Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Học gì từ mô hình trồng nấm công nghệ cao của hai tiến sĩ người Việt tại Úc?

Tại Úc, sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực dữ liệu (data), với niềm yêu thích về nông nghiệp, hai tiến sĩ người Việt Nam đã ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào việc trồng nấm từ năm 2019 bằng việc kết hợp nghiên cứu nhiều dự án với các trường đại học nổi tiếng tại Úc như Macquarie, Adelaide và Wollongong. Họ cũng cho biết sẵn sàng trao đổi các kinh nghiệm đã có về nấm cho những nhà nông yêu thích nấm tại Việt Nam.
Hình ảnh hệ thống máy móc vận hành của Clever Mushroom.

Một ngày Chủ nhật cuối tuần, gia đình tôi háo hức đi hơn 50 cây số từ thủ đô Úc Canberra đến New South Wales – một bang gần Canberra – để tham quan mô hình trồng nấm công nghệ cao – nơi có tiếng là trồng và bán rất nhiều loại nấm với giá khá cao so với mặt bằng chung tại Úc nhưng được người tiêu dùng nước này ưa chuộng.

Đón gia đình tôi là chị Queen Nguyễn và anh Trung Võ, hai tiến sĩ đam mê ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống nông nghiệp 4.0 để giúp việc làm nông hiệu quả hơn, cụ thể là việc trồng nấm. Hai anh chị là những du học sinh người Việt tại Úc, chị Queen đã lấy bằng tiến sĩ về AI tại trường Macquaire vào năm 2020, anh Trung tốt nghiệp tiến sĩ về vật lý tại Đại học Sydney năm 2011.

Sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực dữ liệu (data), với niềm yêu thích về nông nghiệp, anh chị đã ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào việc trồng nấm từ năm 2019 bằng việc kết hợp nghiên cứu nhiều dự án với các trường đại học nổi tiếng tại Úc như Macquarie, Adelaide và Wollongong.

Thấy được hiệu quả của các nghiên cứu nếu được triển khai trên thực tế, đồng thời hiểu rõ hành trình thuyết phục nông dân Úc áp dụng sẽ rất gian nan nên anh chị đã chọn cách tự mình triển khai việc trồng nấm công nghệ cao này. Bởi sự thành công của anh chị có lẽ là bằng chứng thuyết phục nhất những người nông dân trồng nấm khác.

Trải qua những ngày đầu gian nan và vất vả, nhưng bằng kỹ thuật độc đáo, hiện đại được ứng dụng trên thực tế và sự chịu khó, kiên trì, anh chị đã có những quả ngọt đầu tiên từ năm 2020, chỉ sau một năm. Và thương hiệu Clever Mushroom (www.clevermushroom.com.au) đã được chào đời như vậy.

Các loại nấm đã trồng thành công với năng suất cao, như nấm hầu thủ, nấm hạt dẻ, nấm pioppino, nấm tuyết và các loại nấm bào ngư…

Những điểm độc đáo về mặt kỹ thuật đã được áp dụng là gì?

Đầu tiên, mô hình trồng nấm công nghệ cao của anh chị đã áp dụng các kỹ thuật tự động hóa để tăng hiệu suất và giảm sự phụ thuộc vào lao động. Việc sử dụng hệ thống tự động hóa giúp giảm lực lượng lao động cần thiết chỉ còn khoảng 15-20% so với các trang trại truyền thống. Đây là điều tôi khá thích thú, bởi giá nhân công khá cao tại Úc khiến nhiều người còn e ngại khi dự định làm nông nghiệp tại nước này.

Thứ hai, chị Queen và anh Trung cho biết đã sử dụng công nghệ AI để tối ưu hóa quá trình trồng nấm. Các thuật toán và mô hình AI đã được áp dụng để dự đoán và điều chỉnh điều kiện môi trường, giúp nâng cao năng xuất và giảm thiểu rủi ro trong quá trình trồng.

Thứ ba là việc sử dụng hệ thống nông nghiệp 4.0. Anh chị đã tích hợp các công nghệ tiên tiến, như Internet of Things (IoT) và “big data analytics” để quản lý và giám sát quá trình trồng nấm. Việc sử dụng hệ thống nông nghiệp 4.0 giúp tăng cường khả năng quản lý, theo dõi và tối ưu hóa các thông số quan trọng như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và chất dinh dưỡng.

Ngoài ra, anh chị còn sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và hệ thống pin để cung cấp điện cho hoạt động trồng nấm. Clever Mushroom hiện tại sử dụng đến 95% năng lượng từ hệ thống pin và năng lượng mặt trời.

Thêm nữa, anh chị cũng đã áp dụng phân tích dữ liệu tiên tiến để tối ưu hóa việc sử dụng nước và giảm lượng nước tiêu thụ. Cụ thể 100% nguồn nước mưa đã được sử dụng tại nông trại. Nhờ đó, mô hình trồng nấm này đã đạt được hiệu suất cao và giảm tiêu thụ năng lượng và nước đáng kể. Ước tính lượng khí thải CO2 thải ra chỉ tương ứng mức thải CO2 từ một hộ gia đình (có hai người lớn).

Tự sản xuất phôi nấm tại Úc

Một điều làm tôi khá bất ngờ là việc Clever Mushroom có khả năng tự sản xuất phôi nấm. Điều này mang lại sự chủ động trong việc kiểm soát chất lượng, giảm thiểu rủi ro liên quan đến tình hình cung cấp, giúp đáp ứng nhu cầu của thị trường nhanh chóng, linh hoạt, không phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ nước ngoài.

Ngoài ra, người dân Úc thường có xu hướng ủng hộ và ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Nắm bắt được điều này, việc sản xuất phôi nấm tại Úc giúp Clever Mushroom gây được thiện cảm và tạo ra sự kết nối mạnh mẽ với thị trường nội địa, đồng thời nâng cao sự tin tưởng và độ hài lòng của khách hàng. Bởi hiện nay, đa số các phôi nấm được bán tại Úc đều được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bên cạnh việc sản xuất nấm tươi chủ lực, Clever Mushroom còn tận dụng giá trị của vòng đời sản phẩm bằng việc chế biến các sản phẩm “nấm sấy khô đã qua chế biến” (jerky). Các sản phẩm này được chăm chút trong bao bì và lựa chọn kỹ càng theo khẩu vị của người tiêu dùng địa phương. Điều này giúp tận dụng nấm mà vẫn đảm bảo chất lượng, đồng thời đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường Úc.

Thêm vào đó, Clever Mushroom cũng có khả năng chủ động trong trường hợp nấm tươi cung cấp vượt quá nhu cầu của khách hàng, hạn chế lãng phí và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu. Giá bán lẻ hiện tại của một bịch nấm jerky có trọng lượng 65 gam là 5 đô la Úc. Đây là mức giá phù hợp với thị trường và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Một bước tiến xa hơn của Clever Mushroom

Clever Mushroom xác định tiềm năng của thị trường và quyết định thiết lập hệ thống phân phối bán sỉ và lẻ. Sau khi thiết lập thành công hệ thống và đạt được sự ổn định, công ty đã tự tin trong quy trình trồng nấm và thấy được tiềm năng phát triển của thương hiệu, họ đã quyết định “đóng gói quy trình, sản phẩm chuẩn” để thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại.

Bằng cách này, anh chị đã thu hút thêm “đồng đội” cùng “chia sẻ ngọt bùi” để phát triển thương hiệu Clever Mushroom đã xây dựng trong thời gian qua để cung cấp các mô hình nhượng quyền thương mại với giá tương ứng với nhu cầu của từng người.

Cụ thể, một kho chứa nhỏ có diện tích khoảng 12 mét vuông, Clever Mushroom có thể thu hoạch 50-70 ki lô gam nấm hàng tuần. Giá bán lẻ của nấm khoảng 40-60 đô la Úc mỗi ki lô gam và để vận hành một phòng trồng nhỏ này chỉ cần một nhân viên làm bán thời gian.

Hồ sơ nhãn hiệu Clever Mushroom đã được nộp tại Cơ quan nhãn hiệu của Úc.

Do đó, để tự tin mở rộng và phát triển, Clever Mushroom đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho thương hiệu nấm Clever Mushroom và Mushroom Kingdom với cơ quan nhãn hiệu của Úc ngay từ khi nhận thấy được tiềm năng của ngành. Điều này giúp Clever Mushroom tự tin hơn trong việc mở rộng thị trường và đảm bảo quyền sở hữu đối với tên nhãn hiệu đang và dự định sử dụng.

Những thách thức của việc trồng nấm công nghệ cao

Bên cạnh những ưu điểm như nâng cao năng suất, giảm chi phí, chị Queen và anh Trung cho biết một trong những thách thức của ngành trồng nấm công nghệ cao là xây dựng kho dữ liệu với các thông số môi trường và thu thập hình ảnh từ hệ thống camera thông minh.

Việc này đòi hỏi thời gian và công sức để thu thập đủ dữ liệu từ các loại nấm khác nhau và xây dựng một giải thuật thông minh cho từng loại nấm. Mỗi loại nấm có yêu cầu riêng về môi trường, nên việc phát triển giải thuật phải được tiến hành một cách liên tục và không ngừng cải tiến.

Kế đến, việc trồng nấm công nghệ cao không chỉ dựa vào kiến thức truyền thống về trồng trọt, mà còn cần tối ưu hóa dựa trên các thuật toán thông minh. Do đó, người xây dựng giải thuật phải có kiến thức chuyên sâu về máy tính, dữ liệu thông minh và trí tuệ nhân tạo để hiểu và áp dụng các phương pháp phân tích dữ liệu và học máy vào quy trình trồng nấm.

Do đó, việc xây dựng một hệ thống thông minh và tối ưu cho trồng nấm công nghệ cao đòi hỏi sự liên tục nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, với chuyên môn, kinh nghiệm và nỗ lực, anh Trung và chị Queen đã giải được “bài toán khó” này.

Rời khỏi nông trại nấm, hình ảnh của những loại nấm vẫn cứ hiện lên trong tâm trí tôi. Những hộp quà nấm tươi xinh xắn với nhiều màu sắc, những phôi nấm được đặt trong các bình nhựa vẫn còn giữ nguyên mùi thơm nhẹ nhàng của nấm dù sau khi thu hoạch, và cả vị ngon ngọt của nấm sấy khô; tất cả làm xóa tan cái nóng nực mùa hè của nước Úc.

Tôi không ngờ, giữa một nông trại nhỏ của Úc, có hai tiến sĩ người Việt yêu nông nghiệp, vẫn đang cặm cụi mỗi ngày với mô hình trồng nấm công nghệ cao của mình để đem đến cho người tiêu dùng không chỉ là những loại nấm tươi thượng hạng, những thực phẩm nấm đã được chế biến, mà còn cả một mô hình trồng nấm đã được tiêu chuẩn hóa bằng việc ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao.

Và tin vui mà tôi nhận được trong tháng 5 vừa qua, Tiến sĩ Wei Zang, nghiên cứu sinh của Viện Machine Learning của Úc đã nhận được 420.000 đô la Úc khi cùng Clever Mushroom chuẩn bị nghiên cứu sâu hơn về việc ứng dụng công nghệ cao vào việc trồng nấm càng làm cho tôi tin tưởng hơn nữa con đường mà Clever Mushroom đã chọn(1).

Và cũng như tôi, dù đang sống và làm việc ở Úc, vẫn luôn hướng về quê hương, anh chị cũng rất mong một ngày gần nhất có thể chia sẻ mô hình trồng nấm này đến bà con nông dân hay những doanh nghiệp quan tâm tại Việt Nam.

Ngân Trần

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối