Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Hơn truyện Phong thần

PHÙ SA LỘC -

Truyện Phong thần hồi xưa quá thần kỳ nhưng chỉ diễn ra đời nhà Thương bên Tàu, so ra chẳng mùi mè gì với những chuyện “thần cơ diệu toán” của bầu trời tin học hôm nay – “biến” cả thế giới nằm trong lòng bàn tay, phục vụ những gì mà con người cần được thụ hưởng…

1. Những năm đầu thập niên 1990, cầm trên tay tạp chí Lang Bian (tỉnh Lâm Đồng), tôi bàng hoàng thốt lên: “Đẹp, sang!”. Tạp chí được sắp chữ điện tử chứ không phải chữ chì. Tôi băn khoăn không biết “chữ điện tử” là cái gì?!

Mấy năm sau, được cử đi coi in ở nhà in Liksin (Sài Gòn), tôi mới lần đầu tiếp cận kỹ thuật sắp chữ được coi hiện đại nhất lúc bấy giờ. Chúng tôi chỉ được phép đi và đứng dọc hành lang nhìn vào phòng kiếng, nơi các chuyên viên kỹ thuật ngồi trước màn hình như màn hình ti vi, hai tay liên tục bấm, gõ bàn phím. Họ gõ tới đâu, chữ hiện lên màn hình tới đó. Kỳ diệu hơn là dàn trang. Cứ một cái nhấn tay vào một ô bàn phím là trang báo muốn lớn, nhỏ hoặc như thế nào đó đều được như ý. Bắt tay vào sửa morasse mới sướng, tay chân, áo quần sạch sẽ, không lấm mực in như khi sửa morasse bằng chữ chì…

65

Gần cuối thập niên 1990 tôi mới được tiếp cận công nghệ thông tin, nói cho oai chứ thiệt ra tôi chỉ làm thao tác nạp liệu như đánh máy theo công nghệ truyền thống trên máy chữ. Phải nói, công việc này giúp tôi viết lách thật thoải mái. Viết “đã tay”, muốn thêm, bớt, dời chữ, câu hoặc đoạn nào cũng được máy đáp ứng sau thủ thuật đơn giản. Muốn biết đang viết được bao nhiêu chữ, chỉ cần nhấn con trỏ vào chữ Tool, vô Word count là có đáp số. Sướng thiệt.

Tuổi cao, lại ngán ngại công việc “thần kỳ” này, tâm lý sợ hư máy nên tôi chẳng dám rớ nhiều đến các công dụng siêu tuyệt của vi tính. Cho nên tôi dốt lắm. Để diệt dốt, tôi phải nhờ các bạn trẻ chỉ dẫn từng bước một. Học bước nào, làm thuần thục bước đó cho chắc ăn. Càng học càng thấy cái máy này nó “tuyệt chiêu” vô cùng, không sao khám phá hết!

Dài dòng để thấy chuyện thần kỳ như vậy dạo mới khởi đầu. Kế đó là những chiếc ti vi màu “nghĩa địa” bắt đầu tràn lan ở đất nước ta, làm lu mờ thế hệ ti vi trắng đen. Muốn sậm hoặc lợt màu đỏ, cầm remote bấm một cái là như ý, chuyển từ đài này qua đài khác cũng dễ ợt. Đáng nói là video nhiều hấp dẫn với các hệ Pal, Cam, Secam, NTSC…

Muốn có cái đầu máy phải đăng ký với cơ quan văn hóa thông tin. Cho nên chỉ các cơ quan lớn mới có được tiện ích này, và họ tổ chức bán vé chiếu phim cho bà con giải trí. Video hấp dẫn nhờ chiếu những bộ phim Hồng Kông nhiều tập, chớ không nhạt nhẽo một tập lẻ loi xưa kia. Phim võ thuật, tình cảm thê thiết… thu hút nhiều giới sắp hàng chờ mua vé. Ở thành thị coi video khó như vậy nhưng bạn tôi đi tuyến biên giới An Giang về khoe coi video “mờ mắt”. Phim Hồng Kông nói “tiếng Việt Chợ Lớn”, tiếng Miên cũng có…

2. Khá lâu sau, lần đến cù lao Dung (Sóc Trăng), đi trên bờ bao dọc sông Hậu, thấy trong quán lá nghèo nàn âm thanh rộn rã. Nhìn vô thấy mấy cậu thanh niên ngồi chen ghế nhựa say mê đắm mắt nhìn màn hình ti vi đang chiếu cảnh rượt đuổi ngoạn mục… Còn bên kia, trong một góc khuất, mấy thôn nữ luân phiên chuyền tay cái micro nhìn màn hình “vô tuyến” đắm đuối với giọng ca trữ tình của mình “đuổi” theo từng dòng chữ ca từ hiện bên dưới màn hình. Karaoke “thần kỳ” mở rộng thêm nhu cầu giải trí của mọi tầng lớp người dân, bất kể thành thị hay thôn quê.

Đến tận bây giờ, nhiều nhà có dàn karaoke phục vụ đám tiệc, nhậu nhẹt tại gia. Nghèo hơn, trong những đám tiệc, người ta dễ dàng mướn dàn âm thanh này về đáp ứng nhu cầu ca hát của mình. “Tiếng hát bay xa” bất kể trời trưa hay đêm hôm khuya khoắt, với những giọng ca nam nữ khi thì tha thiết, mượt mà, lúc lại ồ ề nhiều giọng khác nhau. Đáp ứng nhu cầu giải trí này, nhiều quán nhậu có dàn karaoke. Để tăng thêm phần hấp dẫn, chủ quán mướn các cô em xinh đẹp ngồi cạnh khách vừa hát vừa “vui vẻ”, gọi là karaoke… ôm.

Nhu cầu giải trí được thỏa mãn như vậy, nhu cầu liên lạc cũng được phục vụ tới bến. Hồi những năm 1980, nhà có điện thoại bàn là oai lắm. Gọi liên tỉnh phải đăng ký, đóng phí đường dài. Vậy mà một hôm ra phố, tôi và nhiều người “lác mắt” nhìn anh chàng áo bỏ vô quần, tay cầm cái điện thoại bự, dài hơn gang tay, ngang cỡ ba đốt ngón tay, đang trò chuyện với ai đó, chắc ở xa lắm. Trò chuyện xong, anh ta nhét cái điện thoại vô chiếc bao da xề xệ một bên thắt lưng quần jeans. Như “khoe dáng”, điện thoại nằm im trong vỏ bao nhưng lú lên cái ăng-ten khá dài.

Cho đến điện thoại di động nhỏ hơn bắt đầu xuất hiện với thế hệ Siemens, và đình đám nhất là Nokia. Những chiếc điện thoại nhỏ gọn trong lòng bàn tay “giết chết” những chiếc điện thoại cồng kềnh bị gọi là “đập đá”.

Nhưng rồi những chiếc điện thoại nhỏ gọn đen trắng kia cũng lạc hậu khi các anh chàng Apple, Samsung… cho ra đời những chiếc smartphone tân kỳ với màu mè cùng trăm trò biến ảo. Vậy là điện thoại đen trắng (kể cả màu) thế hệ cũ tàn lụi, bị liệt hàng “cùi bắp”. Với smartphone, người ta có thể coi ti vi, coi phim bộ, chơi nhiều trò chơi khác, kể cả nghe đủ thứ nhạc mình muốn. Đặc biệt, với Zalo, Viber, người ta nhắn tin hoặc nói chuyện với nhau từ bên này qua bên kia đại dương mà không tốn đồng bạc nào… Những trưa buồn hiu hắt nắng, các bà mẹ trẻ nằm một đầu võng, đầu kia đứa con thơ ọ ẹ chờ ngủ. Chiếc iPhone đặt bên dưới võng phát những bản boléro thê thiết tình. “Con ngủ rồi, mẹ cũng ngủ theo” mà không khan hơi tổn tiếng khi phải hát hết bài ru này tới bài ru xưa cũ khác.

Và đâu thể thiếu… iPad. Chỉ với mấy ngón tay quẹt là iPad đáp ứng “lệnh thượng đế”. Già cả như tôi không dám rớ nhiều, vì tâm lý sợ hư, nhất là “chậm tiêu”. Trong khi cháu tôi chỉ mới hơn hai tuổi đã nhoay nhoáy bấm quẹt lia lịa, điều khiển máy dễ như chơi, dù không ai chỉ dạy. Quả thiệt, thế giới bây giờ vô cùng “hẹp”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối