hết sức giữ gìn bảo vệ.

Mô hình nhà Gươl và sân sinh hoạt điển hình của người Cơ Tu tại huyện Tây Giang. Ảnh: Nhân Tâm

Sau khoảng 30 phút đi bộ, leo núi dưới tán rừng xanh, chúng tôi đã đến tận gốc những cây pơ mu cổ thụ với những dáng hình khác nhau. Rất nhiều cây đã được lãnh đạo huyện Tây Giang đặt tên theo hình thù như cây ngũ hổ, cây voi, cây rồng, cây ếch… Phía dưới tán rừng, những cây pơ mu nhỏ đang vươn mình phát triển.

Những ngôi nhà truyền thống của người Cơ Tu nằm ẩn hiện trong rừng pơ mu. Ảnh: Nhân Tâm

Tại khu vực này, làng sinh thái Pơ-Mu với những ngôi nhà sàn truyền thống là nơi du khách có thể khám phá và thưởng thức đặc sản địa phương.

Khoảng gần 15:00 chúng tôi rời khỏi rừng Pơ-Mu, đến xã Lăng để khám phá văn hóa địa phương. Trên đường đi chúng tôi còn ghé hai điểm du lịch là ruộng bậc thang Chuôr của đồng bào Cơ Tu thuộc xã Axan và đỉnh Quế tại xã Tr'Hy.

Những thửa ruộng bậc thang này có từ hàng trăm năm nay, giống như bức tranh khổng lồ với những con suối uốn lượn như những dải lụa mềm mại. Khung cảnh khiến tôi nhớ đến Shirakawago, ngôi làng cổ kính tại Nhật Bản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1995.

Khám phá rừng già pơ mu. Ảnh: Nhân Tâm

Trong khi đó, đỉnh Quế được mệnh danh là Sa Pa thu nhỏ giữ lòng Quảng Nam, nơi các tay ảnh có thể săn mây đẹp không kém gì Tà Xùa của Sơn La.

Khoảng 18:00 chúng tôi đã đến một nhà Gươl truyền thống (giống nhà sàn nhưng được chạm khắc công phu hơn) của người Cơ tu để ăn tối và sinh hoạt cùng bà con.

Những món ăn đặc sản, rượu ba kích cùng những điệu múa quanh ngọn lửa hồng của già làng và những người phụ nữ, trẻ em trong trang phục Cơ Tu khiến chúng tôi chếch choáng trong men say núi rừng.

Đặc sản Cơ Tu: tiềm năng du lịch

Sáng ngày thứ hai, hành trình của chúng tôi nghiêng hẳn về khám phá lịch sử, văn hóa và đặc sản địa phương.

Đó là làng du lịch sinh thái cộng đồng Ta Lang được Viện phát triển châu Á, dự án Trường Sơn xanh, Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam chọn làm thí điểm để xây dụng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng đầu tiên ở Quảng Nam.

Nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa Cơ Tu như nghề chế tác và trình diễn các nhạc cụ dân tộc của cố nghệ nhân Alăng Avel - người đã sáng chế nhiều loại hình nhạc cụ như aheen (sáo ba lỗ), abel (đàn cò)….cùng nhiều loại hình văn hóa khác đang được cộng đồng làng giữ gìn, đưa vào khai thác du lịch.

Những kho báu văn hóa Cơ Tu này nếu được đánh thức, khôi phục, khai thác đúng cách kết hợp với phát triển du lịch một cách khoa học sẽ góp phần tạo công văn việc làm, nguồn thu nhập cho cộng đồng làng, qua đó góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Đó là các khu làm sản phẩm OCOP - mỗi địa phương một sản phẩm. Tây Giang có 5 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó có tới 3 sản phẩm từ cây đẳng sâm là trà túi lọc đẳng sâm của Hợp tác xã Nông nghiệp dược liệu Tây Giang, rượu đẳng sâm của cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu Đức Huy và cao đẳng sâm của Hợp tác xã Dược liệu Đức Huy Tây Giang.

Trong đó, đẳng sâm Tây Giang ngoài bán củ tươi để ngâm rượu, chiết xuất rượu, chiết xuất tạo sản phẩm sâm Tây Giang, năm 2019, tiếp tục xuất hiện hai sản phẩm mới là cao đẳng sâm và trà túi lọc đẳng sâm. Việc đa dạng sản phẩm từ đẳng sâm góp phần nâng giá trị, thương hiệu của loại dược liệu quý Tây Giang trên thị trường, tạo động lực giúp người vùng cao thoát nghèo.

Chiều cùng ngày, chúng tôi rời Tây Giang với một chút tiếc nuối và hẹn ngày quay trở lại.  Ông Bh'riu Liếc, cựu Bí thư huyện ủy Tây Giang, giới thiệu, lần sau có đến Tây Giang, chúng tôi nên ghé thăm rừng đỗ quyên cổ trên đỉnh Arung có độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển hay “cung đường muối” – nơi khi xưa bộ đội đưa muối từ đường Hồ Chí Minh vào cho người dân trong các bản làng.

Đường đến Tây Giang:

Huyện Tây Giang cách thành phố Đà Nẵng 120km về phía Tây, cách thành phố Hội An 150km, cách thành phố Huế 220km, có đường Hồ Chí Minh chạy qua. Nếu chọn tuyến đường ngắn nhất tên Tây Giang, bạn nên khởi hành từ thành phố Đà Nẵng. Từ cuối đường Hoàng Văn Thái - Đà Nẵng theo quốc lộ 14G, lên thị trấn Prao - Đông Giang Đến ngã ba thị trấn (đi Nam Giang - Tây Giang), bạn sẽ thấy biển chỉ đường đi Tây Giang.

“Hành trình nối những miền xanh” là chuỗi nội dung về du lịch xanh, do Sài Gòn Tiếp Thị Online thực hiện nhằm khuyến khích, vinh danh những địa điểm, ý tưởng làm du lịch có đóng góp trở lại cho môi trường, tạo cơ hội cho du khách gần gũi thiên nhiên. Nếu có ý tưởng hoặc muốn cộng tác liên quan nội dung này, mời bạn gửi về email: toasoan@sgtiepthi.vn hoặc nhắn tin trên fanpage: facebook.com/sgtiepthi.vn, hoặc tham gia giao lưu trên group facebook Thích du lịch Xanh.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối