Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Hấp dẫn nhưng rủi ro luôn rình rập

Chánh Tài -

Tiền ảo, chẳng hạn như bitcoin, đang là vấn đề gây sự chú ý ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ở một số nơi, người ta còn tính chuyện phát hành tiền ảo lần đầu ra công chúng để huy động vốn. Đây là vấn đề gây tranh cãi. Vì một mặt, nó giúp các công ty khởi nghiệp nhanh chóng hút tiền đầu tư. Nhưng mặt khác, nó đặt ra những rủi ro bao gồm lừa đảo hoặc mức biến động giá quá lớn của tiền ảo.

ICO, làn sóng huy động vốn mới

Doanh nhân gốc Myanmar Aung Kyaw Moe, 42 tuổi và doanh nhân gốc Nhật Bản Jun Hasegawa, 36 tuổi ở Bangkok, Thái Lan có nhiều điểm chung. Cả hai đều rời quê hương đến một đất nước khác để xây dựng sự nghiệp. Họ đang phát triển các dự án thanh toán số hóa với mạng lưới hoạt động tập trung ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, con đường huy động vốn cho các công ty khởi nghiệp của họ lại đi theo hai hướng đối lập. Aung, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp 2C2P, đã huy động được khoảng 30 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư mạo hiểm và đặt mục tiêu niêm yết trên sàn chứng khoán trong vài năm tới.

Hasegawa, người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp Omise, đã huy động được 25 triệu đô la thông qua một hình thức huy động vốn mới nổi lên trong thời gian gần đây, có tên gọi phát hành tiền ảo lần đầu ra công chúng (ICO). Tổng giá trị số tiền ảo OmiseGo (OMG) mà công ty của Hasegawa phát hành, giờ đây đã tăng lên hơn 2 tỉ đô la. “Thật điên rồ. Chỉ mất sáu tháng để Omise đạt được mức vốn hóa đó”,  Hasegawa nói.

Aung Kyaw Moe, người sáng lập công ty khởi nghiệp 2C2P. Ảnh: Bloomberg

Chứng kiến tốc độ tăng giá phi mã của đồng tiền ảo OMG, Aung sửng sốt và có phần thèm muốn cách huy động vốn bằng hình thức ICO. Nhưng sau khi cân nhắc kỹ, anh chọn cách huy động vốn truyền thống, tức bán cổ phần cho các nhà đầu tư mạo hiểm vì anh cho rằng ICO là một nền tảng quá dễ lung lay để xây dựng một doanh nghiệp. “Nếu tất cả mọi thứ sụp đổ một ngày nào đó, bạn sẽ mất hết quyền kiểm soát”, Aung nói.

Câu chuyện huy động vốn của Omise và 2C2P cho thấy một tình thế bế tắc mà các công ty khởi nghiệp đang đối mặt khắp nơi trên thế giới. Liệu họ có nên huy động vốn đầu tư mạo hiểm theo cách truyền thống vốn có những hạn chế riêng, hay chuyển sang ICO để thu hút vốn đầu tư nhanh chóng nhưng phải chấp nhận biến động giá lớn của tiền ảo và nhiều rủi ro khó lường khác.

ICO đang được yêu thích trong các hoạt động huy động vốn trong thời gian gần đây. Năm 2017 đã có 502 đợt ICO trên thế giới, giúp các công ty thu về 6,8 tỉ đô la, theo công ty nghiên cứu tiền ảo Smith + Crown.

Telegram Inc, một dịch vụ tin nhắn mã hóa, đang có kế hoạch huy động vốn ít nhất 1,2 tỉ đô la thông qua ICO. Đây sẽ là vụ ICO lớn nhất từ trước đến nay. Nhiều nhà đầu tư tham gia các vụ ICO chỉ vì một lý do đơn giản: giá các đồng tiền ảo tăng chóng mặt vào năm ngoái, một phần là nhờ cơn tăng giá gấp 10 lần của bitcoin.

Giá trị tăng nhanh nhờ... tiền ảo

Aung thành lập công ty 2C2P vào năm 2003 ở Bangkok. Công ty này giúp các khách hàng như Thai Airways, Lazada và Zara xử lý các thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ....

Hasegawa và doanh nhân người Thái Lan Ezra Don Harinsut thành lập Omise ở Bangkok vào năm 2013 như là một công ty thương mại điện tử nhưng sau đó chuyển hướng sang dịch vụ thanh toán. Mạng lưới OmiseGo của họ cho phép bất kỳ người nào cũng có thể thực hiện các giao dịch tài chính bằng các loại tiền ảo như ethereum và bitcoin cũng như tiền giấy chẳng hạn đồng đô la Mỹ. Omise muốn hướng khách hàng ra khỏi các dịch vụ ngân hàng truyền thống và chuyển sang thế giới phi tập trung của các đồng tiền ảo.

Omise có thể khó huy động vốn đầu tư theo cách truyền thống. Tuy nhiên, tiến hành ICO đã giúp họ nhanh chóng thu hút tiền đầu tư. Ngoài ra, ICO cũng giúp họ không phải nhượng lại cổ phần trong công ty của mình. Những nhà đầu tư tham gia ICO của Omise không nắm cổ phần ở Omise mà chỉ nhận được tiền ảo OMG có thể sử dụng trong mạng lưới của công ty.

Hasegawa cho biết một số nhà đầu tư hiện tại không ủng hộ dự án của anh. Tuy nhiên vì Omise không bán cổ phần nên Hasegawa không cần sự đồng ý của các cổ đông. Tất cả những gì Hasegawa làm là đăng lên mạng kế hoạch ICO vào tháng 6-2017. Chỉ  vài tuần sau đó, kế hoạch này nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư tiềm năng.

Hasegawa cho biết các nhà đầu tư đã cam kết chi tổng cộng 200 triệu đô la để mua tiền ảo OMG. Tuy nhiên, Omise chỉ phát hành đủ số tiền ảo để thu về 25 triệu đô la Mỹ. Omise đang sở hữu khoảng 30% tổng số tiền ảo OMG, có trị giá hơn 500 triệu đô la Mỹ tính theo giá giao dịch của OMG vào ngày 22-1.

Với số tiền thu từ đợt ICO, Omise dự định triển khai một công nghệ ví điện tử dựa trên nền tảng chuỗi khối của tiền ảo ethereum trong quí 4-2017. Song cuối cùng kế hoạch bị hoãn lại cho đến giữa năm 2018. Trong khi đó, Aung cố gắng không đưa ra các cam kết mà anh thấy không thể thực hiện.

Dmitry Levit, nhà đầu tư vốn mạo hiểm đầu tiên ủng hộ 2C2P, cho biết khi công ty ông bắt đầu mở rộng kinh doanh ở Đông Nam Á vào năm 2011, nhiều cơ hội bán vé máy, bán hàng hóa và đặt chỗ các dịch vụ trực tuyến bị bỏ lỡ chỉ vì không có các phương án thanh toán đáng tin cậy. Ông nhanh chóng nhận ra rằng 2C2P đang cung cấp một giải pháp tốt trong tình thế này.

Hiện nay, 2C2P có khoảng 350 khách hàng lớn bao gồm Facebook và khoảng 30 hãng hàng không. Năm 2017, doanh thu của 2C2P tăng 111% khi công ty xử lý các thanh toán trị giá 6 tỉ đô la Mỹ. Các nhà đầu tư đáng chú ý của 2C2P bao gồm GMO Venture Partners (Nhật Bản), SafeCharge International Group (Anh) và Amun Capital (Hồng Kông).

Nắm trong tay nhiều khách hàng lớn và chứng kiến công việc kinh doanh phát triển nhanh, Aung nói anh sẽ không liều lĩnh gây rủi ro cho các triển vọng sáng sủa của 2C2P bằng cách thử nghiệm huy động vốn bằng hình thức ICO. Hasegawa cho rằng ICO đang mở đầu cho một cuộc cách mạng tài chính, song Aung không tin điều này.

ICO vẫn đang tranh cãi trên toàn cầu. Năm ngoái, Trung Quốc, Hàn Quốc đã cấm ICO. Các nhà quản lý ở Hồng Kông và Singapore cũng cảnh báo công chúng các nguy cơ lừa đảo và rửa tiền qua ICO. Chẳng hạn, bọn lừa đảo có thể dựng lên một dự án “ma” rồi huy động vốn từ cộng đồng bằng ICO.

Năm ngoái, Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) nhiều lần yêu cầu ngưng các vụ ICO do nghi ngờ lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật. Trong khi đó, các nước như Nhật Bản, Thụy Sĩ lại ủng hộ ICO. Mới đây, công ty kiểm toán Ernst & Young cho biết từ năm 2015-2017, bọn tin tặc đã tấn công mạng và lấy cắp số tiền ảo từ các quỹ ICO trị giá 400 triệu đô la.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối