Diễm Mi -
Bên cạnh việc cho ra đời những bộ sưu tập dẫn dắt xu hướng, các nhà thiết kế thời trang còn làm mới mình bằng việc đưa những trào lưu từng được ưa chuộng một thời quay trở lại sàn diễn, trong một bộ dạng mới lạ, sáng tạo hơn.
Từng là trào lưu khuynh đảo giới mộ điệu thời trang ở thập niên 1960, họa tiết hình học khi đó khá đơn giản với hai màu đen, trắng. Những ô hình vuông, chữ nhật, hình tròn, tam giác... nằm chồng chéo lên nhau hút mắt người nhìn. Sau đó, trào lưu này bị quên lãng, nhường chỗ cho những xu hướng thời trang khác. Tuy nhiên, họa tiết hình học lại rất đa dạng và đặc biệt hiệu quả trong việc đánh lừa thị giác, tạo sự mơ hồ giữa hình ảnh và ảo giác. Vì vậy, không lâu sau, họa tiết này đã quay trở lại, đặc biệt trên các sàn diễn, các bộ sưu tập (BST) ra mắt đầu năm 2017 ở cả trong nước và quốc tế.
Khởi nguồn từ những họa tiết hình học đơn giản, những nhà thiết kế nâng tầm chúng thành những trào lưu hình ảnh mới checkerboard (họa tiết bàn cờ), geometric (làn sóng hình học). Đặc biệt, khi nghệ thuật optical (gọi tắt là op art, nghệ thuật liên quan đến ảo giác) ra đời như minh chứng rõ ràng nhất cho sự thu hút của họa tiết hình học đến các nhà thiết kế (NTK).
Tại tuần lễ thời trang xuân hè và thu đông 2017, các sàn diễn quốc tế Milan, London, Paris, New York chào đón họa tiết hình học quay trở lại với những thương hiệu thời trang như Louis Vuitton, Balmain, Gucci, Chanel... Những bộ trang phục mang họa tiết hình học xen lẫn những khẩu hiệu có ý nghĩa về bình quyền, tình yêu của hãng Versace tại Tuần lễ thời trang Milan gây ấn tượng cho giới mộ điệu.
Ở Việt Nam, họa tiết hình học xuất hiện nhiều trong những BST của các NTK trẻ như Lý Giám Tiền, Nguyễn Tiến Truyển, Nguyễn Thúy, Nguyễn Công Trí... Đơn giản từ họa tiết ca rô, các hình học cơ bản cho đến sự đan lồng các hình ảnh vào nhau, khi người mẫu trình diễn tạo cảm giác các hình khối đang chuyển động. Các NTK đang đưa trào lưu một thời quay trở lại trong BST của mình. NTK Nguyễn Thúy phá cách cho họa tiết hình học khi kết hợp với ren và thêu hoa. Cách phối hợp giữa những chất liệu, màu sắc khác nhau tạo ra hình ảnh mới cho ca rô – hình học quen thuộc. Những thiết kế của Nguyễn Thúy được nhiều người am hiểu dự báo sẽ tạo nên làn sóng thời trang mới trong mùa thu đông năm nay.
Tuy là một trào lưu có hiệu quả trong việc đánh lừa thị giác, có thể khiến những người có thân hình chưa được hoàn hảo phần nào trở nên đầy đặn hay thon gọn hơn, nhưng khi ứng dụng vào thực tế cần lưu ý một số loại họa tiết để kết hợp với phụ kiện cho phù hợp:
Contrast: đối lập
Họa tiết này sử dụng những hình ảnh, màu sắc đối lập nhau tạo nên cảm giác vui mắt, sinh động trên trang phục. Đây là họa tiết phù hợp cho mùa hè. Khi chọn mặc những trang phục có họa tiết hình học đối lập nên tối giản mọi phụ kiện, trang phục đi kèm để tránh gây rối mắt cho người nhìn khi có quá nhiều màu sắc trên trang phục.
Organic line: hình học cơ bản
Đây là hình khối đơn giản nhất trong họa tiết hình học với hình tròn, vuông, tam giác cổ điển... Khi sử dụng những trang phục này có nghĩa bạn đang quay lại xu hướng thời trang những thập niên trước với váy chữ A, ca rô đen trắng. Vì vậy đừng quên mang phụ kiện là những chiếc mũ rộng vành cùng màu với trang phục, mái tóc phồng gợn ở đuôi và kính mắt.
Optical (op art): nghệ thuật liên quan đến ảo giác
Khi diện những trang phục này điều quan trọng là không tham quá nhiều phụ kiện, màu sắc. Những hình học tạo cảm giác 3D trên trang phục sẽ chuyển động cùng bước đi. Vì vậy đừng thu hút người nhìn sang giày, nón, túi xách... mà hãy để sự tập trung của họ vào trang phục đang mặc. Theo các NTK, mỗi trang phục thiết kế theo phong cách op art là một tác phẩm nghệ thuật, nên khi đi cùng phụ kiện tối giản Op art mới thật sự hiệu quả.