Thứ năm, Tháng Một 9, 2025

Hội chứng… nghi bệnh

Khánh Ngân -

Sau chuyến thăm bạn bị ung thư não, anh  L., bỗng cảm thấy mình có những triệu chứng na ná: nhức đầu, buồn nôn, trí nhớ suy giảm… nên lo sợ và đi khám ngay. Còn chị K., khi đọc báo về những dấu hiệu bệnh ung thư vòm họng cũng thấy mình bị y hệt như ù tai, khan tiếng, nghẹt mũi nên hoang mang xin đi chụp, chiếu tai mũi họng đủ kiểu dù bác sĩ nói không cần thiết, sức khỏe chị bình thường.

Theo bác sĩ tâm lý Nguyễn Lan Hải, đây là hội chứng nghi bệnh gặp ở rất nhiều người và đang là căn bệnh của thời đại cùng với béo phì, dậy thì sớm, tiểu đường.

Lạm dụng siêu âm, X quang

Thời trẻ từng bị lao và đã điều trị dứt từ lâu, nhưng mỗi khi lên cơn ho, đau ngực là bà P., 75 tuổi ở quận 8, TPHCM lại nghi bệnh lao tái phát và đi khám. Đầu tháng 8-2016, bà đến Bệnh viện An Bình kiểm tra, bác sĩ chỉ định chụp phim phổi và kết luận phổi của bà bình thường. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bà vẫn ho đêm, rát ngực nên đi khám tiếp. Lần này, bà đến phòng khám Vạn Hạnh, nằng nặc đòi chụp X quang phổi, dù bác sĩ nói không cần thiết, bởi xác định phổi bà không có vấn đề gì. Bà P. lại đến một phòng khám khác, yêu cầu chụp phim phổi, đến khi cầm tấm phim trong tay với kết quả bình thường mới chịu ra về. Những tưởng với kết quả này, bà sẽ vui sống. Thế nhưng, bà vẫn đi thêm bốn bệnh viện nữa, làm gần chục cuộc xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh vì nghĩ mình sắp đột quỵ.

Còn chị Thúy, Phó trưởng chi nhánh một ngân hàng kể: “Hai tháng qua chị em tôi khá mệt mỏi vì không sao xóa được suy nghĩ “nghi bệnh” của má tôi”. Cách đây một tháng, người mẹ này bị huyết áp cao, đi khám ở một phòng mạch tư, bác sĩ nói không sao vì người già hay gặp tình trạng này. Vậy mà bà không chịu đòi vô Viện Tim khám. Kết quả khám và siêu âm tim cũng chẳng có bệnh, nhưng từ đó, bà kè kè máy đo huyết áp, cứ 10-15 phút đo một lần, chẳng ăn ngon, ngủ yên. Gần đây, vào nửa đêm bà la lên bị tai biến do tay chân yếu, người nhà hoảng hồn đưa bà vào bệnh viện cấp cứu. Kết quả siêu âm tim, đo điện tim đều bình thường. Bác sĩ nói bà bị yếu không phải do tai biến, mà do lo lắng, ăn ngủ không điều độ nên thể trạng yếu. Sau đó, bà xin nằm viện để “vô thuốc bổ” và khai đủ thứ bệnh với bác sĩ như đau lưng, mỏi gối và đòi chụp chiếu, dù bác sĩ bảo là dấu hiệu bình thường của tuổi già.

Nổi mụn cũng… mổ

Không chỉ phụ nữ mới bị chứng nghi bệnh, nhiều người đàn ông cũng bị căn bệnh này, như anh T. 46 tuổi, ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Là con trong một gia đình khá giả, từng chết hụt khi té sông lúc nhỏ nên anh T. rất sợ chết và sợ bệnh. Khi cơ thể có dấu hiệu khác lạ là anh liên tưởng ngay tới bệnh nan y, rồi tưởng tượng cảnh nằm chờ chết nên luôn “sống trong sợ hãi”. Chỉ cần nhói ở bao tử và ăn không tiêu là anh xin bác sĩ cho nội soi dạ dày; bị táo bón mới hai lần anh đã yêu cầu nội soi đại tràng… vì sợ tắc ruột, để lâu ngày bị ung thư. Có lần khạc ra máu khi đánh răng buổi sáng, anh liền nghĩ tới dấu hiệu của ung thư vòm họng, ung thư phổi như đã đọc trên mạng Internet nên phát hoảng lên TPHCM khám, kết quả là anh chỉ bị nha chu.

Nhắc đến chồng, vợ anh T. cười: “Ổng bị nổi mụn ở vành môi, nặn xong mụn lại mọc tiếp. Ổng thấy thầy “gú gồ” nói để lâu ngày sẽ thành ác tính nên đòi mổ, tui cản mà không được. Ổng qua bệnh viện tỉnh khám, bác sĩ nói xức thuốc cũng hết, nhưng muốn hết vĩnh viễn thì mổ, chỉ gây tê, nằm trong ngày hoặc qua hôm sau về. Nhưng ổng sợ đau nên đòi gây mê. Trời xui đất khiến hay do cơ địa của ổng, vết mổ có chút xíu, lẽ ra  hai ba ngày là lành, vậy mà của ổng nó thừ lừ, chảy nước vàng, uống thuốc gần cả tháng trời mới hết. Vậy mà ổng cũng không chừa tật tưởng tượng đủ thứ bệnh, giờ chuẩn bị lên Bệnh viện Chợ Rẫy khám bệnh gan vì có hàng xóm có người bị bệnh xơ gan”.

Coi chừng bị... tâm thần

Theo bác sĩ tâm lý Nguyễn Lan Hải, hội chứng nghi bệnh có hai thể, một là tâm lý thông thường ở nhiều người khi mỗi ngày tiếp nhận những luồng thông tin tiêu cực như không an toàn thực phẩm, dịch bệnh mới không có thuốc chữa, bệnh ung thư ngày càng nhiều… nên có người vô tình nhiễm “bệnh” lo lắng thái quá, nghi bệnh.

Hai là những người chỉ cần có một dấu hiệu khác thường của cơ thể,  dù nhỏ cũng nảy ra các ý nghĩ tiêu cực, ám ảnh bệnh tật và tin chắc mình mắc một chứng bệnh nghiêm trọng. Sự lo âu này thôi thúc họ đi khám bệnh và yêu cầu thực hiện các xét nghiệm thử máu, siêu âm, chụp X quang, MRI… Tuy nhiên, dù kết quả bình thường và bác sĩ giải thích thế nào cũng không trấn an được để họ tin rằng mình khỏe mạnh.

Hội chứng này thường gặp ở người từ tuổi 40 trở lên, nhiều nhất là ở người già với tâm lý sắp chạm cái chết. Đặc biệt, nhiều người mắc chứng bệnh này phải điều trị tâm thần, vì đây cũng là một thể rối loạn lo âu, hoang tưởng.

Hội chứng nghi bệnh gây ra rất nhiều hệ lụy, bác sĩ Hải phân tích: về mặt tâm lý, xã hội, sự lo lắng thái quá, luôn nghĩ mình có bệnh sẽ đầu độc cảm xúc, môi trường sống của chính mình và người thân, làm chất lượng sống của các thành viên đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tốn kém tiền bạc, cũng như làm tăng gánh nặng y tế với xã hội. Tuy nhiên, hậu quả nặng nề nhất là về mặt y học. Chính sự lo lắng quá mức sẽ gây căng thẳng, stress và ảnh hưởng trực tiếp với dạ dày, thần kinh. Hơn nữa, bệnh ảo sẽ thành thật khi đến bệnh viện thường xuyên sẽ có nguy cơ bị lây chéo bệnh. Nghiêm trọng hơn, việc lạm dụng chụp X quang nhiều lần, liên tục, khiến tia X có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Để phòng ngừa và điều trị hội chứng này, bác sĩ Hải cho rằng, vai trò của thầy thuốc rất quan trọng, với những trường hợp này, khi thăm khám, bác sĩ cần giải thích cho họ hiểu trong cuộc sống phải thuận theo tự nhiên: ví dụ con nít bị huyết áp cao là bệnh, còn người già bị là điều thường thấy; hay người trẻ bị lãng tai, nhìn kém có thể là bệnh, với người già đó là tiến trình lão hóa tự nhiên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối