Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Hiệp hội Du lịch TPHCM muốn có chính sách đặc thù cho du lịch

(SGTT) - Hiệp hội Du lịch TPHCM kiến nghị các ngành liên quan xem xét, có giải pháp hỗ trợ kịp thời tạo điều kiện thuận lợi giúp ngành du lịch sớm hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 đã khiến hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Các cơ sở lưu trú gần như phải dừng hoạt động vì không có khách. Ảnh: vietnamnet.vn

Ngày 15-6, trong công văn gửi tới các cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước… bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM đã nhấn mạnh đến những khó khăn mà ngành du lịch đang gặp phải do sự tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19.

♠Xem công văn của Hiệp hội Du lịch TPHCM

Những khó khăn của ngành du lịch đã kéo theo những ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành kinh tế khác. Vì vậy, việc tạo những cơ chế đặc thù, ưu đãi giúp doanh nghiệp du lich vượt qua khó khăn trước mắt, khôi phục hoạt động cũng đồng thời tạo động lực vực dậy các ngành, lĩnh vực liên quan.

“Việc tạo những cơ chế đặc thù, ưu đãi giúp doanh nghiệp du lich vượt qua khó khăn trước mắt, khôi phục hoạt động cũng đồng thời tạo động lực vực dậy các ngành, lĩnh vực liên quan”, nội dung công văn nhấn mạnh.

Bàn ghế tại sảnh khách sạn cũng bọc lại để tránh hư hại do chưa biết khi nào mới mở cửa hoạt động trở lại. Ảnh: vietnamnet.vn

Từ đó, Hiệp hội Du lịch TPHCM kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lich Việt Nam, UBND TPHCM, Sở Du lịch TPHCM nghiên cứu, sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho lĩnh vực du lịch.

Cụ thể, hiệp hội kiến nghị giảm mức lãi suất vay đang áp dụng; không áp dụng chuyển nhóm nợ; ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu; thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Theo bà Khánh, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã khiến du lịch và hàng không phải chịu thiệt hại nặng nề, mọi hoạt động gần như tê liệt. Hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đều ngưng hoạt động, không có doanh thu... nhưng vẫn phải chịu áp lực lớn với hàng loạt các chi phí: trả lương cho lao động, trả lãi vay, nợ, hoàn tiền cho khách hàng với các chi phí đã đặt trước.

Dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả, miễn, giảm lãi, phí, đã hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng trả nợ tốt hơn, trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, vận tải du lịch vẫn chưa thể thực hiện được vì chưa hồi phục lại hoạt động.

Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 với diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn.

Các điểm du lịch cũng chung số phận: Đóng cửa, dừng hoạt động. Ảnh: Cẩm Uyên

Theo báo cáo từ Sở Du lịch TPHCM, trong 5 tháng đầu năm 2021 đã có khoảng 171 doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn phải dừng kinh doanh, rút khỏi thị trường.

Ngành du lịch vốn đã lao đao, chưa thể hồi phục thì nay một số doanh nghiệp đã phá sản, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay, cùng với việc chưa xác định được thời gian đón khách quốc tế vào nên khó khăn sẽ còn kéo dài.

Trước đó, Sở Du lịch cũng đã có đề xuất lên UBND TPHCM sử dụng vốn ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TPHCM, hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp với lãi suất vay 0% cho doanh nghiệp du lịch để trả lương cho người lao động. Chương trình này sẽ không phân biệt doanh nghiệp lớn, nhỏ.

Theo bạn, ngành du lịch TPHCM có cần có chính sách đặc thù hay không?

Xem kết quả

Nguyễn Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối