Văn Nam
Tại TPHCM, dù chỉ mới có vài cơn mưa lác đác trong giai đoạn chuyển mùa nhưng cứ mưa lớn là nhiều nhà dân bị ngập. Ở những khu vực này, mặt đường cao hơn nền nhà của người dân. Đường tôn lên cao để chống ngập nhưng nước không thoát và nhà dân lại là chỗ trũng cho nước vào.
Chuyện thường ngày ở... hẻm
Theo ý kiến phản ảnh của một số người dân trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), sau khi đường nâng cao, nước mưa, triều cường lại đổ dồn vào các con hẻm hai bên đường, tràn vào nhà. Ông Lê Văn Tùng, một người dân có nhà ở khu vực này, cho biết với một vài cơn mưa chuyển mùa vừa qua, trên tuyến đường Nguyễn Văn Quá đã bớt ngập úng nhờ hồi đầu năm nay con đường đã được nâng cao thêm 20-40 cm. Tuy nhiên, đường bớt ngập thì nhiều nhà trong các con hẻm trên đường này đã thấp hơn mặt đường khiến nước tràn vào. “Để đối phó với tình trạng nước tràn vào nhà, cách đây vài hôm tôi thuê thợ về xây thêm bờ gạch, đắp thêm xi măng trước nhà tạo nên một bức tường chắn mới thoát được cảnh nước ngập”, ông Tùng nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, tình trạng nhà biến thành “hầm chứa nước” tại một số con hẻm trên đường Nguyễn Văn Quá cũng diễn ra ở nhiều nơi khác trên địa bàn thành phố. Thống kê của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TPHCM (Công ty Thoát nước đô thị) hồi đầu tháng 5 này cũng cho thấy nhiều tuyến đường trong thành phố vừa được đầu tư xây dựng có cao độ mặt đường cao hơn so với nền nhà dân, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân do nước tràn vào nhà và các con hẻm sau khi nâng đường.
Theo thông tin từ Công ty Thoát nước đô thị, toàn thành phố hiện có hơn 100 con hẻm thấp hơn mặt đường chính hoặc chưa có hệ thống thoát nước. Ông Diệp Nguyên Thịnh, Phó giám đốc công ty này dẫn chứng, chỉ riêng tuyến đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), đoạn từ đường Hoàng Văn Thụ đến đường Trường Sa đã có đến chín con hẻm thấp hơn mặt đường. Hiện nay, công ty đang theo dõi tình trạng ngập các con hẻm này để có giải pháp khắc phục.
[box type="bio"] Thông tin từ Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TPHCM cho biết, hiện thành phố còn nhiều tuyến đường có những hẻm thấp hơn mặt đường như Lũy Bán Bích, Tân Hóa (quận Tân Phú), Tân Hòa Đông, Phan Anh, Kinh Dương Vương, Phạm Văn Chí, Cao Văn Lầu, Hậu Giang, Tháp Mười, Nguyễn Hữu Thận (quận 6), Phạm Văn Hai, Phan Đình Giót (quận Tân Bình), Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), Phạm Văn Đồng, Tam Bình, Cây Keo (quận Thủ Đức), quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh)…[/box]
Cần giải pháp đồng bộ
Theo ông Hồ Long Phi, Phó ban điều hành Chương trình chống ngập TPHCM, chuyện nâng đường biến nhà dân thành “hầm” diễn ra cả chục năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa thể khắc phục. Thậm chí, nhiều khu vực bị ngập nặng hơn do nhiều chủ đầu tư chỉ biết thi công nâng đường, bỏ mặc hẻm hai bên, nhà dân lọt thỏm thấp xuống dưới. “Tình trạng này đã tồn tại quá lâu mà vẫn chưa giải quyết triệt để được. Theo tôi, khi bố trí vốn cho nâng đường cần phải bố trí luôn cả vốn nâng hẻm, thậm chí sau khi nâng hẻm rồi cũng cần phải hỗ trợ kinh phí cho dân nâng nền nhà”, ông Phi nói.
Theo ông Phi, các cơ quan chức năng lẫn các đơn vị thi công đường không nên để mặc cho người dân tự xoay xở, mạnh ai nấy làm. Điều này dẫn đến bộ mặt nhà hai bên đường chỗ thấp chỗ cao, lấm lem, rất mất mỹ quan đô thị.
Về giải pháp, ông Phi cho rằng từ khâu quy hoạch đến thực hiện các công trình hạ tầng giao thông phải được triển khai thật đồng bộ. Muốn vậy, thành phố phải bố trí nguồn vốn cho cả công trình nâng đường lẫn nâng hẻm chứ không thể làm kiểu “da beo” như lâu nay. Nếu không làm được như trên, cần phải có giải pháp tạm thời để giảm ngập cho hẻm như dùng bơm, hố thu nước mưa. “Quan trọng nhất là phải bàn bạc với người dân trước khi nâng đường”, ông Phi nói.
Trong khi đó, hồi đầu tháng 5, Công ty Thoát nước đô thị cũng đưa ra những giải pháp với Sở Giao thông Vận tải TPHCM như lắp đặt hầm gas nắp sắt thu nước tại đầu hẻm, thêm hệ thống thoát nước. Đây được xem là những giải pháp mang tính tạm thời chứ không phải lâu dài. Theo lãnh đạo Công ty Thoát nước đô thị, để giải quyết triệt để tình trạng ngập liên quan đến việc nâng đường, cần có sự nghiên cứu phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng như Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Điều hành chống ngập, UBND các quận, huyện, các khu quản lý giao thông đô thị…
Trong khi chờ đợi một giải pháp tốt nhất của cơ quan chức năng, người dân nhiều nơi ở thành phố đã cứ phải sống chung với ngập, dù chỉ mới bắt đầu những cơn mưa chuyển mùa.