Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Hình thành liên minh để phát triển du lịch ĐBSCL

Trung Chánh -

Hàng năm, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều tổ chức nhiều hoạt động lễ hội gắn kết với du lịch trong nỗ lực thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, để ngành du lịch phát triển bền vững, rất cần một chiến lược dài hạn, trong đó, có việc thành lập một liên minh du lịch.

20160709_072847Một góc chợ nổi Cái Răng.

Tại thành phố Cần Thơ, lễ hội bánh dân gian Nam bộ vừa kết thúc tuần qua sau năm ngày diễn ra nhiều hoạt động thu hút khách du lịch cùng người dân khu vực ĐBSCL. Ngoài quy mô 200 gian hàng giới thiệu bánh dân gian Nam bộ và các loại đặc sản vùng miền, lễ hội còn có các hoạt động biểu diễn đờn ca tài tử, múa lân sư rồng, thi làm bánh…

Theo ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ, lễ hội bánh dân gian Nam bộ đã trở thành một nét đặc trưng của thành phố, là điểm nhấn văn hóa, ẩm thực của vùng, vừa mang nét truyền thống dân gian, vừa mang tính hiện đại. “Thông qua hoạt động này, chúng tôi cũng muốn quảng bá về hình ảnh, vùng đất, con người và văn hóa Nam bộ đến với du khách trong và ngoài nước”, ông Tâm nói.

Trong khi đó, tỉnh An Giang đang chuẩn bị tổ chức tháng du lịch nhân dịp lễ hội miếu Bà Chúa Xứ vào tháng 5 sắp tới. Ông Phạm Thế Triều, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch An Giang, cho biết trong khuôn khổ tháng du lịch, ngoài diễn đàn thu hút đầu tư, tỉnh còn tổ chức tuần lễ văn hóa ẩm thực. “Với sự kiện này, chúng tôi có mời một số đầu bếp danh tiếng đến biểu diễn để giới thiệu các món ngon của địa phương. Đây là sự kiện thu hút khách du lịch quan trọng nhất trong năm nay của chúng tôi”, ông Triều nói.

Theo ông Triều, trong những năm gần đây, nhiều hoạt động thu hút khách du lịch đã được các địa phương thực hiện, tạo ra hiệu ứng rất mạnh. “Ví dụ, cuối tháng Chạp (Âm lịch) vừa rồi, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức tuần lễ du lịch rất thành công”, ông dẫn chứng.

Ông Lê Thanh Phong, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho biết trong định hướng phát triển du lịch của vùng đã chia ĐBSCL thành bốn cụm, gồm thứ nhất là Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu; thứ hai là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang; thứ ba là Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre và thứ tư là cụm Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang.

Theo ông Phong, trên cơ sở bốn cụm du lịch đã hình thành, mỗi địa phương sẽ xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng riêng để tiến tới thành lập một liên minh du lịch của từng cụm để kết nối với các đơn vị du lịch lữ hành trong và ngoài nước nhằm kéo khách du lịch đến với địa phương, đến từng cụm. Trên cơ sở hình thành liên minh, ông Phong hy vọng trong một vài năm tới có thể thúc đẩy du lịch ĐBSCL phát triển.

Ở góc độ địa phương, ông Triều của An Giang cho biết tỉnh đã xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo xây dựng chương trình phát triển hạ tầng và xây dựng đề án đào tạo nhân lực để phục vụ phát triển du lịch của địa phương.

Ông Phạm Bửu Việt, Chủ khu ẩm thực ven sông Cần Thơ, cho rằng việc tổ chức các hoạt động để khách du lịch thưởng thức đặc sản vùng miền thông qua ẩm thực là điều rất cần thiết, nhưng trên thực tế vẫn chưa được chú ý phát triển. “Năm vừa qua, chúng ta cũng đã thành lập Hội Đầu bếp, cho nên, tôi nghĩ đây cũng là dịp để Hội Đầu bếp hỗ trợ hội viên nâng cao chất lượng ẩm thực, qua đó, phục vụ du khách được tốt hơn”, ông Việt nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối