Phù Sa Lộc -
“Tháng Ba bà già đi biển” là câu nói cửa miệng của những người “nhát” sóng to gió lớn, kể cả sóng nhỏ trên vùng biển rộng bao la. Nhưng với họ, tháng Ba (Âm lịch) là lúc trời êm biển lặng, nên đi biển còn khỏe hơn đi trên sông nhiều. Cho nên, không cứ vào tháng Ba mà từ trước Tết Nguyên đán chừng một tháng cho đến cuối tháng Ba nếu đến bến tàu Kiên Lương (Kiên Giang) sẽ bắt gặp những chiếc xe đò lớn đậu, thả khách xuống tàu gỗ để vượt trùng dương đến với Hòn Nghệ. Họ là khách du lịch nhưng phần lớn là khách hành hương. Ngày 16 tháng Giêng có lễ Nghinh Ông, ngày 20 tháng Hai vía Bà Chúa Xứ.
Tượng Phật Bà uy nghi trên Mũi Đá Chuông.
Với khoảng 24 km đường chim bay, và mất khoảng hai giờ đồng hồ chơi vơi biển cả ngoạn mục, khách đã cặp bến Hòn Nghệ (xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương). Thú nhất là thời điểm gần Tết Nguyên đán, gần tới Hòn Nghệ người ta thấy màu vàng thoắt ẩn thoắt hiện nơi các mỏm đá cao. Đó là màu của những đám sặt còn thưa thớt. Ngày xưa cây sặt mọc đầy triền núi. Đây là loại cây gần giống cây lau nhưng thân to đặc ruột mọc dày đặc ở triền núi. Cây sặt được người địa phương đan thành từng tấm sạp ghe, mành che vách nhà. Cây sặt có màu vàng như nghệ, nên người ta đặt tên hòn này là Hòn Nghệ.
Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí gọi Hòn Nghệ là Uất Kim Dữ, chu vi 20 dặm về phía Nam của trấn Hà Tiên. Người Pháp gọi Hòn Nghệ là Polo-Tekere, tôn vinh là “Thiên đường hình bầu dục”, vì đảo có hình bầu dục (dài 2,5 km, rộng 1,6 km, chu vi 7,5 km, diện tích 3,8 km2, đỉnh cao nhất là 338 m). Hòn Nghệ được xem là hòn đảo đẹp nhất trong 140 hòn đảo lớn nhỏ thuộc vùng “Tiểu Hạ Long phương Nam”, quần đảo Bà Lụa.
Tàu cặp bến Bãi Nam, trước mắt khách là những căn nhà cư dân nằm dọc theo bãi. Theo con đường về phía tay trái khách sẽ bước qua cổng tam quan Liên Tôn Cổ Tự. Từ cổng tam quan lên chánh điện là con đường ngoằn ngoèo, dốc lên dốc xuống với những bậc đá thấp cao. Hai bên đường là những tảng đá tai mèo chớn chở như cọc chông nhọn hoắt, nhìn cứ tưởng đặt chân tới khu Thạch Lâm (khu rừng đá tự nhiên tại huyện Di Thạch Lâm, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).
Theo tích, Liên Tôn Cổ Tự khởi thủy được sư cô Diệu Thiên từ Cà Mau đến phát hoang và lập bàn thờ trong hang đá. Về sau, sư cô xây thêm một vài gian gần hang, đặt tên chùa là Liên Hoa. Năm 1974, sư cô viên tịch, Hòa thượng Thích Nhựt Minh, người thân sư cô, từ chùa Linh Sơn (Cà Mau) ra đây lo Phật sự. Trong năm, ông cho xây trên ngọn đồi đá tượng Phật Bà Quan Âm cao 21 m nhìn ra biển như hiện tại với nhiều hạng mục tiện ích cho chư tăng và Phật tử. Vào chánh điện là hang sâu chừng trăm thước. Chánh điện là hang rộng với vòm cao vời vợi. Vách đá nơi chánh điện có hình vảy cá mà người ta gọi là vảy rồng.
Nơi đây có bốn hang chính: hang Đạt Ma Sư Tổ (nơi thờ bậc tu hành đáng kính này), hang Quýt (nơi một người tên Quýt phát hiện), hang Phật Cô Đơn và hang Dấu Ấn Gia Long. Con đường từ chùa đến hang Phật Cô Đơn dài khoảng 200 m, loằng ngoằng bên sườn núi, lúc nào cũng chui qua vòm cây rừng xanh kín ngọn, mát rượi, khi lên dốc lúc xuống dốc với khá nhiều những tảng đá khá to chặn lối, phải trèo qua. Căng nhất là lối đi nhỏ chỉ vừa một người “lết”.
Giống như chánh điện Liên Tôn Cổ Tự, hang Phật Cô Đơn có một khoảng rộng, là nơi thờ tượng Phật Thích Ca vào năm 1995. Năm 2010, chùa an vị thêm tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát. Vòm hang cũng có những chiếc vảy rồng và cả một con suối được tạo hình từ những vết nước mưa.
Đường đến hang Dấu Ấn Gia Long mới là “con đường thạch đạo”, cao chót vót “trên trời”. Đường dài hàng trăm thước, “rộng” chừng 5 tấc, vừa đủ hai bàn chân bước, không tay vịn, không gì cả. Lần bước trên những tảng đá không bằng phẳng, nhìn sâu xuống dưới hàng năm sáu chục thước, một bên là vực biển, một bên là rừng chông bằng đá chơm chởm chĩa lên.
Qua “con đường tử thần trên trời cao”, phải xuống khá sâu mới tới hang. Trên vách đá hang nổi lên một hình một tấc vuông, loằng ngoằng chữ khắc, như con dấu, nên người ta đặt tên hang như vậy. Trong hang còn có tảng đá hình con voi.
Hang Dấu Ấn Gia Long còn một lối đi khác, nhẹ nhàng hơn, nhưng không kém phần nổi gai ốc là đi từ bãi Chướng, phía miễu Bà Chúa Xứ. Tuy nhiên, đây cũng là nơi thử thách lòng can đảm của con người.
“Thiên đường hình bầu dục” quanh năm mát mẻ, hệ sinh thái khá đa dạng với đầy đủ biển, núi, rừng khá hoang sơ, chim, sóc, kỳ đà… cùng nhiều nét độc đáo khu biệt. Đây là điểm nghỉ dưỡng khá lý tưởng, bãi biển không ồn ào, xô bồ như nhiều bãi biển khác, mà tĩnh lặng với những bãi đá hoang sơ cùng sóng biển trong xanh màu lam ngọc, tạo nên bức tranh êm đềm.
Bãi tắm nơi đây nhỏ nhưng đẹp, cát trắng mịn như bột. Cư dân nuôi cá lồng bè bồng bềnh trên mặt biển ven bờ. Hàng trăm hộ sinh sống khá sung túc tại bãi Nam và bãi Chướng, họ là những cư dân thân thiện với khách phương xa. Khách có nhu cầu sẽ được chủ lồng bè đưa ra bè tham quan, câu cá và thưởng thức hải sản ngay tại chỗ. Tuy nhiên khách chỉ cần ra rạng đá, vách núi thì câu được cá mú, hoặc bắt nhum (cầu gai, nhím biển) nằm dật dờ ven bờ biển cạn. Khách cũng có thể mướn thuyền ra biển câu mực vào ban đêm.
Bãi Chướng có miếu Bà Chúa Xứ và miếu Vịnh Ông Nam Hải có trưng bày bộ xương cá Ông. Tham quan khắp Hòn Nghệ, không có điều kiện, khách cứ thoải mái ngủ nghỉ và ăn uống tại chùa. Món chay ngon nhất là canh chua và mắm kho. Có điều kiện thì nghỉ tại bất cứ nhà người dân nào. Ai cũng hiếu khách.
Thỏa thuê mọi điều, khách ngồi tàu về đất liền, phóng mắt nhìn về Hòn Nghệ thấy nó có hai phần rõ rệt. Phần lớn nhất là khu núi cao có Liên Tôn Cổ Tự và bãi Nam với nhà cửa cư dân. Phần nhỏ là Mũi Đá Chuông, nổi bật với tượng Phật Bà cao 21 m, được người địa phương cho là ngọn hải đăng định hướng cho tàu ghe cặp đảo.
Từ Liên Tôn Cổ Tự đến Mũi Đá Chuông, bên vách núi là quần thể Thập Bát La Hán bằng đá trắng, tạc công phu, tinh xảo. Khách còn nhớ cảm giác gõ vào bất cứ mảnh đá nào ở Mũi Đá Chuông cũng đều nghe âm thanh của tiếng chuông thanh thoát. Kỷ niệm khó quên về một hòn đảo không xa mấy đất liền của vịnh Hà Tiên.