Tiến sĩ Đỗ Hương Thảo -
Tiến sĩ sử học Đỗ Hương Thảo là giảng viên khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn hiện đang theo chồng làm nhiệm vụ ở Sứ quán Việt Nam tại Đức. Trong thời gian này, chị có dịp quan sát phương pháp giáo dục của Đức thông qua chương trình học tiểu học của cậu con trai. Câu chuyện được chị ghi chép dưới đây gợi lên nhiều suy nghĩ về phương pháp giáo dục lịch sử hiện nay ở nước ngoài.
Học lịch sử ở Berlin
Với con trai tôi môn lịch sử lớp 6 học ở Berlin (lớp 6 ở đây vẫn thuộc tiểu học) hoàn toàn không dễ, vì con phải học lịch sử châu Âu, khác xa với kiến thức lịch sử con đã biết, chưa kể đến từ mới tiếng Đức. Tuy nhiên cách giao bài tập của thầy cô giáo khá thú vị làm trẻ con vẫn hứng thú học.
Hôm trước, con trai học về lịch sử Hy Lạp, bài tập về nhà của con là: viết 1 bài luận trong đó đặt mình là người nông dân, một nô lệ hay một em bé thời Hy Lạp để tả cuộc sống của họ.
Con trai chọn viết tự đặt mình là một người nông dân Hy Lạp. Để viết được bài này con trai phải tự đặt và trả lời câu hỏi: người nông dân Hy Lạp xưa có nuôi bò không nhỉ? Có đem gà ra chợ đổi bò hay không? Con bò nó giúp người nông dân thu hoạch lúa mì không… Và cứ một chốc lại chạy ra chạy vào hỏi mẹ và tìm hiểu trên mạng vì thông tin trong sách giáo khoa không đủ. Cuối cùng thì bài viết về người nông dân cũng hoàn thành.
Từ bài tập của con, tôi nghĩ rằng cách ra đề bài của cô giáo sử thật hay. Đề mở nhưng để làm được bài tập buộc người học phải tự đọc thêm nhiều tài liệu về thời kỳ lịch sử đó để tăng thêm tri thức mà vẫn không bị bó buộc vào lối học thuộc và trả bài truyền thống như ở Việt Nam (có thể ở Việt Nam, đề bài sẽ là em hãy trình bày cuộc sống của người Hy Lạp thế kỷ X hay Y gì đó).
Di dân và môn địa lý lớp 6
Tuần thứ 1 của năm học, con trai đi học về hào hứng kể: “Mẹ biết không cứ 1.000 người Đức thì có 1 người nhập cư”. Tôi hỏi: “Con học ở môn gì mà biết vậy?”. Con bảo: “Cô giáo địa lý nói. Cô còn cho lớp con thống kê, mẹ biết không cả lớp con chỉ có 6 bạn là có ông bà cha mẹ là người Đức, còn 19 bạn là có ông hoặc bà, hoặc cha hoặc mẹ là người nước ngoài. Cô còn phát cho mỗi bạn tờ giấy hỏi là khi nào thì bọn con rời nước Đức. Các bạn viết là khi nào có chiến tranh, bệnh tật. Các bạn thảo luận sôi nổi lắm, vì các bạn đọc báo hàng ngày. Còn con thì ngồi nghe thôi”.
“Vậy con viết sao?”, “Con viết là khi nào con hết visa thì con rời Đức”.
Bẵng đi 1 tuần (vì cả tuần thứ 2 của năm học con trai học về phương pháp – Methodology). Sang tuần 3, con trai tôi lại hỏi: “Mẹ, người di dân thì đi từ đâu đến đâu?” – “Con hỏi để làm gì?”.
“Cô giáo địa lý giao cho con 1 cái ảnh về người nhập cư và yêu cầu con đặt mình vào hoàn cảnh cô ấy để viết nhật ký. Bài tập môn địa lý mẹ ạ”. Tôi khuyên con nên đọc báo, vì trên báo cập nhật những thông tin này hàng ngày. Sau một hồi đọc báo, cuối cùng con trai tôi cũng làm xong một trang nhật ký đại loại là: tôi là một cô gái Irắc, chúng tôi đang đói và khát. Chúng tôi đi ra hướng bờ biển. Trong 10 ngày chúng tôi chờ 1 con tàu lớn đến đưa chúng tôi đi. Rồi con tàu đến, chúng tôi sẽ sang Đức, nơi tôi sẽ có thức ăn và nước uống.
Ngẫm từ sự học của con, tôi nghĩ có lẽ con trai vẫn chưa thực sự hiểu hết sự khủng hoảng di dân hiện nay ở châu Âu, cũng có lẽ con cũng chưa thể hiểu thông điệp của cô giáo về việc thống kê về những bạn thuần Đức để hiểu rằng câu chuyện di cư có từ sớm và là kết quả của những vấn đề chính trị, xã hội và tiếp xúc giao lưu văn hóa.
Nhưng, ít nhất tôi thích cách tiếp cận của giáo viên ở đây. Họ đã hướng những đứa trẻ lớp 6 vào những vấn đề nhân sinh, thời sự hàng ngày đang diễn ra quanh chúng. Điều này khác với lối nghĩ “Trẻ con thì biết gì chuyện người lớn” và khác với việc, cứ đến lớp là phải học đúng bài trong sách giáo khoa đã viết.
Câu chuyện học của con trai khiến tôi hiểu rằng đã đến lúc con không chỉ còn đọc các sách khoa học, động vật, các tác phẩm văn học... mà đã bắt đầu cần đọc thêm về những điều tạm gọi là thời sự, chính trị ở mức độ đơn giản.