(SGTT) - Sản xuất hoa kiểng Tết ở một số địa phương trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được duy trì ổn định về sản lượng, nhưng sức tiêu thụ tại ruộng được đánh giá sụt giảm đáng kể. Trong khi đó, việc đem hoa ra bán ở chợ hoa Tết cũng không khiến nông dân vơi bớt nỗi lo khi sức tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán luôn luôn là “ẩn số”.
- Gửi hoa đào, mai đường hàng không dịp Tết cần lưu ý gì?
- Hà Nội: Những làng hoa tất bật tuốt lá đào, gò thế quất mùa Tết
Ổn định sản xuất, nhưng tiêu thụ sụt giảm?
Trao đổi với KTSG Online, bà Lê Thị Diễm, ngụ ấp Long Huê, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre- một hộ dân sản xuất 3.000 chậu cúc mâm xôi cung cấp thị trường Tết- đánh giá, dù tình hình kinh tế khó khăn, nhưng việc sản xuất hoa kiểng Tết năm nay nhìn chung vẫn khá ổn định về sản lượng.
Theo bà Diễm, sức tiêu thụ sản phẩm hoa kiểng Tết năm nay yếu hơn so năm trước, nhưng đến thời điểm hiện tại, ngoài 300 chậu cúc mâm xôi được bà để lại đem lên TPHCM bán Tết, thì toàn bộ số lượng còn lại đã được thương lái mua hết tại ruộng.
“Năm ngoái chỉ cần 1-2 thương lái là đã tiêu thụ hết toàn bộ (3.000 chậu cúc mâm xôi- PV), nhưng năm nay phải đến cả chục lái mới bán hết, tức số lượng mua của mỗi thương lái ít hơn năm ngoái”, bà nói và cho biết, thương lái mua số lượng nhiều chủ yếu là từ thị trường Hà Nội.
Còn về giá bán, theo bà Diễm, nhìn chung cúc mâm xôi năm nay vẫn giữ ổn định như năm ngoái, trong đó, khách sỉ được bà bán với giá 150.000-160.000 đồng/cặp (tuỳ chất lượng); khách lẻ có giá 170.000 đồng/cặp. “Với giá này, nông dân sản xuất có lợi nhuận khoảng 60.000-80.000 đồng/cặp”, bà nói.
Ông Mai Văn Nam, ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, hộ dân dân trồng 3.000 chậu hoa vạn thọ cho biết, việc sản xuất hoa kiểng Tết phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, tức có hộ sản xuất cho hoa nở đúng dịp Tết, nhưng cũng có hộ hoa nở sớm hoặc muộn hơn. “Người nào có hoa nở đúng dịp Tết thì vui, trễ thì buồn”, ông nói.
Theo đánh giá của ông Nam, số lượng hoa kiểng Tết năm nay ổn định so với năm ngoái, nhưng việc tiêu thụ chậm hơn do kinh tế khó khăn. “Cúc mâm xôi thì khả quan hơn, chứ các loại khác như bông giấy, tắc kiểng thì ít người mua. Còn riêng vạn thọ, hiện mới bắt đầu bung nụ và chào bán nên cũng chưa biết thế nào”, ông cho biết.
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết, năm nay địa phương sản xuất khoảng 9,5 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại, không có sự thay đổi đáng kể so với năm trước do điều kiện sản xuất của địa phương đã ổn định.
Tuy nhiên, theo ông, giá bán và sức tiêu thụ hoa kiểng Tết tại ruộng trong năm nay sụt giảm đáng kể so với năm ngoái. Trong đó, giá bán chỉ bằng 60-70% so với năm ngoái, trong khi sản lượng tiêu thụ, tức đã có thương lái đến mua chỉ bằng 30-40% so với cùng kỳ. “Ngoài cúc mâm xôi có “sáng hơn”, thì những sản phẩm khác như mai vàng, tắc kiểng, bông giấy tiêu thụ còn rất chậm”, ông cho biết.
Nguyên nhân khiến việc tiêu thụ hoa kiểng Tết năm nay chậm, theo ông Liêm, thứ nhất, do điều kiện kinh tế khó khăn, một số doanh nghiệp không có đơn hàng phải đóng cửa cho công nhân về quê sớm dẫn đến không có nhu cầu trang trí Tết, thậm chí cơ quan Nhà nước sử dụng hoa kiểng trang trí Tết cũng không nhiều, khiến việc tiêu thụ chậm; thứ hai, hiện nay nhiều nơi cũng phát triển sản xuất hoa kiểng, thậm chí hoa giả sản xuất nhiều và rất đẹp, nhưng có giá rất cạnh tranh cũng là nguyên.
Trao đổi với KTSG Online, bà Võ Thị Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp- địa phương sản xuất hoa kiểng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, đến thời điểm hiện tại, Sa Đéc đã kết thúc việc xuống giống hoa kiểng Tết, với diện tích sản xuất đạt 111,1 héc ta, giảm nhẹ khoảng 2,9 héc ta so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo bà, với diện tích sản xuất như nêu trên, địa phương sẽ cung cấp cho thị trường Tết khoảng 1,2 triệu sản phẩm, trong đó, các sản phẩm chủ lực như cúc mâm xôi truyền thống, cúc mâm xôi Hàn Quốc (nhiều màu), hoa đồng tiền, vạn thọ, cát tường và hoa hồng các loại…
“Ẩn số” sức mua hoa chợ Tết
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Hạnh, một thương lái thu mua hoa kiểng để bán Tết ngụ quận 5, TPHCM cho biết, số lượng hoa kiểng được ông thu mua để bán chợ Tết sắp đến chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. “Nếu năm ngoái mua 100 chậu, thì năm nay mình mua chỉ 60 chậu thôi”, ông nói và giải thích, kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ của thị trường vẫn là “ẩn số” nên không dám lấy nhiều để bán.
Ngoài bán cho thương lái, bà Diễm cho biết, dịp Tết năm nay bà chỉ đem lên TPHCM 300 chậu cúc mâm xôi cùng với một số mai vàng để bán Tết, chứ không dám đem nhiều vì không biết được sức mua của thị trường.
Trong khi đó, ông Liêm của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách khuyến cáo, nông dân nên bán hoa tại ruộng khi đầu ra đảm bảo có lợi nhuận, chứ không nên “neo” lại chờ đem ra chợ Tết tiêu thụ. “Thị trường ở chợ năm nay mình cũng không biết như thế nào, nhưng rõ ràng đánh giá chung là khó khăn, cho nên, nông dân không nên mạo hiểm để tránh tình trạng phải đem đổ bỏ như những năm trước”, ông khuyến cáo.
Trước nhận định tình hình tiêu thụ hoa kiểng Tết năm nay khó khăn, thành phố Cần Thơ đã quyết định miễn phí tiền thuê mặt bằng, điện, nước tại chợ hoa Tết năm 2024 (quảng trường trung tâm 586 thuộc khu dân cư 586, phương Phú Thứ, quận Cái Răng).
Theo đó, việc miễn phí như nêu trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để giúp bà con nông dân tiêu thụ được sản phẩm hoa kiểng Tết. “Chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp cho bà con có điểm bán hoa Tết”, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết.
Kế hoạch được thành phố Cần Thơ đưa ra, đó là từ ngày 19-1 (mùng 9 tháng Chạp) sẽ bàn giao mặt bằng cho người dân bán hoa kiểng Tết. Thế nhưng, thời gian chợ chính thức hoạt động là từ ngày 25-1 (ngày 15 tháng Chạp) và kéo dài đến ngày 9-2 (ngày 30 Tết).
Trung Chánh