(SGTT) - Theo Cục Thủy lợi, tình trạng xâm nhập mặn từ nay đến giữa tháng 3 ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ ở mức cao, khả năng làm ảnh hưởng đến hơn 83.000 hecta đất trồng lúa và cây ăn trái.
- Xâm nhập mặn tăng cao, các địa phương chủ động tích trữ nước ngọt
- ĐBSCL có nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài đến mùa khô 2024-2025
TTXVN dẫn thông tin từ Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đồng bằng sông Cửu Long đang vào giai đoạn giữa mùa khô 2023-2024, cao điểm của nắng nóng và xâm nhập mặn.
Dự báo nguồn nước về khu vực này trong tháng 3-2024 vẫn ở mức thấp, kéo theo tình trạng xâm nhập mặn từ nay đến giữa tháng 3 sẽ lên mức cao. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến khoảng 40.000 hecta lúa. Một số tỉnh có diện tích trồng lúa ảnh hưởng nhiều như Tiền Giang hơn 1.400 hecta, Bến Tre 7.500 hecta, Trà Vinh 13.000 hecta và tỉnh Cà Mau 15.000 hecta.
Ngoài ra, khoảng 43.300 hecta vùng trồng cây ăn trái cũng bị thiếu nước ngọt như tỉnh Long An với 3.100 hecta, Tiền Giang 21.800 hecta, Bến Tre 16.000 hecta, Sóc Trăng 3.400 hecta.
Trong tháng 3 này, ở vùng các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4g/l có khả năng xâm nhập từ 45-65 km, tùy từng cửa sông. Mức này cao hơn 4-9 km so với năm 2023. Xâm nhập mặn còn gây ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển từ 50-60 km trong các kỳ triều cường.
Ranh mặn 4g/l lớn nhất trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 80-85 km, cao hơn 13-15 km so với năm trước. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển từ 75 km trở xuống vào các ngày triều cường.
Theo bản tin trên, Cục Thủy lợi khuyến nghị cho các địa phương trong khu vực theo dõi thường xuyên thông tin dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn để tăng vận hành công trình thủy lợi lấy và giữ nước ngọt. Cùng với đó là khoanh vùng cụ thể các diện tích cây trồng, đặc biệt là cây ăn trái, nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn để trữ nước dự phòng.