HÀ ĐÌNH NGUYÊN -
Mỗi mùa Giáng sinh về, đây đó lại vang lên những giai điệu quen thuộc của ca khúc Bài thánh ca buồn: “Bài thánh ca đó còn nhớ không em/Noel năm nào chúng mình có nhau/Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt/Áo trắng em bay như cánh thiên thần/Ngọt môi hôn dưới tháp chuông ngân...”. Bài hát chất chứa những nỗi niềm tâm sự...
So với các nhạc sĩ đã thành danh trước năm 1975 thì nhạc sĩ Nguyễn Vũ còn khá trẻ (sinh năm 1944), cho nên nhạc sĩ với người viết cũng khá là “hợp gu” trong nhiều chuyện. Nhà của ông (cũng là lớp dạy đàn, nhạc) ở xứ đạo Nghĩa Phát (Tân Bình, TPHCM); đi từ công viên Lê Thị Riêng theo đường Cách Mạng Tháng Tám vào nhà ông phải đi qua đoạn đường Chấn Hưng, nơi có nhiều hàng quán mà người viết và nhạc sĩ Nguyễn Vũ từng “so… rượu luận anh hùng”. Nhiều hôm trong quán, người viết bài này vỗ bàn hát boléro cho ông nghe: “Một chiều cuối tuần, mưa rơi lất phất và mây trắng giăng giăng/Em đến thăm anh và vì mưa mãi nên không kịp về/Bên em, anh lặng nhìn bầu trời và đáy mắt mộng mơ/Sợ người yêu khóc, khe khẽ bên tai anh kể chuyện ngày xưa… Chuyện xưa kể rằng…”. Đó là bản Huyền thoại chiều mưa do “người đang đối diện với tôi” sáng tác khi mới 23 tuổi.
Nguyễn Vũ tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh, sinh tại Hà Nội nhưng suốt thời thơ ấu ông sống ở Đà Lạt. Chính thành phố sương mù này đã tác động rất nhiều đến bước đường nghệ thuật của Nguyễn Vũ sau này: 12 tuổi (1956) cậu bé Vũ đoạt giải nhất đơn ca thiếu nhi do Đài Phát thanh Đà Lạt tổ chức. 20 tuổi, nhạc sĩ trẻ này đã có sáng tác đầu tay, chính là bản Một loài chim biển (1965)... Tuy nhiên, nói đến Nguyễn Vũ là người ta liền nghĩ đến ca khúc đã đưa tên tuổi của ông được nhiều người lúc bây giờ biết tới, đó là ca khúc Bài thánh ca buồn. Nhiều năm trước, trong một mùa Giáng sinh, người viết đã có dịp phỏng vấn ông: “Bài thánh ca nào là…thánh ca buồn?”. Ông xác nhận đó chính là bản thánh ca bất hủ Đêm thánh vô cùng (Silent night).
Ông kể: “Không hiểu sao mỗi khi nghe bài hát này tôi luôn có tâm trạng xuyến xao, buồn buồn thế nào ấy. Bài hát đã đưa tôi về với những hoài niệm thời xa xưa, cũng chính những hoài niệm này mà tôi đã viết Bài thánh ca buồn. Dạo ấy, tôi chỉ mới là cậu thiếu niên 14 tuổi, hàng ngày đi lễ ở nhà thờ Con Gà (Đà Lạt). Sở dĩ tôi “siêng” đi lễ đến vậy là vì tôi phát giác có một cô gái đẹp và... rất ngoan đạo, hàng ngày cô ấy vẫn đi lễ ngang qua ngõ nhà tôi. Trái tim non nớt của đứa con trai mới lớn như tôi thổn thức đến tội nghiệp! Đi theo cô ấy suốt ba tháng, với 3 km đi, về mỗi ngày, “mòn nhẵn” cả hai con đường Phan Đình Phùng (nhà tôi) và Hai Bà Trưng (nhà cô ấy), gập ghềnh lũng đồi như lòng tôi thấp thỏm ôm mối tình câm. “Trầy trật” đến vậy mà tôi mới chỉ biết được cô ấy tên là Th., lớn hơn tôi hai tuổi... Cho đến một buổi chiều gần lễ Giáng sinh, vừa tan lễ thì trời đổ cơn mưa muộn, cô ấy nép vào một mái hiên để trú mưa, tôi trú ké bên cạnh. Văng vẳng từ đâu đó vọng ra bản thánh ca quen thuộc: “Đêm thánh vô cùng/Giây phút tưng bừng/Đất với trời, se chữ đồng/Đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ...”. Th. đứng trú mưa và hát theo nho nhỏ. Tôi sững sờ, trong mưa gió rét buốt giọng hát cuả Th. nghe buồn mênh mang. Áo dài trắng, quần đen, bên ngoài khoác thêm áo ấm màu đỏ trông Th. co ro như một con chim trong mưa bão, tôi muốn làm một động tác gì đó để chở che, bảo vệ cho Th. Nhưng không dám. Cuối cùng, thu hết can đảm tôi đưa tay vuốt hờ những hạt mưa bụi bám bên ngoài chiếc áo ấm Th. đang mặc. Th. nhoẻn miệng cười, nói “Cám ơn nghen!”. Mưa tạnh, người ta về rồi mà tôi còn đứng ngơ ngẩn. Chỉ ba ngày sau đó, gia đình tôi chuyển vào sống ở Sài Gòn. Từ đó mỗi lần nghe bài thánh ca Đêm thánh vô cùng hồn tôi lại xuyến xao quá đỗi, nhớ buổi chiều mưa gần Giáng sinh ngày nào trong một không gian rất Đà Lạt, nhớ câu nói “Cám ơn nghen!” và nụ cười, ánh mắt trong veo, thánh thiện. Những cái “nhớ” này ám ảnh tôi nên đến năm 1972 tôi viết ca khúc Bài thánh ca buồn và ca sĩ Thái Châu là người thể hiện bài hát này đầu tiên, và được hãng đĩa Sơn Ca mua độc quyền”.
Ông nói tiếp: “Những hoài niệm bàng bạc trong ký ức tôi là cấu tứ để hình thành bản nhạc. Tôi nghĩ, cứ để y như thế chắc sẽ đẹp hơn. Hơn nữa tôi đã có một gia đình êm ấm (nhạc sĩ Nguyễn Vũ có bốn con gái, đều đã trưởng thành – NV) còn cô ấy chắc chắn cũng đã “đề huề con cháu” – một sự gặp gỡ (nếu có) chỉ thêm... rối! Tôi cũng có nhiều chuyến trở về Đà Lạt, thâm tâm cũng có ý dò tìm, nhưng biệt vô âm tín. Đà Lạt bây giờ thay đổi quá nhiều”.
Đã hơn 40 năm trôi qua, Bài thánh ca buồn quả thực là một ca khúc đã vượt qua sự thử thách của thời gian để trở thành hiện tượng chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật, được cả người theo đạo Thiên Chúa, lẫn người ngoại đạo yêu thích. Một câu chuyện tình lãng mạn nhưng tinh tế và chân thật của một mùa Noel kỷ niệm, hơi phảng phất buồn, nhưng không bi lụy. Ngày nay, lễ Giáng sinh đã trở thành một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhộn nhịp của nhiều tầng lớp dân chúng nói chung, và đối với họ, Noel là một ngày hội hơn là một ngày lễ. Riêng ca khúc Bài thánh ca buồn đến nay vẫn được nhiều người nghe, thích và tiếp tục hát, thậm chí đang có xu hướng trẻ hóa dần dần.