Chủ Nhật, Tháng Một 12, 2025

Harley-Davidson nhắm vào thị trường Đông Nam Á

Thái Hà-

Hồi tháng 2 năm nay, khi gặp các quan chức hàng đầu của hãng sản xuất mô tô Harley-Davidson, Tổng thống Mỹ Donald Trumps nói: “Chúng tôi tự hào với các bạn, những người sản xuất hàng hóa ở Mỹ”. Cùng lúc đó, Harley-Davidson đang hối hả xây dựng nhà máy mới của họ tại Thái Lan.

Harley-Davidson, biểu tượng cho lối sống Mỹ cả trăm năm nay, hoàn toàn biết rằng đưa nhà máy ra nước ngoài sẽ khiến cho công ăn việc làm ở Mỹ giảm, nhưng họ không còn cách khác. “Nói chúng tôi lấy đi công việc ở nước Mỹ không hoàn toàn đúng. Những chiếc xe sản xuất tại châu Á sẽ tiêu thụ ở châu Á, chứ không mang về Mỹ. Làm xe cho người Mỹ đã có các nhà máy ở Mỹ. Chúng tôi chỉ muốn phát triển việc làm ăn ở châu Á thôi”, ông Marc McAllister, Giám đốc bộ phận bán hàng quốc tế của Harley-Davidson đóng ở Singapore cho tờ The New York Times biết.

harley

“Tại sao chúng ta không sản xuất xe ở Mỹ để xuất khẩu?”, ông Leo Gerard, đại diện cho các công nhân Harley-Davidson làm việc tại các nhà máy ở bang Wisconsin và bang Missouri, đặt câu hỏi. Nhưng về mặt kinh doanh thì điều này rất khó. Giá nhân công ở Mỹ cao hơn ở châu Á là một vấn đề. Vấn đề khác lớn hơn là thuế nhập khẩu xe ở các nước này được áp ở mức rất cao, khiến giá xe đội lên rất cao.

Tại châu Á, ngày càng có nhiều người hâm mộ và sưu tập xe Harley-Davidson như Akaravech Chotinaruemol, một nhà phân tích tài chính sống ở Bangkok. Chiếc Harley-Davidson đắt nhất hiện Chotinaruemol sở hữu là chiếc Road Glide đời 2013 có giá 60.000 đô la Mỹ khi tới Thái Lan. Ở Mỹ, chiếc này chỉ có giá bằng phân nửa.

Lượng xe tiêu thụ ở Mỹ ngày một giảm khiến Harley-Davidson phải nhìn ra thế giới kiếm thị trường mới. Cách đây 10 năm, 1/4 lượng xe Harley-Davidson tiêu thụ bên ngoài nước Mỹ. Năm ngoái, 1/3 lượng xe tiêu thụ ngoài nước Mỹ. Hãng này lên kế hoạch trong thập kỷ tới, 1/2 lượng xe sẽ được bán bên ngoài nước Mỹ. Năm 2011, họ đã mở nhà máy ở Bawal, Ấn Độ, nước đánh thuế xe nhập khẩu 100%. Họ cũng có một nhà máy lắp ráp ở Brazil và một nhà máy sản xuất bánh xe ở Úc.

Những chiếc Harley-Davidson sản xuất ở Thái Lan sẽ tránh được thuế suất nhập khẩu xe 60%. Họ cũng sẽ tránh được thuế nhập khẩu rất nhiều khi xuất sang các nước láng giềng của Thái Lan nhờ hiệp định thương mại tự do AEC giữa 10 nước Đông Nam Á. Tiếp theo là giúp họ tiếp cận với thị trường Trung Quốc rộng lớn khi các nước ASEAN đang theo đuổi một hiệp định thương mại tự do với Bắc Kinh. Cũng vì thế mà việc chuyển xe tới Trung Quốc sẽ chỉ còn 5-7 ngày, thay vì 45-60 ngày nếu chuyển từ Mỹ.

Ông Trump khuyến khích các công ty như Harley-Davidson ở lại Mỹ nhưng ông lại đóng cửa TPP, một hiệp định có thể giúp Harley-Davidson xuất xe sang Việt Nam, Malaysia, Singapore với thuế nhập khẩu bằng không. Nhà máy ở Thái Lan mở tại tỉnh Rayong, nơi có các cơ sở của Ford, Ducati, General Motors và Suzuki.

Ông Chotinaruemol hy vọng chất lượng những chiếc xe lắp ở Thái Lan sẽ không thua những chiếc nhập khẩu từ Mỹ, nhưng ông lo ngại việc những chiếc xe Harley-Davidson giảm giá do không thuế sẽ làm mất giá trị đối với những người sưu tập xe như ông. Đấy là quan điểm của “nhà giàu”. Còn với giá tốt, sẽ có nhiều người có cơ hội tiếp cận được với cỗ xe mơ ước này hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối