Trương Huỳnh Như Trân
Trẻ lên một nói người ta cười,
trẻ lên mười nói người ta chửi.
Ở một khía cạnh khác, theo tôi, câu này không nói tới vấn đề của đứa trẻ, mà nói tới vấn đề của những người lớn xung quanh đứa trẻ.
Khi con trẻ bắt đầu bập bẹ những tiếng đầu tiên, bất cứ con nói gì cũng khiến cha mẹ sung sướng, hớn hở, nhớ và khoe khắp mọi người. Con lớn lên một chút, bắt đầu biết lý sự, nói những câu như triết gia. Cha mẹ lại vội vàng ghi lại những “lời vàng ý ngọc” đó rồi đăng lên Facebook hay viết blog, để tự hào con mình là thiên tài, và luôn trầm trồ với mọi ý tưởng của con. Và thời vàng son của ấu thơ dường như dừng lại ở đó. Khi con lớn thêm lên, khi những lý luận, những trò đùa của con không còn là phát kiến vĩ đại trong mắt cha mẹ nữa, cha mẹ bắt đầu coi thường lời nói của con. Khi con nói một câu mà con nghĩ là câu đùa dí dỏm, thông minh, chờ nghe câu tán thưởng của mẹ thì mẹ chỉ thờ ơ: “Ừ, vậy à!”, còn bố thì cau mày: “Biết rồi, bố đang bận!”. Mẹ và bố không thấy đâu, con có ngưng lại ngỡ ngàng: Vì sao bố, vì sao mẹ không còn hân hoan trước những lời nói ẩn ý của mình nữa. Vì sao mẹ không hôn lên má con và xuýt xoa: “Con tui “già” quá đi!”.
Và nhiều lần như vậy, con cũng mất luôn cái hứng thú chia sẻ từng suy nghĩ, từng ý tưởng mà con nghĩ là độc đáo của mình. Chưa kể con sẽ dần mất luôn tự tin ở bản thân, trở nên khép kín, một mình nghĩ tưởng mà không nói ra với ai nữa.
Tôi là một đứa trẻ khép kín, vì những lý do gì ở tuổi thơ tôi không còn nhớ. Đó là cái thời khốn khó cha mẹ lo chạy ăn từng bữa, không thể theo sát từng bước tâm tư tình cảm của con. Tôi ít tâm sự với mẹ, ít nói chuyện với ba, lớn lên cũng không tìm thấy ai đủ độ tin cậy để mình bày tỏ, và cũng đã mất cái thói quen hay đúng hơn là không có thói quen bày tỏ. Nhưng từ khi có con, tôi luôn kể cho con nghe từng việc nhỏ tôi làm, từng suy nghĩ tôi có. Đôi khi giữa chiều mưa gió đi một mình trên đường, tôi nghĩ khi đón con sẽ nói: “Bé à, lúc nãy trên đường mưa rất to, mẹ thấy lá ở công viên rụng nhiều lắm”. Có lúc tôi khựng lại, tự hỏi: Vì sao tôi luôn muốn chia sẻ mọi cảm xúc của mình với con, một cô bé 5 tuổi, điều tôi chưa từng có với ai? Và tôi tìm ra ngay câu trả lời: con luôn lắng nghe tôi một cách chân thành, tò mò, và luôn hỏi lại những điều con chưa hiểu, hoặc cùng cảm nhận với tôi cảm xúc mà tôi đang có. Con không bao giờ chế giễu những ý tưởng “sến súa” hay những việc làm bình thường của tôi (điều mà tôi luôn sợ ở những người xung quanh). Nhìn vẻ mặt chăm chú của con khi nghe tôi kể về lịch làm việc, về những thức ăn sẽ mua ở chợ, về bà sếp khó chịu, hay về một buổi chiều mưa đầy lá rụng, tôi tự nhiên muốn giãi bày hết mọi ẩn ức trong lòng mình.
Đôi khi trước con, tôi mới chính là đứa bé 5 tuổi. Đứa bé tôi – 5 tuổi sợ bị giễu cợt những khoảnh khắc mơ mộng, sợ bị chê cười những ý tưởng vặt vãnh, hứng thú khi có thính giả lắng nghe đầy quan tâm. Đứa bé con tôi - 5 tuổi biết lắng nghe say mê và biết chia sẻ một cách chân thành. Liệu người lớn có làm được điều đó với đứa trẻ của mình không? Nếu cha mẹ coi thường và quay lưng với lời nói của con trẻ, con cũng sẽ không còn hứng thú kể chuyện với cha mẹ nữa. Phụ huynh cho rằng thế thì đã sao? Toàn là mấy chuyện linh tinh trẻ nít, có gì quan trọng đâu. Giữ suy nghĩ này, sẽ đến lúc cha mẹ giật mình hoảng sợ khi cánh cửa tâm tư của con đóng kín trước mặt mình, khi con không còn thói quen hay ý muốn chia sẻ với cha mẹ nữa. Chừng đó thì mọi thứ đã quá muộn, quá khó khăn để làm quen lại với con, trong khi con đã dành sẵn từ đầu cho cha mẹ cơ hội mà họ đã từ chối.
Tất nhiên, làm người lớn với các nỗi lo bao vây tứ phía, cha mẹ không thể nào luôn luôn kiên nhẫn với từng câu chuyện nhỏ nhặt của con. Cha mẹ có thể gắt, có thể gạt đi, có thể cáu bẳn. Tôi cũng vậy. Để chuộc lỗi, tôi chọn cách trở thành bạn của con, khi quay lại với lời xin lỗi thành thật của một người bạn: “Lúc nãy mẹ đang có nhiều chuyện khó chịu nên cáu với con, mẹ xin lỗi…”. Trẻ con rất nhanh sẽ nhận ra và chấp nhận cha mẹ là người bạn thiết của mình, người bạn không hoàn hảo, có lúc thật dễ thương nhưng cũng có lúc quạu quọ, dễ ghét.
Đã là bạn, lại là một người bạn luôn sẵn lòng lắng nghe, sẵn lòng tâm sự, và cả sẵn lòng nhận lỗi thì chuyện gì cũng kể cho “bạn ấy” nghe được cả.
Vậy thì, cha mẹ ơi, đừng quá bận rộn mà quay lưng đi khi con hớn hở níu áo gọi: “Mẹ ơi, con mới nghĩ ra chuyện này hay lắm nè!”.