Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Hành trình kết nối thông tin

Minh Duy-

Bốn người đàn ông Ý vừa kết thúc hành trình 24 ngày du lịch Việt Nam. Phân nửa thời gian đó, họ xe đạp khoảng 1.000 km từ Huế vào Vũng Tàu, mà theo cách họ gọi đây là hành trình giúp họ nối lại thông tin về Việt Nam.

Từ phải sang là Garbin Mauro, Mancin Vicenzo, Mantovan Mario và Cacciatori Vittorio tại phố cổ Hội An.

Thực hiện giấc mơ

Họ là Garbin Mauro, Cacciatori Vittorio, Mancin Vicenzo, đều 64 tuổi, là công nhân đã nghỉ hưu, và Mantovan Mario, 54 tuổi, là cảnh sát trưởng của thành phố Porto Viro, vùng Veneto. Sáng 15-3, khi gặp chúng tôi, các ông đã đóng gọn những chiếc xe đạp để chuẩn bị mang về nước và đang tận dụng chút thời gian còn lại để thăm thú TPHCM, chặng cuối của cuộc hành trình.

“Chúng tôi từ Ý đến Hà Nội, tham quan các vùng lân cận bằng ô tô rồi bắt đầu đạp xe từ Huế. Đó là một trong những chặng đường dài nhất mà chúng tôi đã từng đi và nó thật đáng giá. Chúng tôi đã thực hiện được giấc mơ”, ông Garbin Mauro, trưởng đoàn nói.

Ông Mauro từng là công nhân nhà máy đường. Ông kể, từ thời trẻ, ông và các bạn đã mong được đến Việt Nam. Trả lời cho câu hỏi vì sao, ông nói đó là một câu chuyện dài. Hồi đó, họ chỉ biết đến Việt Nam qua tivi, với những hình ảnh không thể quên được là chiến tranh, là máy bay dội bom cùng cảnh đổ nát. Sau khi chiến tranh chấm dứt, họ muốn biết đất nước đó như thế nào.

Trước khi đến Việt Nam, bốn người đàn ông này đã có kinh nghiệm đạp xe ở nhiều quốc gia. Họ đã đến Pháp, Tây Ban Nha, Argentina, Chile… Và để thực hiện ước mơ thời trai trẻ, trong hành trình đầu tiên đến châu Á, những người bạn đã chọn Việt Nam. “Chúng tôi mất một năm để chuẩn bị cho chuyến đi, chủ yếu là dành thời gian để tìm hiểu về đất nước này”, ông Mancin Vicenzo nói. Họ đã kết nối với nhiều tổ chức như Hội hữu nghị Việt Nam – Italia, Hội Italia – Việt Nam chi hội vùng Veneto, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Tổng cục Du lịch để đảm bảo chuyến đi được hoàn hảo nhất.

Ông Mauro nói thêm rằng, đi xe đạp là cách thích hợp nhất để khám phá vẻ đẹp dọc đường đi cũng như tạo thêm cơ hội để tiếp cận gần hơn với người dân địa phương nhằm hiểu về Việt Nam hơn. Thực tế, chuyến đi đã cho ông cùng các bạn những thứ tuyệt vời hơn cả sự tưởng tượng. “Tôi đã hình dung rằng Việt Nam sẽ có chút thay đổi sau chiến tranh nhưng không ngờ lại thay đổi nhanh như vậy. Mọi thứ liên quan đến cuộc chiến gần như không còn nữa. Chúng tôi đã thấy một đất nước hoàn toàn khác, đẹp và hiện đại”, ông nói.

Sẽ nói về Việt Nam

Trong suốt chuyến đi, cùng với chụp ảnh, quay phim, đều đặn mỗi ngày, những người đàn ông này đã cẩn thận ghi chú những điều cần nhớ, những địa danh đã đi qua trong cuốn sổ tay nhỏ. Cũng gần như mỗi ngày, họ đều giới thiệu hình ảnh, video clips trên mạng xã hội, gửi thông tin cho truyền hình của thành phố Porto Viro để giới thiệu về Việt Nam.

“Có nhiều điều để kể lắm. Rất nhiều người đồng hương của chúng tôi không biết Việt Nam như thế nào. Tôi muốn kể cho họ nghe, cảnh vật ở đây rất đẹp còn con người thì cực kỳ hiếu khách”, ông Mauro nói.

Mantovan Mario, vị cảnh sát trưởng đồng ý với nhận định này, cho biết ở nhiều nơi, du khách thường gặp một số trở ngại trong giao tiếp nếu không biết tiếng địa phương hoặc không biết tiếng Anh, nhưng ở Việt Nam, rào cản ngôn ngữ gần như không có và cách tiếp đãi khách phương xa của người dân cũng khác.

“Khi chúng tôi đến Lagi thì thấy có một đám tiệc. Tôi tò mò ghé vào xem thì ngay lập tức được người dân chào đón. Mọi người hỏi tôi đến từ đâu rồi dẫn đi giới thiệu với bạn bè “Đây là người bạn Ý của tôi” rồi mời bia, mời ca hát rất thân tình. Chúng tôi biết nhau nói gì dù không hiểu ngôn ngữ của nhau”, ông Mantovan Mario nói.

Cacciatori Vittorio thì ngạc nhiên về sự hiếu khách và tài khéo của người Việt. “Nhìn chiếc xe của Mario này mà xem. Nó bị gãy sườn do sập ổ gà. Chúng tôi đã nghĩ phải tạm dừng hành trình để tìm mua xe mới nhưng một anh thợ của quán bên đường đã hàn lại một cách dễ dàng”, ông nói và còn cẩn thận cho xem hai tấm ảnh chụp chiếc xe đạp khi bị gãy và sau khi được hàn lại.

Ông Vittorio kể, trong suốt hành trình đạp xe hơn 1.000km, do thời tiết khá nắng nóng nên đôi lúc nhóm ông rất mệt. Điều làm họ nhớ nhất là những quán nước có võng đung đưa ở ven đường. Với những điểm dừng chân này, ai cũng có thể ghé đến nằm đung đưa hưởng những làn gió mát rồi uống nước giải khát trước khi tiếp tục hành trình.

“Cũng như nhiều quán xá khác, bạn chẳng cần phải đợi lâu để có nước uống. Chủ quán sẽ đem ngay cho bạn một ly trà khi khi bạn vừa ghé đến rồi mới hỏi bạn cần gì. Tôi bị điều này thu hút. Người Việt hiếu khách và thân thiện quá”, ông Vittorio nói.

Trưởng đoàn Mauro cười to khi được hỏi có điều gì bất tiện khi đi tour xe đạp ở Việt Nam. “Thời tiết tốt, đồ ăn ngon, cảnh đẹp, con người hiếu khách, chỉ có một số chỗ, giao thông hơi lộn xộn, người đi đường chạy quá nhanh làm chúng tôi hơi lo” ông Vittorio nói.

Ông Mauro cho biết, nhóm của ông đã có hẹn phỏng vấn với một số kênh truyền thông ở vùng Veneto để kể về chuyến đi. “Chúng tôi đã nối lại được thông tin về Việt Nam, đã rất ấn tượng và muốn kể lại cho nhiều người biết”, ông nói và cho biết cả nhóm sẽ phải mất vài tháng để xem và hệ thống lại những ảnh chụp,thước phim về chuyến đi vì họ đã ghi hình quá nhiều.

Chuyến đi bắt đầu tại Ý vào 20-2. Đến Hà Nội vào ngày 21-2, bốn người bắt đầu hành trình tham quan những danh thắng ở Hà Nội, Ninh Bình và tham gia một số hoạt động như giao lưu với sinh viên khoa tiếng Ý ở Đại học Hà Nội.

Ngày 26-2, đoàn đến Huế. Chương trình đạp xe chính thức bắt đầu sau đó một ngày bằng hành trình tham quan các thắng cảnh ở Huế rồi đến các tỉnh, thành phía Nam.

Ngày 10-3, đoàn đến Vũng Tàu, kết thúc chương trình đạp xe để dành thời gian khám phá những thắng cảnh ở TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối