Trung Chánh -
Tuy số lượng sản xuất có sự tăng-giảm giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL, nhưng theo dự báo của những người trong cuộc, giá bán hoa, kiểng dịp tết năm nay có thể sẽ tăng cao hơn so với năm ngoái.
Một nông dân ở ĐBSCL đang chăm sóc vườn hoa kiểng của mình.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre – một trong những địa phương sản xuất hoa, kiểng nhiều ở ĐBSCL – cho biết do ảnh hưởng của đợt hạn mặn vừa qua, cộng thêm tình hình thời tiết bất thường (mưa lớn kết thúc muộn) nên sản lượng hoa, kiểng phục vụ tết năm nay của địa phương dự kiến chỉ đạt 8 triệu sản phẩm, giảm khoảng 2 triệu sản phẩm so với năm ngoái.
Theo ông Liêm, ngoài việc sản lượng sản xuất của địa phương bị sụt giảm, các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng lũ lụt thời gian qua cũng làm hoa, kiểng tết bị thiệt hại nghiêm trọng, khiến giá bán tăng cao hơn. “Do ảnh hưởng thời tiết, lũ lụt ở nhiều nơi, đặc biệt ở khu vực miền Trung nên sản lượng hoa, kiểng sụt giảm. Thương lái tập trung xuống đây (huyện Chợ Lách) mua nhiều khiến giá tăng cao hơn”, ông Liêm giải thích. Vụ hoa kiểng tết năm nay, nông dân tập trung trồng mai vàng, tắc kiểng, các loại cây kiểng hình thú, cây lá màu, hoa treo, vạn thọ, cúc mâm xôi, bông giấy và mào gà.
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cũng có chung nhận định, cho rằng việc tiêu thụ hoa, kiểng của địa phương và giá bán cũng sẽ tăng hơn năm ngoái do nhiều khu vực bị mất mùa, sản lượng sụt giảm.
Trong khi đó, ông Trương Văn Nhung, tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất hoa của xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, cho biết vụ hoa tết năm nay Mỹ Phong sản xuất được 800.000 chậu hoa các loại, tăng 2.000 chậu so với vụ mùa năm ngoái, chủ yếu tăng ở chủng loại hoa cát tường.
Theo ông Nhung, thông thường khoảng 15-20 tháng Chạp các thương lái mới đến mua nhiều, nhưng đến thời điểm này đã có khoảng 10% sản lượng hoa của các tổ viên tổ hợp tác Mỹ Phong có mối lái đến đặt hàng. Giá bán cũng cao hơn năm ngoái 5.000-8.000 đồng/chậu (tùy loại). Chẳng hạn, cúc mâm xôi có giá 45.000-50.000 đồng/chậu, vạn thọ là 30.000-35.000 đồng/chậu, mào gà 30.000-35.000 đồng/chậu.
Ông Lê Văn Tý, trưởng ban đại diện làng mai vàng Phước Định, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, cho biết sau khi trừ đi khoảng 20% số cây ra hoa sớm do thời tiết thất thường, làng mai Phước Định dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 gốc mai lớn nhỏ các loại (bao gồm cả cho thuê), và dự kiến giá bán dịp tết năm nay sẽ tăng 20-30% so với năm ngoái. “Năm nay nhiều chỗ bị nước mặn khiến cây hư nhiều, nên giá có thể cao hơn năm rồi. Năm trước một gốc mai có giá 1 triệu đồng, năm nay khoảng 1,2-1,3 triệu đồng”, ông cho biết.
Theo ông Tý, ngoài việc cung cấp cho các mối lái đem lên TPHCM và một số địa phương trong vùng ĐBSCL tiêu thụ, dịp tết năm nay làng mai Phước Định cũng dự kiến thuê 50 lô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long để bán cho người dân, từ ngày 20 tháng Chạp trở đi.