Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch do dịch: Chỉ nên yêu cầu có thẻ HDV là đủ!

(SGTT) - Các khách mời là chuyên gia du lịch, Phó Giám đốc Sở du lịch Thừa Thiên Huế và Chi hội hướng dẫn viên thuộc Hiệp hội Du lịch TPHCM đều có chung ý kiến nên đơn giản hơn thủ tục nhận trợ cấp do dịch của hướng dẫn viên (HDV) du lịch. Theo đó, chỉ nền cần yêu cầu có thẻ HDV du lịch là HDV có thể nhận được trợ cấp.
Một số quốc gia trên thế giới cũng có gói hỗ trợ cho HDV bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điều kiện để được nhận gói này khá đơn giản, HDV chỉ cần cung cấp thẻ hành nghề (thẻ hướng dẫn) và tài liệu chứng minh có dẫn tour chẳng hạn như hình ảnh dẫn tour.

Trong chương trình livestream được phát trên fanpage của Sài Gòn Tiếp Thị sáng ngày 12-9 với sự góp mặt của ông Nguyễn Đức Chí, chuyên gia du lịch, cựu Phó phòng Lữ hành, Sở du lịch TPHCM; ông Phan Bửu Toàn, Chi hội trưởng Chi hội HDV, Hiệp hội Du lịch TPHCM, các khách mời đều có chung ý kiến, đối với nhóm đối tượng là hướng dẫn viên du lịch để nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ, chỉ cần đáp ứng việc có thẻ hướng dẫn viên du lịch còn thời hạn thì nên được nhận trợ cấp.

Số lượng HDV nhận được hỗ trợ rất ít

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Chí, chuyên gia du lịch, cựu Phó phòng Lữ hành, Sở du lịch TPHCM, tính đến ngày 9-9-2021, cả nước có 28.461 hướng dẫn viên du lịch; trong đó, hướng dẫn viên có thẻ quốc tế là 17.766, thẻ nội địa là 9.535 và 1.160 hướng dẫn viên tại điểm.

Cũng theo ông Chí, trong số 27.301 hướng dẫn viên (quốc tế và nội địa), chỉ có khoảng 10% là ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 năm trở lên với doanh nghiệp lữ hành, có đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp tức tương đương khoảng 2.700 hướng dẫn viên cơ hữu.

Những hướng dẫn viên, lao động bị mất việc do Covid-19 tại TPHCM trong một buổi sinh hoạt. Ảnh: Đào Loan

Ông Chí cho biết thêm, tại thời điểm Nghị quyết 68 của Chính phủ ban hành, Hội hướng dẫn viên du lịch Việt nam có 7.000 hội viên, trong đó nhiều hội viên thuộc nhóm hướng dẫn viên cơ hữu.

Như vậy, xét theo nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ theo Quyết định 23 của Chính phủ dành cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đảm bảo đủ các điều kiện thì chỉ khoảng 10.000 HDV, còn hơn 17.000 HDV tự do không tham gia vào hội/chi hội hướng dẫn, cần phải chứng minh hợp đồng lao động để được nhận gói hỗ trợ.

Theo ông Chí, số HDV nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 23 của Chính phủ đến nay còn rất ít. Ông Chí dẫn chứng theo số liệu cuộc họp trực tuyến của Tổng cục Du lịch với đại diện sáu Sở Du lịch hôm 31-8 vừa qua, Đà Nẵng chỉ khoảng 1.200 trên tổng số 4.700 hướng dẫn viên nhận hỗ trợ; Khánh Hòa 82/1.500 HDV; Quảng Ninh 100/1.374 HDV và Hà Nội 49/5.800 HDV.

Bàn về vấn đề này, ông Phan Bửu Toàn, Chi hội trưởng Chi hội HDV, Hiệp hội Du lịch TPHCM, cũng cho biết, hiện TPHCM có 6.124 hướng dẫn viên có thẻ còn hạn, trong đó số hội viên tính tới thời điểm này là 2.015 hội viên.

Cũng theo ông Toàn, sau 7 đợt tiếp nhận, thẩm định hồ sơ của HDV, TPHCM đã có 530 HDV được nhận tiền hỗ trợ.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế, cho biết tính đến ngày 9-9-2021, Sở đã tiếp nhận, thẩm định 649 hồ sơ đề nghị hỗ trợ HDV, trong đó có 639 hồ sơ đủ điều kiện. Trong số hồ sơ đủ điều kiện, đã có 571 người được chi trả với tổng kinh phí hơn 2.118.410.000 đồng.

“Hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục vừa tiếp nhận các hồ sơ đăng ký với các hình thức quy định, vừa hướng dẫn, tuyên truyền, giới thiệu về việc triển khai chính sách hỗ trợ này trên các kênh truyền thông của tỉnh và của Sở Du lịch”, ông Phúc cho biết.

Nguyên nhân HDV khó nhận hỗ trợ

Theo các khách mời của chương trình, một trong những nguyên nhân khiến việc chi trả tiền hỗ trợ cho nhóm đối tượng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cụ thể là nhóm HDV du lịch, bị chậm là do nhiều địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16, hạn chế người dân ra đường nên không thể gửi hồ sơ (bản cứng) đến cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định.

Đa số HDV du lịch tại Việt Nam đều hoạt động tự do, chỉ khoảng 10% trong tổng số 27.301 HDV quốc tế và nội địa thuộc cơ hữu của công ty du lịch.

Ông Chí cho biết thêm, về điều kiện nhận hỗ trợ là tránh nhầm đối tượng có thẻ HDV nhưng chưa đi hành nghề bao giờ nên điều kiện nhận hỗ trợ tập trung vào hai điều kiện, đó là có hợp đồng lao động hay có thẻ hội viên theo Điều 58 Khoản 3 điểm a và điểm b Luật Du lịch.

Tuy nhiên, thực tế nhiều địa phương chưa có tổ chức hội hướng dẫn viên du lịch để HDV tham gia. Hiện nay, ngoài Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam (VTGA), cả nước chỉ có khoảng 26 tỉnh, thành phố có hội và chi hội và thêm Hội hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp thành phố Phú Quốc, Kiên Giang.

Ông Chí cũng cho biết, đây không phải là lý do chính vì mục đích của hỗ trợ là HDV thất nghiệp vì dịch chứ không phải hỗ trợ ai là hội viên.

“Quan trọng là chứng minh hợp đồng lao động của HDV quá khó khăn so với các quy định pháp luật về hợp đồng lao động theo Luật Lao động và cách vận dụng của các cơ quan xét duyệt”, ông Chí nói. Khái niệm hợp đồng lao động và hợp đồng hướng dẫn trong hoạt động hướng dẫn viên tồn tại dẫn đến ký kết hợp đồng lao động sai quy định.

Đề xuất, kiến nghị

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế, cần đơn giản hóa thủ tục hỗ trợ cho HDV bằng cách chỉ cần HDV có thẻ đang còn hạn đều được nhận hỗ trợ. Nhưng nên khống chế các trường hợp mới được cấp thẻ lần đầu trong năm 2021.

Ngoài ra, các trường hợp thẻ hết hạn mà chưa gia hạn (do giãn cách xã hội trong thời gian vừa qua) nên cho nợ và bổ sung sau vì như hiện nay, liên quan đến hợp đồng lao động, các công ty đóng cửa, không thể sao lưu hợp đồng để hoàn thiện hồ sơ.

Đối với những HDV có thẻ nhưng hết hạn trong giai đoạn 2019-2020, nên cho phép tổ chức các lớp cập nhật kiến thức tập trung theo hình thức online để cấp lại chứng chỉ cho HDV kịp làm thủ tục gia hạn thẻ, đáp ứng điều kiện nhận gói hỗ trợ.

Cũng theo ông Phúc, những HDV có thẻ còn hạn nhưng chỉ có hợp đồng tour ngắn ngày hoặc chưa tham gia Chi hội HDV, Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế vẫn tiếp nhận và tổng hợp để có báo cáo kiến nghị lên Tổng cục Du lịch xem xét hướng giải quyết.

Ông Nguyễn Đức Chí cũng đồng tình với kiến nghị đơn giản thủ tục, chỉ cần thẻ hướng dẫn là HDV được nhận hỗ trợ. “Hỗ trợ là phải nhanh chóng và kịp thời. Lúc này, nhóm đối tượng này đang rất cần hỗ trợ thì phải đơn giãn hóa thủ tục để hỗ trợ ngay cho họ”, ông Chí nói.

Nếu thay đổi được điều kiện để HDV nhận được hỗ trợ chỉ còn yêu cầu cung cấp thẻ hướng dẫn còn thời hạn và được cấp trước năm 2020, không chỉ hỗ trợ được đội ngũ hướng dẫn viên đang khó khăn do dịch Covid-19 mà còn thể hiện được chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước khi “không bỏ lại ai trong lúc khó khăn này”.

Nguyễn Nam

Nhiều người quan tâm