Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị được đón khách bằng ‘hộ chiếu vắc-xin’

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị Chính phủ cho phép phối hợp với Tổng cục Du lịch thí điểm sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” để đón khách quốc tế. Hiệp hội cũng kiến nghị nhiều giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp và đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất chính sách tháo gỡ.

Thí điểm "hộ chiếc vắc-xin"

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, từ khi dịch Covid-19 làm mảng du lịch quốc tế bị ngưng trệ, doanh nghiệp đã đẩy mạnh mảng du lịch nội địa. Có những thời điểm, số lượng khách trong nước tại một số trung tâm du lịch đã vượt qua giai đoạn trước dịch.

Du khách Nga đến Khánh Hòa thời điểm trước dịch. Ảnh: Đào Loan

Tuy nhiên, do tỉ trọng của du lịch nội địa chỉ chiếm khoảng 30% doanh thu toàn ngành cho nên khôi phục mảng quốc tế vẫn là định hướng quan trọng để hồi phục du lịch.

Việc nối lại mảng du lịch hiện có một số thuận lợi. Đó là, doanh nghiệp du lịch đã có kinh nghiệm và thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch. Trong hơn một năm qua, không doanh nghiệp nào vi phạm quy định phòng chống dịch và cũng không có du khách bị lây nhiễm Covid-19.

Thêm vào đó, tốc độ lây lan của dịch trên thế giới đã được hạn chế rõ rệt nhờ nhiều biện pháp, trong đó có việc nhiều nước khẩn trương tiêm chủng cho người dân.

Hiệp hội cho rằng, trong thời gian tới, "hộ chiếu vắc-xin" sẽ là một công cụ cạnh tranh quyết liệt trong việc thu hút khách du lịch của các nước trong khu vực. Nhiều nước đã xác định sẽ sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” để từng bước khôi phục du lịch quốc tế.

Với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang phối hợp với Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế trên cơ sở sử dụng "hộ chiếu vắc-xin".

Để triển khai việc này, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng cho phép phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức thí điểm việc sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” để đón một số đoàn khách được lựa chọn tại một số thị trường có đủ điều kiện; cho phép xã hội hóa một số khâu trong đề án thí điểm để đề án có thể sớm được triển khai.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch được chọn sẽ đảm bảo thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các quy định phòng chống dịch Covid-19, khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn. Thêm vào đó, chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ những người đã tiêm chủng vắc-xin ở Việt Nam, với đầy đủ các tiêu chí cần thiết để khi Việt Nam đạt được các thỏa thuận công nhận kết quả tiêm chủng với các quốc gia khác.

Lần trò chuyện gần đây với KTSG Online, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng Việt Nam nên mở cửa trước với những thị trường thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì đây là thị trường nguồn, chiếm đến 75% trong tổng số khách quốc tế của du lịch Việt.

Khu vực này cũng là những thị trường gần, dễ tiếp cận bằng đường hàng không để thu hút khách và nhiều nước trong khu vực này đã kiểm soát dịch Covid-19 tốt.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch, cũng đề nghị thí điểm đón khách quốc tế ở địa phương có điều kiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ phù hợp và ít bị ảnh hưởng trong mùa du lịch nội địa vào mùa hè tới. Trong đó, khu vực Nam Hội An và sân bay Chu Lai (Quảng Nam) được cho địa điểm phù hợp và thị trường thí điểm có thể là Đài Loan, Hong Kong và một số tỉnh của Trung Quốc.

Cần gấp rút hỗ trợ doanh nghiệp

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng cần phải có các giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động. Trong đó, cùng với các chính sách về thuế, phí, tiền điện như những đề xuất trước đây, hiệp hội có một ý tưởng mới là tạm thời cho doanh nghiệp được chuyển đổi từ giấy phép lữ hành quốc tế sang nội địa.

Theo đó, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp lữ hành, đề nghị Chính phủ cho phép chuyển đổi tạm thời Giấy phép lữ hành quốc tế sang Giấy phép lữ hành nội địa nhằm chuyển mức ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành quốc tế từ 500 triệu đồng xuống 100 triệu đồng, là mức quy định cho mảng nội địa. Quy định này phù hợp với thực tế vì từ năm 2020, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã chỉ đón khách nội địa.

Hiệp hội cho rằng, việc đổi giấy phép có thể làm rất đơn giản. Tổng cục Du lịch chỉ cần gửi thông báo đến ngân hàng để doanh nghiệp có thể rút 80% tiền ký quỹ lữ hành quốc tế. Khi Việt Nam cho phép đón khách quốc tế, doanh nghiệp sẽ đổi lại giấy phép trong thời hạn 1 năm và nộp đủ tiền ký quỹ theo quy định của Luật Du lịch.

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tính đến hết năm 2020, cả nước có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Từ đầu dịch đến nay, đã có nhiều kiến nghị từ các hiệp hội địa phương về việc cho doanh nghiệp dùng tiền ký quỹ để xoay xở trong lúc khó khăn. Trong đó, có đề xuất vay lại tiền ký quỹ nhưng chưa được chấp thuận.

"Cần phải đề xuất tiếp vấn đề liên quan đến tiền ký quỹ. Số tiền này không lớn trong điều kinh doanh bình thường nhưng lại rất quan trong lúc quá khó khăn như hiện tại", ông Lại Minh Duy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM nói với KTSG Online.

Trong đề nghị với Chính phủ, một lần nữa Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề cập đến bất cập trong việc tính giá điện của khối lưu trú. Theo đó, cần phải điều chỉnh giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch bằng với giá điện sản xuất như nội dung Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 16-1-2017 và Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 6-10-2017 của Chính phủ, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bất cập này đã được kiến nghị nhiều lần trong 4 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn phòng chống đại dịch Covid-19, nay đề nghị cho thực hiện ngay từ ngày 1-1-2021.

Cùng với đó là các đề nghị như  giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp du lịch cả năm 2021, áp dụng các quy định về giảm tiền thuế đất, về giãn nộp thuế cho áp dụng cả năm 2021, giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt cho hoạt động phục vụ khách du lịch của các sân golf...

Về những kiến nghị trên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp cấp bách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 2 tới.

Đào Loan

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối