Y Nguyên -
1. Người đàn ông lạ đứng lấp ló trước cửa nhà, nửa như muốn vào, nửa lại ngại ngùng muốn quay ra. Nhìn gương mặt xương xương, khắc khổ chẳng có chút gì thân quen, tôi ngán ngẩm lầm bầm: lại thêm một ông lộn nhà nữa! khổ chưa. Cuối năm, việc nhà việc cửa bề bề, vậy nhưng chưa giáp buổi đã phải ngưng việc đến ba lần để “tiếp kiến” mấy ông khách… lộn nhà; chẳng hiểu sao không lộn nhà ai lại cứ nhè thẳng cửa nhà tôi mà lộn.
Lần này đã có chút kinh nghiệm, quyết tâm không để thời gian vàng ngọc của mình bị lãng phí vô duyên, tôi quyết định đàm thoại… từ xa. Tay khư khư túm giẻ lau nhà (ấy là tín hiệu nhắc nhở rằng tôi đang bận lắm, bận lắm. Có việc gì xin nhanh nhanh!), tôi nói chõ ra cửa: Chú hỏi ai?
Đây có phải nhà… bà Sáu? – người lạ ngập ngừng.
Bà Sáu nào??? – tôi hỏi lại.
Hỏi xong, tôi mới chợt nhớ ra: đúng, mẹ tôi thứ sáu. Nhưng… cụ mất lâu rồi. Với lại, đó là thứ riêng của cụ thời con gái, chỉ người bên họ ngoại mới biết mà thôi. Sao ông này lại…
Cái nghi vấn vừa lóe ấy khiến tôi buông vội túm giẻ bước nhanh ra cửa, quan sát người khách kỹ hơn. Người đàn ông không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi, nhỏ giọng: tui ở thôn P., xã H., là em họ chị Sáu.
Té ra là thế! Tôi à lên: Vậy, xin lỗi, chú, ý quên, cậu, là…
- Tui con ông nội bảy. Chị Sáu con ông nội bốn…
- Trời đất! Vậy là… cậu Tư, con ông ngoại bảy đây sao? Xin lỗi cậu, cháu nghe về cậu đã lâu, nhưng chưa có dịp đi về nên nào có biết mặt cậu đâu? Mời cậu vào nhà…
Người đàn ông mới nhìn mặt “chẳng bà con chi” ấy té ra là cậu Tư, anh em nhà chú bác ruột với mẹ tôi. Có điều mãi bây giờ, sau khi mẹ tôi mất gần đến mươi năm, tôi mới biết mặt cậu.
- Ngày mẹ còn sống, nghe mẹ kể, thời các cụ ngoại (ông ngoại tôi và ông ngoại bảy – cha của cậu Tư) do tranh giành hương hỏa từ đường mà anh em đâm ra kiện cáo, giận tới mức hai nhà không nhìn mặt nhau. Chuyện phải-trái thế nào thì thế hệ chúng tôi lớn lên sau chỉ biết lơ mơ. Không quan tâm, nên thực tình cũng chả “ân oán” gì nhiều cùng lớp anh em bên ấy. Có điều cha mẹ không thân nên con cái khó thân.
Còn nhớ ngày nhỏ, mỗi bận dắt chúng tôi về ngoại, mẹ đều dặn đi dặn lại: Chơi đâu chơi, không được qua nhà cậu Tư! Bản thân mẹ và các dì các cậu đương nhiên càng “triệt để”. Bên cậu Tư cũng không vừa, “trả đũa” bằng cách tuyệt giao, cấm cửa cả đám con cháu không được héo lánh qua bên nhà ngoại.
Khổ! Hai nhà chỉ cách nhau một hàng rào duối. Những trưa hè, đợi người lớn trong nhà say giấc, lũ nhỏ hai nhà vẫn lén ra đu rào, ló mắt dòm sang. Cười cầu tài. Ngoắc. Hú. Khoe nhau vài món đồ chơi tự làm, chú dế mèn nhốt ống bơ hay con chim sẻ vừa dính bẫy. Thân thiện hơn, còn chia nhau quả ổi, miếng xoài hay viên kẹo bột. Mọi “hoạt động giao lưu” đều diễn ra trong vòng bí mật. Và giới hạn: chỉ qua mấy cái lỗ rào bé tẹo kia là hết mức. Thèm cách mấy cũng không dám mơ chuyện vượt rào chơi chung, bởi đôi bên đều thừa biết người lớn phát hiện ra thì chỉ có no đòn.
Lớn thêm chút, lo học hành, công việc, ít có dịp đi về. Vậy là “đứt đường”, cậu cháu anh em hầu như không còn nhớ hay biết mặt nhau.
- Móc khăn lau mồ hôi trán, cậu Tư lập cà lập cập lôi từ túi áo ra một cuốn sổ học sinh. Cuốn sổ nhàu nát, chi chít những dòng chữ viết tay. Cậu Tư nói:
- Cậu muốn lập một bản đồ phả hệ gia tộc, treo ở từ đường cho con cháu lớp sau biết cội nguồn gốc tích. Sau đó, thống nhất chọn ngày giỗ họ, ráng quy tụ con cháu về cho huyết thống tường mặt nhau, tránh trường hợp “đánh u đầu rồi mới biết anh em”. Cậu lặn lội sang đây là muốn hỏi các cháu xem có đồng ý đưa tên cha mẹ cháu vào phả hệ…
- Trời đất, cậu ơi, chuyện này thì chúng con đồng ý cả hai tay, có gì mà cậu phải hỏi?
Tự nhiên thấy mắt mình cay cay, xốn xốn. Mẹ mất rồi, may mà còn cậu, còn nghĩ được chuyện bỏ qua khúc mắc xưa, tìm níu kéo cháu con về lại cội nguồn.
Ngẫm lại, lớp trẻ chúng tôi quả quá vô tâm. Người tha hương đâu tận trời Tây còn ráng lặn lội về quê tìm nhận họ hàng. Chúng tôi, huyết thống (gần) sờ sờ cạnh bên mà chẳng biết mặt nhau. Đã vậy, vẫn bình chân như vại – đến độ chờ ông cậu gần đất xa trời lụm cụm tìm tới gọi kêu thì mới nghĩ chuyện quay về.