Ngọc Ánh-
Israel đã nhất trí với Việt Nam về mặt nguyên tắc đàm phán để tiếp nhận từ 5.000 cho đến 10.000 người lao động sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực khác mà không cần bên thứ ba là Tổ chức Di cư quốc tế (IOM). Đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Theo Cổng thông tin Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp vào ngày 2-6 vừa qua đã có buổi tiếp bà Meirav Elon Shahar, Đại sứ Israel tại Việt Nam.
Tại cuộc gặp, bà Meirav Elon Shahar cho biết, phía Israel nhất trí về mặt nguyên tắc đàm phán đưa người lao động sang Israel làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với khoảng từ 5.000 cho đến 10.000 người, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực khác mà không cần bên thứ ba là IOM.
Ghi nhận ý kiến của bà Meirav Elon Shahar, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết đại diện của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tham dự phiên đàm phán thứ ba của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel tại Israel vào tháng 6 sắp tới để trao đổi, đàm phán và đi đến việc ký kết thỏa thuận lao động.
Việt Nam đang đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao và Israel là một trong những nơi lý tưởng để học và thực hành về ngành này. Ảnh: Ngọc Hùng
Cơ hội cho sinh viên học nghề
Từ tháng 2 vừa qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam bắt đầu thông báo dự tuyển Chương trình hợp tác đào tạo và thực hành nông nghiệp tại Israel. Đây là chương trình học viện phối hợp cùng Công ty cổ phần Xây dựng, dịch vụ và hợp tác lao động (OLECO), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng thực hiện. Chỉ tiêu dự tuyển cho năm 2017 này là 400 học viên cho các trường đại học Việt Nam, cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam là 100 học viên. Trong đó, tổng số học viên nữ không quá 20%.
Các học viên trúng tuyển sẽ được đào tạo kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo mô hình trang trại hiện đại của Israel, học kiến thức thông qua làm việc thực tế, tham quan các mô hình nông nghiệp tiên tiến của Israel và được cấp chứng chỉ khi kết thúc chương trình. Thời gian đào tạo và thực hành kéo dài từ 10 đến 11 tháng. Yêu cầu dành cho các ứng cử viên là có tuổi từ 20 đến 24, có sức khỏe tốt (không mắc viêm gan B và các bệnh về tim, phổi), có nguyện vọng và khả năng tài chính tham gia chương trình, và phải là sinh viên cao đẳng, đại học (năm thứ ba trở đi hoặc đã tốt nghiệp nhưng chưa nhận bằng) thuộc ngành nông nghiệp hoặc liên quan đến nông nghiệp.
Khi tham gia chương trình, học viên được bố trí chỗ ở tại các trang trại nông nghiệp ở Israel trong suốt thời gian học tập và được trả lương khoảng 5 đô la Mỹ cho mỗi giờ làm việc. Học viên phải tự túc chi phí chuẩn bị cho việc tham gia chương trình, chi phí đi lại, chi phí đào tạo (khoảng 200 đô la/tháng và được khấu trừ theo lương tháng) và chi phí sinh hoạt.
Những thách thức không nhỏ
Theo thông tin từ phía Israel, trung bình mỗi năm có gần 2.000 chuyên gia nông nghiệp từ 80 nước trên thế giới tới quốc gia nằm về phía tây khu vực Trung Đông này để học tập nâng cao kiến thức về phục vụ nền nông nghiệp nước nhà. Từ năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp Israel đưa các học viên ngành nông nghiệp sang đào tạo tại các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp của Israel theo chương trình hợp tác và thực hành nông nghiệp. Để thực hiện chương trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình và giao cho OLECO là doanh nghiệp trực thuộc bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng, đào tạo quản lý đưa người ra nước ngoài học tập và làm việc là đầu mối được giao thực hiện chương trình này.
Sau gần 10 năm thực hiện, chương trình đã đưa hàng ngàn tu nghiệp sinh Việt Nam sang học tập và làm việc tại Israel. Sau thời gian học tập và thực hành tại Israel, học viên có cơ hội thực hành tiếng Anh, được đào tạo kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao đồng thời khi thực hành làm việc tại các trang trại học viên được trả thù lao với mức thu nhập 675-750 đô la mỗi tháng, chưa kể làm thêm. Thông thường, sau một khoá học tập và làm việc tu nghiệp sinh Việt Nam sẽ tiết kiệm được một khoản tiền 5.000-7.000 đô la sau khi đã trừ toàn bộ chi phí.
Theo OLECO, điểm đặc biệt của chương trình này là chỉ tuyển sinh viên cao đẳng hoặc đại học khối ngành nông nghiệp hoặc có liên quan đến nông nghiệp (nông lâm, ngư nghiệp…). Các tu nghiệp sinh đi học về sẽ góp phần vào mục tiêu xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là điều kiện ràng buộc để tránh tình trạng người lao động bỏ trốn ở lại Israel.
Chính từ hiệu quả của chương trình tu nghiệp sinh, Israel đã chính thức cho Việt Nam đưa người lao động sang làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường Israel, phía Việt Nam đã xây dựng đề án phát triển thị trường lao động này. Người lao động làm nông nghiệp tại Israel nhận được mức lương cơ bản khoảng 1.000 đô la/tháng, nếu tính cả tiền làm thêm giờ, thu nhập của người lao động (sau khi đã trừ các chi phí) vào khoảng 1.600 đến 2.000 đô la mỗi tháng. Người lao động khi đăng ký tham gia thị trường này có thể làm việc ổn định trong vòng năm năm (visa hai năm và được gia hạn hợp đồng thêm ba năm). Ngoài OLECO, có một số doanh nghiệp khác đăng ký đưa người lao động sang Israel như GMAS, TTLC, Hoàng Long, Sovilaco, Hadico…
Trong buổi gặp gỡ Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Đại sứ Israel tại Việt Nam, bà Meirav Elon Shahar bày tỏ mối quan ngại về việc tỷ lệ người lao động bất hợp pháp của Việt Nam hiện nay vẫn còn khá cao. Do đó, bà Meirav Elon Shahar sẽ báo cáo với các cơ quan liên quan của Israel và thực hiện công tác tham vấn nội bộ, đặc biệt là vấn đề pháp lý để xem xét đàm phán và đi đến ký kết thỏa thuận lao động giữa hai nước trong thời gian sớm nhất.
Có thể nói, việc Israel tiếp nhận lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đã mở ra nhiều cơ hội cho người lao động phổ thông Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam cũng có thêm thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, những cuộc tuyển dụng nêu trên chỉ là lời thỏa thuận, cam kết theo đơn hàng giữa doanh nghiệp Israel và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam. Thị trường vẫn đang chờ một văn bản quan trọng là hiệp định hợp tác về lao động giữa hai nhà nước Israel và Việt Nam.