Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Hình hài khu phố đi bộ ở Đà Nẵng

Đà Nẵng đang cân nhắc các phương án thành lập một khu phố đi bộ nhằm tạo thêm điểm vui chơi, mua sắm cho người dân địa phương và khách du lịch đến thành phố miền Trung này.

Một đoạn đường Trần Hưng Đạo gần cầu Rồng vào ban đêm. Ảnh: Nhân Tâm

Phố đi bộ ở các thành phố

TPHCM hiện nay có hai khu phố đi bộ đều nằm ở trung tâm thành phố. Một trong số đó là phố đi bộ Nguyễn Huệ dài 670 m, rộng 64 m, bắt đầu từ công viên Bạch Đằng đến trụ sở UBND TPHCM và khai trương vào giữa năm 2015 với tổng số vốn 430 tỉ đồng. Phố đi bộ thứ 2 hình thành cách đây hơn một năm trên cơ sở khu phố Tây ba lô đang hoạt động với đường Bùi Viện được chọn làm trục đường chính.

Khu phố đi bộ ở thành phố Huế cũng hoạt động gắn liền với phố Tây ba lô ở đây và khai trương vào cuối tháng 9/2017. Thành phố Huế đã đầu tư 50 tỉ đồng cho cơ sở hạ tầng khu phố đi bộ gồm ba trục đường chính là Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão và Võ Thị Sáu. Đây cũng chính là khu phố Tây ba lô lâu nay với những hoạt động kinh doanh, buôn bán tấp nập.
Nói đến phố đi bộ không thể không nhắc đến thủ đô Hà Nội. Từ tháng 10/2014, phố cổ Hà Nội có sáu tuyến đi bộ gồm: Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện và Đào Duy Từ. Riêng Tạ Hiện là nơi tập trung đông người, đặc biệt là khách nước ngoài với nhiều loại hình dịch vụ ăn uống, giải trí.

Các phương án mở phố đi bộ ở Đà Nẵng

Hiện nay, Đà Nẵng có ít nhất ba phương án thực hiện khu phố đi bộ được đề xuất và mỗi phương án có những ưu điểm riêng.

Phương án thứ nhất là phố đi bộ và chợ đêm tại quận Sơn Trà lấy tuyến đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ Cầu Rồng đến Cầu Sông Hàn) là trục chính. Theo giải thích từ Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, khu vực này có nhiều ưu thế sẵn có như bến du thuyền, cầu tình yêu và tượng “Cá chép hóa rồng” luôn thu hút nhiều du khách và người dân địa phương, đặc biệt là giới trẻ. Vào các đêm thứ Bảy và Chủ nhật, khu vực này càng đông đúc khi nhiều khách du lịch kéo đến đây để xem “rồng phun nước, phun lửa”. Điểm nhấn chính của khu phố này là chợ đêm vừa được khai trương vào ngày 2/9 vừa qua. Chợ đêm Sơn Trà có quy mô 160 gian hàng được chia thành năm khu vực gồm: hàng quà lưu niệm, hàng tổng hợp, ẩm thực, đặc sản - hải sản khô, giải khát và thời trang. Chợ đêm nằm ngay khu đất trống đối diện cầu Rồng, có bãi đỗ xe rộng nên có thể sẽ trở thành cổng vào phố đi bộ. Cổng vào còn lại sẽ nằm ở phía cầu sông Hàn.

Phương án thứ hai là mở một khu phố đi bộ trên đường Bạch Đằng, đoạn từ khu “đuôi rồng” của cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý, với điểm nhấn chính là công viên APEC hiện hữu, chợ đêm và quảng trường (nằm trong quy hoạch). Công viên vườn tượng APEC mở rộng với diện tích gần 9.000 m2, gồm các hạng mục công viên, vườn dạo kết nối với vườn tượng hiện trạng; khu vực sân khấu, sân phun nước, khán đài phục vụ tổ chức các sự kiện văn hóa; khu vui chơi trẻ em, nhà vệ sinh công cộng ngầm, cây xanh thảm cỏ, và bãi xe công cộng. Một khu chợ đêm cũng sẽ hình thành tại đây. Bên cạnh đó, khu phố đi bộ này sẽ gắn liền với Cổ Viện Chàm và khu phố Tây với nhiều quán bar, nhà hàng trên đường Bạch Đằng gần đó.

Cả hai phương án phố đi bộ có gắn liền với chợ đêm này đã được UBND thành phố “bật đèn xanh” cho Sở Du lịch tiến hành khảo sát và tìm kiếm các nhà đầu tư để hình thành phố đi bộ phù hợp với đặc thù với thành phố du lịch như Đà Nẵng.

Trước đó, Sở Du lịch cũng đã đề xuất lên UBND TP. Đà Nẵng một phương án mở phố đi bộ nhưng phương án này cần phải được nghiên cứu thêm, đặc biệt là vấn đề giao thông vì khu phố đi bộ này nằm ở ngay trung tâm thành phố. Được biết, khu vực này có đầy đủ các yếu tố để trở thành khu phố đi bộ cho du khách. Cụ thể, ngay ngã tư đường Hùng Vương và Trần Phú là chợ Hàn. Đây là khu chợ thu hút nhiều khách du lịch nhất tại thành phố hiện nay. Xung quanh khu vực chợ Hàn là các tiện ích “ăn theo” như tạp hóa, quầy thuốc tây, thời trang, cửa hàng ăn uống… với đa số dịch vụ theo phong cách Hàn Quốc và Trung Quốc – hai đối tượng khách chiếm đến gần 80% tổng số khách du lịch nước ngoài đến Đà Nẵng. Hơn nữa tại khu vực này trên đường Hùng Vương có một công viên hiện hữu và một quảng trường sẽ được xây dựng, các địa điểm khác như khu phố ẩm thực đêm trên đường Phạm Hồng Thái, con đường café Yên Bái, rạp hát Trưng Vương trên đường Hùng Vương hay nhà thờ Con Gà trên đường Trần Phú.

Dù phương án nào được lựa chọn thì một khu phố đi bộ được kỳ vọng sẽ giúp Đà Nẵng có thêm sản phẩm để thu hút du khách đến và ở lại thành phố này lâu hơn.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối