Bài học nằm lòng của chúng ta khi còn ngồi trên ghế nhà trường đó là con người khác biệt so với những động vật khác ở điểm cùng sống trong một xã hội. Tuy vậy, dường như không phải tất cả mọi người đều thống nhất với nhau cách sống chung trong xã hội như thế nào để khác biệt với sự sinh tồn vô ý thức trong một quần thể.
Đặc biệt khi quá trình đô thị hóa diễn ra càng mạnh, những hình thức ăn, ở mang tính cộng đồng xuất hiện càng nhiều mà chung cư là một ví dụ, thì sự xung đột trong quan niệm sống thường xuyên xảy ra hơn. Tôi đã trải qua những giây phút bi hài về sự hỗn độn sống chung để rồi đôi lúc trở thành “triết gia” ngồi chiêm nghiệm cách sống chung trong loại hình chung cư cao cấp.
Học tự do
Chắc không ai tranh cãi rằng xã hội càng văn minh thì nhận thức về cái tôi càng lớn. Nhưng hài hòa cái tôi của mình với cái tôi khác để cùng tồn tại thì là cả một vấn đề. Chung cư cao cấp là nơi ở của một tầng lớp được gọi là có chút tiền bạc (mới có khả năng mua được căn hộ), dưới góc độ nào đó là những người thành công hoặc may mắn trong cuộc sống. Chính vì vậy mà sự khẳng định “cái tôi tự do” rất tự tin và mạnh mẽ, đôi khi là quá mạnh mẽ đến nỗi vượt qua giới hạn cần thiết.
Tôi vốn là người gặp khó khăn trong việc ru vào giấc ngủ sau thời gian căng thẳng công việc ở cơ quan. Cú sốc đầu tiên của tôi khi mới vào ở chung cư cao cấp là nhà bên thường mở nhạc ồn ào vào ban đêm và vào những ngày cuối tuần. Sốc vì tưởng chuyện này chỉ có ở những chung cư cũ hoặc thôn xóm của những người thiếu học thức, thiếu ý thức. Sau một thời gian chịu đựng, tôi bèn “méc” ban quản lý để nhờ sự can thiệp. Khi đội bảo vệ nhắc nhở thì chủ căn hộ “yêu” nhạc quá mức đó giận dữ trả lời: “Đây là nhà của tôi, chẳng lẽ không có quyền nghe nhạc sao?”. Đúng rồi, ai cũng có quyền nghe nhạc, và có thể vài người có thói quen phải điều chỉnh âm lượng thật lớn mới thưởng thức được. Tuy nhiên, khi mình không ở biệt thự, không ở sa mạc hay đồng trống thì cũng không nên bắt người khác phải giải trí cùng mình nếu họ không muốn. Mà nghe nhạc vẫn còn đỡ hơn nhà cách đó vài căn hát karaoke thường xuyên và luôn mở cửa để hàng xóm được “thưởng thức”.
Câu chuyện muốn biến nơi riêng tư thành công cộng như vậy là biểu hiện phổ biến trong nhiều khía cạnh ở chung cư. Căn hộ nào tất nhiên cũng có cửa với mục đích chính là bảo vệ sự riêng tư. Nhưng nhiều nhà dường như không thích bức tường ngăn cách đó. Có nhà luôn mở toang cửa để rồi những câu chuyện trao đổi rất riêng tư cứ thế mà lan tỏa khắp hành lang. Họ âu yếm, cãi lộn, ghen tuông... cả làng đều biết. Sự lan tỏa lời nói còn dễ chịu hơn nhiều so với lan tỏa mùi vị. Họ nướng thịt, kho cá hay nấu lẩu mắm... thì mọi người đều có thể “hưởng thụ”.
Còn nhiều nữa những biểu hiện tự do muốn sống theo kiểu mình thích bất chấp ảnh hưởng đến hàng xóm. Để xe không đúng nơi quy định, ra vào chung cư không đóng cổng, sau khi tắm hồ bơi (chung cư cao cấp mà!) cứ thế là đi khắp chung cư mặc cho nước vương vãi khắp nơi... Còn những chuyện thường thấy ở bất cứ chung cư nào như xả rác, vẽ bậy, cho trẻ con chạy khắp nơi la hét ầm ĩ... thì tất nhiên cũng không thiếu ở chung cư cao cấp.
Những lời đối đáp khi bị nhắc nhở đã thể hiện ý thức khẳng định cái tôi tự do rất mạnh mẽ “nhà của tôi, tôi muốn mở hay đóng cửa là quyền của tôi”, “nhà của tôi, tôi có quyền nấu gì thì nấu, mùi bay thì chịu thôi chứ tôi biết phải làm sao”, “ra vào chung cư quên đóng cửa là chuyện thường mà, bỏ tiền ra thuê bảo vệ rồi mà sao cứ phải để ý chuyện đóng cổng”…
Thật tình nghe riết rồi tôi cũng hoang mang: vậy sự tự do là gì ở cái chỗ sống chung này.
Tôi tìm sách đọc về tự do. Quả thật từ khi nhà triết học J.J. Rousseau ra tuyên ngôn “Con người sinh ra tự do” đã có rất nhiều từ hay ý đẹp về khái niệm đó. Nhà thơ Kahlil Gibran thì chiêm nghiệm: “Cuộc sống không tự do như thể xác không có linh hồn”. Cựu tổng thống Mỹ Herbert Hoover định nghĩa: “Tự do là cánh cửa sổ qua đó chiếu rọi ánh sáng của tâm hồn và niềm tự hào làm người”. Rõ ràng là phải qua vài chục ngàn năm từ khi thoát khỏi những bầy đàn động vật, con người mới nghiền ngẫm và dần hiểu khái niệm đó.
Nhưng hiểu sống tự do như là một con người có trách nhiệm thì cũng đâu có đơn giản. Chiến sĩ đấu tranh cho tự do người Nam Phi vĩ đại là Nelson Mandela đã có câu nói “để trở nên tự do không chỉ đơn giản là phá vỡ xiềng xích trói buộc mình mà còn là học sống tôn trọng sự tự do của người khác”. Trước đó hơn một trăm năm, nhà triết học về tự do vĩ đại J.S.Mill cũng từng nói: “Tôi học tìm sự hạnh phúc qua cách hạn chế ham muốn của mình”.
Để một xã hội có thể tồn tại thì các thành viên phải chấp nhận sống theo những thỏa thuận, nếu không xã hội sẽ chỉ là một tập hợp hỗn độn. Ai nói gì thì nói, một thời gian tập tành ở chung cư cao cấp tôi vững tin như vậy.
Học dân chủ
Khi nói đến tự do thì người ta lại hay nhắc đến dân chủ. Theo cái hiểu đơn giản của tôi, dân chủ là làm sao để mỗi người có cơ hội góp sức làm cuộc sống cộng đồng, xã hội tốt hơn. Ở chung cư cao cấp nhà tôi, bên cạnh vấn đề tự do thì dân chủ cũng là câu chuyện dài... thật dài.
Biểu hiện cơ bản của hoạt động dân chủ là xây dựng những thiết chế cho hoạt động xã hội. Cư dân chung cư cao cấp muốn sống văn minh có lẽ cũng vì vậy mà rất chú trọng đến việc bầu ra ban quản trị. Nhà nước đã có những quy định rõ ràng về chuyện bầu bán này rồi, nhưng khi thực hiện thì mới thấy không đơn giản như đọc vài câu chữ trong đó.
Chỉ riêng chuyện có đủ số người tham dự đại hội để bầu ban quản trị đã là cả một bài toán nan giải. Theo quy định là có sự hiện diện tối thiểu 50% đại diện căn hộ. Phải sau nhiều ngày tháng, nhiều lần gửi thư, thậm chí ban tổ chức hội nghị đi từng nhà để kêu gọi cư dân dự họp thì sau hai lần thất bại, hội nghị mới được tiến hành. Buồn cười là tôi không ít lần nghe nhiều cư dân vắng mặt tại hội nghị (tức là góp phần vô hiệu hóa hội nghị) đâu đó ở hành lang, trong thang máy lớn tiếng than phiền: “Có cái ban quản trị mà bầu hoài không được, thật chả ra làm sao!”. Hay thật, không lẽ họ thật sự không hiểu rằng để có thể chọn người đại diện theo kiểu dân chủ thì họ với tư cách là thành viên chung cư phải tham gia chứ. Cứ như thể chuyện tham gia là chuyện của ai không dính líu gì đến họ và họ chỉ có việc phê bình thôi.
Có ban quản trị rồi thì “trò chơi dân chủ” vẫn còn tiếp diễn. Theo sáng kiến của một số cư dân (một số thôi chứ không phải là số đông, càng không phải là tất cả) một diễn đàn trực tuyến được mở ra trên ứng dụng Viber để mọi người có thể cùng nhau góp ý cho công việc ở chung cư. Thấy hay hay, ban quản trị cũng cử người đại diện tham gia nhằm lắng nghe và đối thoại. Vài tuần đầu diễn đàn diễn ra êm thấm với vài lời góp ý rụt rè như ai đó vẽ bậy trên tường, bóng đèn hành lang hư... Nhưng sau đó mọi chuyện trở nên rối tung rối mù. Từ chỗ góp ý sao cho chung cư tốt hơn, thì diễn đàn đã trở thành nơi trút giận, chỉ trích ban quản trị. Giận vì ai cũng nghĩ góp ý của mình là đúng, là số một và phải được thực hiện. Khi công ty quản lý đòi tăng giá dịch vụ, ban quản trị dự định kêu đấu thầu chọn công ty quản lý mới thì cũng bị nói cố tình đẩy công ty cũ ra để đưa người quen vào.
Rồi điều phải đến đã đến. Đại diện ban quản trị tự động rút lui vì bị stress bởi những lời chửi bới phần nhiều vô căn cứ ngày càng tăng, các cư dân biết suy nghĩ có trước có sau, biết mình biết ta cũng rút khỏi nhóm chat để khỏi bực bội.
Diễn đàn vẫn tồn tại và là nơi độc diễn với nhiều chỉ trích cay độc của nhóm người mà cư dân gọi là “nhóm đối lập”. Ban quản trị “cắn răng” chịu đựng những chỉ trích từ diễn đàn nhưng cuối cùng cũng không chịu nổi. Đỉnh điểm của sự tức giận nổ ra ở hội nghị bất thường, nơi ban quản trị tổ chức để tuyên bố là theo luật ban quản trị phải có quyền điều hành vì mục tiêu chung chứ không phải nhất cử nhất động phải nghe mọi lời góp ý, phê bình của tất cả cư dân. Ban quản trị khẳng định là nếu cư dân không tín nhiệm thì sẽ từ chức. Lúc đó “nhóm đối lập” đứng lên tiếp tục chỉ trích đủ kiểu và bày tỏ lập trường rất cứng rắn mà họ nghĩ là rất logic. Một chị hùng hồn tuyên bố: “Ban quản trị do tôi bầu lên phải nghe lời tôi chứ nếu không thì bầu ra để làm gì”. Cuối cùng ban quản trị “nóng mặt” không chịu tiến hành lấy ý kiến tín nhiệm mà tuyên bố từ chức luôn và sẽ chấm dứt hoạt động trong vòng một tháng.
Tuy vậy tình hình tâm lý cư dân chung cư sau đó có vẻ hỗn loạn vì liên tục trong vòng một tháng sau ban quản trị đã từ nhiệm không triệu tập được cuộc họp có đầy đủ số lượng cư dân như quy định để bầu ban quản trị mới. Lúc này ban quản trị bèn cầu cạnh chính quyền địa phương theo kiểu “tôi đã tuyên bố từ nhiệm rồi, đến hạn tôi không hoạt động nữa, tình hình sau đó ủy ban phường tự lo nhé!”.
Chuyện lộn xộn bầu bán, phê bình, dè bỉu, giận hờn, cãi vã qua những khuôn khổ được lập ra để mọi người cùng tham gia góp sức xây dựng môi trường sống chung tốt hơn đã tan vỡ vì mỗi người hiểu mỗi kiểu về quyền đóng góp của mình. Nhiều cư dân cho rằng khi mình đã bầu cho ai thì bất cứ ý kiến gì của mình cũng phải được thực hiện, họ không quan tâm có bao nhiêu người đồng tình với ý kiến của họ. Còn ban quản trị thì cũng nghĩ đơn giản được bầu lên mà bị chửi bới quá thì thôi không “chơi” nữa. Đến khi không bầu được người thay thế, đến khi nghe lời phê phán “số người bất tín nhiệm ban quản trị có đại diện số đông không mà ban quản trị dám tự tiện từ chức” thì những người từ nhiệm này mới tá hỏa.
Tôi lại lật sách ra tìm hiểu về dân chủ. Con đường loài người đi từ mông muội đến văn minh đã trải qua nhiều hình thức tổ chức xã hội, lúc còn dã man thì độc quyền, tập quyền dần dần nhân bản hơn thì đến dân chủ tự do, dân chủ tập trung... Mà dù cho hình thức dân chủ nào thì tựu trung vẫn là xã hội sẽ được vận hành chủ quan bởi một nhóm người do các thành viên chọn ra. Dân chủ ở chung cư cao cấp là những quy tắc để mọi người có thể thấy nhóm nào là xứng đáng được chọn ra để quản trị tòa nhà tốt nhất và phải tôn trọng những người mình đã chọn ra. Dân chủ không có nghĩa là ai cũng có quyền yêu cầu những người mình chọn ra làm theo ý cá nhân mình. Khổ nỗi là những cư dân tập tành sống dân chủ có khuynh hướng luôn thấy ý kiến của mình là quan trọng, là đúng nhất và từ đó dẫn đến mất trật tự, mất đoàn kết.
Bây giờ có suy nghĩ, triết lý gì về tự do dân chủ thì chuyện ở chung cư cao cấp của tôi vẫn đang rối bù. Có người nói rồi đến một ngày mọi thứ sẽ đi vào trật tự thôi khi mọi người ý thức hết quyền và trách nhiệm của bản thân mình. Chắc chắn vậy rồi, nhưng ngày đó là bao giờ?
Minh Trần