Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Hiểu đúng về thực phẩm biến đổi gen

(SGTT) - Thực phẩm biến đổi gen là vấn đề gây tranh cãi triền miên trong ngành nông nghiệp thế giới nhiều năm qua, khiến cho người tiêu dùng vẫn còn nhiều e ngại với mặt hàng này.

Người tiêu dùng biểu tình phản đối thực phẩm biến đổi gen ở Los Angeles, bang California, Mỹ năm 2015. Ảnh: reuters

Dường như bản chất con người là sợ hãi những gì chưa biết và kháng cự lại những thay đổi có phần khó hiểu. Do đó, không có gì lạ khi thực phẩm biến đổi gen bị nhiều người tiêu dùng lên án. Thậm chí, nhiều người còn đặt cho chúng những tên gọi đáng sợ, như “Frankenfoods” (tạm dịch: thực phẩm quái vật) chẳng hạn.

Chủ đề nóng trong nhiều năm

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thực phẩm biến đổi gen được tạo ra bằng cách dùng các phương thức kỹ thuật gen để thay đổi ADN của một sinh vật (có thể là cây trồng, vật nuôi hoặc vi sinh vật) nào đó, tạo thành sinh vật biến đổi gen (GMO). Mức độ biến đổi của GMO có thể nói là… không tưởng.

Ví dụ, theo tạp chí khoa học LiveScience, các nhà di truyền học đã gây giống loài lợn có thể phát sáng trong bóng tối bằng cách chèn vào ADN của lợn một gen phát sáng sinh học lấy từ loài sứa. Một ví dụ khác là các loại cà chua chống chọi được nhiệt độ băng giá nhờ được thêm vào các loại gen kháng lạnh của cá bơn tuyết chuyên sống nơi nước lạnh. Gần đây, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép các loại khoai tây được biến đổi gen để không bị thâm đen xuất hiện trên thị trường. Tương tự, táo cũng được can thiệp di truyền để giảm mức độ enzyme gây xỉn màu.

Tính tới nay, ứng dụng lớn nhất của công nghệ GMO là trong lĩnh vực nông nghiệp quy mô lớn. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết ít nhất 90% đậu nành, bông vải, cải dầu, bắp và củ cải đường bán ở nước này đã được biến đổi gen.

Tuy nhiên, chuyện con người can thiệp vào gen của thực phẩm đã có từ lâu, bắt đầu từ việc thuần hóa cây trồng và vật nuôi thông qua quá trình lựa chọn gây giống vào khoảng năm 10.500 – 10.100 trước Công nguyên. Nhờ sự phát hiện ADN vào đầu những năm 1900 cùng những tiến bộ về kỹ thuật gen trong suốt thập niên 1970 mà con người có thể trực tiếp biến đổi ADN và các gen bên trong thực phẩm. Ngoài ra, trong nhiều thập kỷ qua, bên cạnh việc lai tạo truyền thống, các nhà khoa học đã sử dụng hóa chất để biến đổi gen trong cây trồng nhằm đạt được các đặc tính mong muốn.

An toàn hay không an toàn

Kể từ khi xuất hiện, thực phẩm biến đổi gen đã gây ra những tranh cãi không dứt. Theo báo The New York Times, chưa có trường hợp có hại cho sức khỏe người tiêu dùng nào được ghi nhận. Đồng thời có khoảng 90% nhà khoa học tin thực phẩm biến đổi gen an toàn. Quan điểm này nhận được sự ủng hộ của WHO nhưng lại chỉ được hơn 1/3 người tiêu dùng ở các nước phương Tây tin theo.

Ngược lại, phần lớn người tiêu dùng là những người phản đối thực phẩm biến đổi gen. Họ cho rằng thực phẩm biến đổi gen có thể gây ra các nguy cơ sức khỏe dài hạn cũng như tổn hại cho môi trường. Do đó, họ yêu cầu nhiều biện pháp kiểm nghiệm, dán nhãn hơn, thậm chí là đòi loại bỏ thực phẩm này khỏi thị trường. Trang LiveScience dẫn lời một nhóm chống GMO có tên Viện Công nghệ có trách nhiệm như sau: “Thực phẩm biến đổi gen có liên quan tới các trường hợp nhiễm độc và dị ứng, gây ra bệnh tật, khiến mùa màng khô cằn và vật nuôi gục chết”.

Đối với quan điểm trên, nhiều tổ chức khoa học tin rằng nó mang tính cảm tính hơn là thực tế. Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu ở Ý đã công bố bản báo cáo của 76 nghiên cứu vào tháng 2-2019, trong đó chỉ ra bắp biến đổi gen đạt năng suất mùa vụ cao hơn nhiều so với bắp không biến đổi gen và chứa lượng độc chất có hại thấp hơn. Bằng cách thêm vào đặc tính kháng côn trùng gây hại, nông dân sử dụng ít thuốc trừ sâu hơn, qua đó vừa tốt cho sức khỏe của họ lẫn môi trường, đồng thời làm giảm chi phí. Nhiều cơ quan phi chính phủ cũng cho rằng việc áp dụng các kỹ thuật gen, đặc biệt ở các nước châu Phi và châu Á, có thể gia tăng nguồn cung thực phẩm cho những khu vực hứng chịu biến đổi khí hậu.

Tương tự người tiêu dùng, thái độ đối với thực phẩm biến đổi gen của các nhà hoạch định chính sách thay đổi tùy theo từng quốc gia. Một số nước ngăn cấm hoặc hạn chế, còn những nước khác cho phép với nhiều mức độ quy định khác nhau. Các nước như Mỹ, Canada, Lebanon, Ai Cập… tùy trường hợp mà yêu cầu thử nghiệm thêm trong khi các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Brazil, Trung Quốc… chỉ cấp phép trên cơ sở từng trường hợp một.

Những cột mốc đáng nhớ

  • 2015: Đã có hàng chục quốc gia trồng các loại cây biến đổi gen và trên dưới 40 nước cho phép nhập khẩu các loại cây này.
  • 2013: Vật nuôi biến đổi gen có mặt trên thị trường, bao gồm cừu, heo, dê, các loại gia cầm, cá…
  • 2000: Với việc tạo ra giống “gạo vàng”, lần đầu tiên các nhà khoa học điều chỉnh gen thực phẩm để tăng giá trị dinh dưỡng.
  • 1994: Thực phẩm biến đổi gen bắt đầu được mua bán tại Mỹ, với loại cà chua lâu chín Flavr Savr.
  • 1993: Trung Quốc lần đầu thương mại hóa cây trồng biến đổi gen với việc cho ra đời loại thuốc lá kháng virus.
  • 1983: Cây trồng biến đổi gen đầu tiên được tạo ra, bằng cách sử dụng một cây thuốc lá có khả năng chống kháng sinh.

Trích báo cáo năm 2012 của Hiệp hội Tiến bộ khoa học Mỹ (AAAS): “WHO, Hiệp hội Y khoa Mỹ, Hiệp hội Hoàng gia Anh và nhiều tổ chức uy tín khác đã kiểm nghiệm và đưa ra cùng kết luận: Tiêu thụ thực phẩm có thành phần biến đổi gen không gặp nhiều nguy cơ hơn so với ăn thực phẩm được nuôi trồng theo các phương thức truyền thống”.

Duy An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối