(SGTT) – Chiều 16-9, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, sau hai ngày làm việc liên tục, nhà thầu đã thành công trong việc lắp đặt nhịp dầm cầu bộ hành cuối cùng tại nhà ga Thủ Đức, khép lại giai đoạn thi công cầu bộ hành cho tuyến metro số 1.
- Bộ Giao thông Vận tải có đề xuất mới về giá dịch vụ hàng không
- Đường sắt Việt Nam hủy hơn 40 chuyến tàu do mưa bão
Tại vị trí trụ TH2, nằm giữa dải phân cách trên đường Võ Nguyên Giáp, ngay dưới chân cầu vượt thép ngã tư Thủ Đức, các kỹ sư đã hoàn thành việc lắp đặt hai nhịp dầm cầu bộ hành cuối cùng của nhà ga Thủ Đức, TTXVN đưa tin.
Với chiều dài lần lượt là 32m và 33,5m, cùng trọng tải lên tới 74,5 tấn và 78 tấn, các nhịp dầm này đã được lắp đặt, hoàn thiện hệ thống cầu bộ hành trên cao cho toàn bộ các nhà ga của dự án metro Bến Thành – Suối Tiên.
Việc thi công tại vị trí chân cầu vượt đã gặp nhiều trở ngại do mặt bằng hạn chế và lưu lượng xe qua lại đông đúc, tải trọng lớn, dù ngành giao thông đã có biện pháp hạn chế xe tải trên 5 tấn từ ngày 27-7 đến ngày 29-10.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, việc hoàn thành kết nối nhịp dầm cuối cùng tại ga Thủ Đức và cải tạo tiểu đảo, tim đường đã góp phần quan trọng vào việc khôi phục giao thông thông suốt tại ngã tư Thủ Đức, rút ngắn đáng kể thời gian so với dự kiến.
Hệ thống 9 cầu bộ hành của metro Bến Thành – Suối Tiên kết nối các nhà ga dọc theo trục đường Võ Nguyên Giáp. Việc xây dựng các cầu này đòi hỏi các kỹ sư phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp như tránh các hệ thống ngầm và vận chuyển các cấu kiện nặng trong không gian hạn hẹp, đặc biệt khi thi công vào ban đêm.
Đến nay, 7/9 nhà ga của tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đã hoàn thiện cơ bản các hạng mục như lát sàn, khung thép, mái, lan can và cầu thang. Nhà thầu đang tập trung hoàn thiện 2 cầu bộ hành còn lại tại ga Thủ Đức và Đại học Quốc gia trong tháng 10 này, nhằm đảm bảo tiến độ đưa tuyến metro vào vận hành cuối năm 2024.
Cầu bộ hành là một trong những hạng mục thi công cuối cùng của dự án metro số 1, giúp hành khách tiếp cận các nhà ga trên cao an toàn và thuận tiện, cũng như là lối thoát hiểm chính của hành khách khi xảy ra sự cố khẩn cấp tại các nhà ga.