(SGTT) - “Thực dưỡng” về mặt ngữ nghĩa là phương pháp dưỡng sinh bằng cách ăn uống hòa hợp với thiên nhiên. Phương pháp Ohsawa – do triết gia người Nhật George Ohsawa khởi xướng – cũng là một trong những cách ăn uống để dưỡng sinh, điều hòa cơ thể.
Trước nhiều nhận định về sự “thần kỳ” chữa bách bệnh của chế độ ăn thực dưỡng, lương y Đinh Công Bảy – Tổng thư ký Hội Dược liệu TPHCM đã trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về lý thuyết ăn uống điều hòa Âm – Dương trong phương pháp này. Theo ông, các phương pháp dưỡng sinh và trị liệu của Đông y đều lấy việc cân bằng Âm - Dương làm mục tiêu cần thực hiện để bảo vệ sức khỏe của con người.
- SGTT: Thưa lương y, phương pháp thực dưỡng được cho là chế độ ăn uống thuận theo thuyết Âm – Dương, ngũ hành. Vậy cơ sở của lý thuyết này là gì?
- Lương y Đinh Công Bảy: Âm - Dương là một cặp phạm trù của triết học phương Đông. Người xưa cho rằng vũ trụ hình thành và phát triển là do hai yếu tố cơ bản: Âm – Dương với bốn quy luật: đối lập, hổ căn, tiêu trưởng và bình hành. Nói một cách dễ hiểu: tuy Âm - Dương đối lập nhưng vẫn thống nhất và hỗ trợ cho nhau. Nếu Âm suy thì Dương vượng và ngược lại. Như vậy, trong cơ thể con người, hai yếu tố này cũng phải tuân theo các quy luật đó.
Học thuyết Âm - Dương là nền tảng của y học phương Đông. Các phương pháp dưỡng sinh và trị liệu của Đông y đều lấy việc cân bằng hai yếu tố này là mục tiêu để bảo vệ sức khỏe của con người.
- Đối với phương pháp ăn uống cân bằng Âm – Dương (ăn uống để dưỡng sinh) thì cần lưu ý những điểm nào?
- Đối với việc sử dụng thực phẩm hoặc dược liệu cũng cần quan tâm đến vị của chúng. Nếu lạm dụng sẽ dẫn đến tổn thương cho ngũ tạng. Hoàng Đế nội kinh viết: Âm được sinh ra lấy gốc ở ngũ vị; nhưng ngũ tạng thuộc Âm lại bị ‘thương’ cũng bởi ngũ vị. Vì thế, thức ăn quá nhiều vị chua (toan), Can khí sẽ thịnh, Tỳ khí bị tuyệt. Thức ăn quá nhiều vị mặn (hàm), khí của đại cốt bị lao thương, cơ nhục bị co ngắn lại, Tâm khí bị uất ức. Thức ăn quá nhiều vị ngọt (cam), khí của Tâm làm cho suyễn và đầy, sắc mặt đen, Thận khí không còn bình hành. Thức ăn quá nhiều vị đắng (khổ), Tỳ khí không còn nhu nhuận, Vị khí bị trướng mãn. Thức ăn quá nhiều vị cay (tân), cân mạch bị bại hoại và buông lỏng, tinh thần cũng bị tổn thương.
Cho nên, nếu cẩn thận trong việc điều hòa “ngũ vị trong thức ăn”, cốt tiết sẽ được ngay thẳng, cân mạch được nhu hòa, khí huyết được lưu thông, tấu lý kín đáo, được vậy thì cốt khí được tinh cường. Mọi người nên cẩn trọng theo đúng với phép “dưỡng sinh” thì tuổi trời của mình sẽ được hưởng trọn .
Nếu chỉ xét riêng về mặt ẩm thực, khi cơ thể cần âm thì phải bổ sung các chất dinh dưỡng âm tính. Khi cơ thể cần dương thì phải bổ sung các chất dinh dưỡng dương tính. Các loại thực phẩm trung tính chỉ dùng cho người bình thường.
Ngoài ra, dùng thực phẩm để điều hoà Âm - Dương cần lưu ý đến các yếu tố như: địa phương, khí hậu, thể chất, sinh hoạt… Ví dụ: Người ở phương Bắc, hàn khí nhiều, cần ăn uống các chất ôn ấm, cay, thơm nhiều như quế, gừng, sả, ớt, hành, tỏi, tiêu, đinh hương, đại hồi, thảo quả… cùng các chất đạm đậm như thịt dê, chó, bò, ngựa, cừu… Người ở phương Nam, nhiệt khí nhiều, cần uống các chất lương (mát) hàn (lạnh), cam (ngọt), toan (chua) nhiều như: hoa quả, trái cây nhiều chất chua, ngọt, rau thuỷ sinh, nấm, cá, tôm, nghêu, sò ốc, hến…
Qua đó, chúng ta thấy rằng ăn uống để điều hoà Âm - Dương trong cơ thể, bảo vệ sức khỏe là cả một khoa học, nghệ thuật, đòi hỏi nhiều cảm nhận và công phu tinh tế. Không thể tùy tiện cho rằng món này âm nhiều, món kia dương nhiều mà sử dụng không đúng người, không đúng chỗ, không đúng lúc, sẽ gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.
Theo lương y Đinh Công Bảy, những thực phẩm có tính hàn nhiều thì thường được kèm với các gia vị có tính nhiệt. Những thực phẩm có tính nhiệt nhiều thì thường được kèm với các loại rau, hoa quả có tính mát, tính hàn. Do đó, sự kết hợp trong chế biến thực phẩm cũng dựa vào các yếu tố hàn - nhiệt để gia giảm, làm cho món ăn được cân bằng.
Nhi Vũ (ghi)