(SGTT) - Các nhà phát hành chứng khoán châu Á có thái độ chú trọng hơn đến các vấn đề môi trường và xã hội, vượt xa các nhà phát hành trên thế giới và các nhà đầu tư trong khu vực, theo Khảo sát Đầu tư và Tài chính bền vững 2021 vừa công bố của HSBC.
- HSBC triển khai sản phẩm tiền gửi ‘xanh’ cho doanh nghiệp
- HSBC Việt Nam mở rộng các giải pháp tài chính xanh
- Khảo sát của HSBC: 55% doanh nghiệp châu Á sẽ tăng tính minh bạch trong chuỗi cung ứng
Khảo sát Đầu tư và Tài chính Bền vững 2021 của HSBC là khảo sát được thực hiện hàng năm với sự tham gia của 2.000 nhà phát hành và nhà đầu tư tổ chức trên thị trường vốn toàn cầu. Người tham gia khảo sát được chia đều giữa các nhà phát hành, đến từ 19 lĩnh vực, và nhà đầu tư tổ chức bao gồm nhà phân bổ tài sản và sở hữu tài sản. Người tham gia khảo sát đến từ 34 vùng lãnh thổ thuộc các khu vực châu Mỹ, châu Âu, MENAT, châu Á.
Nhà phát hành tham gia khảo sát đang nắm giữ vị trí cao cấp trong văn phòng CFO và trong lĩnh vực tài chính, ngân quỹ, quản trị rủi ro và đầu tư. Nhà đầu tư tham gia khảo sát nắm giữ vị trí cao cấp trong văn phòng CIO và CFO, quản lý danh mục đầu tư, quản lý quỹ và đầu tư.
Phát triển bền vững trở thành vấn đề cấp thiết
Theo TS. Celine Herweijer, Giám đốc Tập đoàn về phát triển bền vững của HSBC, phát triển bền vững đã trở thành từ khóa quan trọng hơn bao giờ hết đối với các chính phủ, nhà đầu tư và khối doanh nghiệp. Đại dịch Covid-19 đã hướng tất cả mọi sự chú ý đến một nhu cầu cấp thiết là phải xây dựng một nền kinh kế toàn cầu vững vàng hơn và một thế giới an toàn, bền vững hơn.
Cũng theo TS. Celine Herweijer, giờ đây, ngày càng có nhiều người hiểu và có nhận thức đúng đắn về những hậu quả nặng nề nếu con người không hành động. Khủng hoảng khí hậu có thể là nguy cơ nghiêm trọng nhất loài người từng phải đối mặt xét về mức độ ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài.
“Rất nhiều chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư đã nhận ra họ cần phải hành động nhanh chóng và quyết liệt. Điều đó đồng nghĩa với một thay đổi lớn trong vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư, họ phải tự đặt mình trong bối cảnh xã hội, môi trường ra sao và đóng góp xây dựng nền kinh tế bền vững như thế nào”, TS. Celine Herweijer cho biết.
Khoảng 51% người tham gia khảo sát năm nay cho biết họ quan tâm đến các vấn đề xã hội và môi trường, có thể giúp cải thiện lợi nhuận đầu tư hoặc giảm thiểu rủi ro - tỷ lệ cao nhất trong vòng ba năm qua. Kết quả này cho thấy lợi ích kinh tế trong việc bảo vệ môi trường đang ngày càng trở nên rõ nét hơn.
TS. Celine Herweijer nhận định, 5 năm tới đây có thể là giai đoạn mang tính chuyển đổi. Khi gần như toàn bộ (94%) nhà phát hành nói rằng họ dự định sẽ rút khỏi những mô hình kinh doanh ảnh hưởng xấu đến xã hội và môi trường trong giai đoạn này, phần lớn trong số đó sẽ có hành động cụ thể, chắc chắn. Đây là tỷ lệ đáng ngạc nhiên, cho thấy mức độ nhận thức của các doanh nghiệp về nhu cầu phải thay đổi và thái độ quyết liệt để biến ý định thành hành động.
Về phần các nhà đầu tư, họ đang hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi này, khoảng 88% cho biết chuẩn bị đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu là một việc quan trọng đối với doanh nghiệp.
Quá trình chuyển đổi bao gồm nhanh chóng giảm phát thải cacbon. Cả nhà đầu tư và nhà phát hành đều đạt được tiến độ nhất định trong việc đặt ra mục tiêu không phát thải - khoảng 17% người tham gia khảo sát đến từ cả hai nhóm đều cho biết họ đã có cam kết nhưng vẫn còn nhiều thứ chúng ta có thể và cần phải làm để cắt giảm phát thải cacbon toàn cầu.
Châu Á thay đổi nhận thức về phát triển bền vững
Theo khảo sát, khoảng 58% nhà phát hành châu Á cho biết các vấn đề môi trường và xã hội là những vấn đề hết sức quan trọng đối với tổ chức của họ, tỷ lệ này đã tăng nhẹ so với mức 56% của năm ngoái và là tỷ lệ cao nhất so với các khu vực khác trên thế giới, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là 44%. Tương tự, 32% nhà đầu tư châu Á nói rằng những vấn đề này rất quan trọng đối với họ.
Ngoài ra, hầu hết nhà phát hành châu Á (96%) nói rằng họ đã tập trung và chú trọng hơn vào các vấn đề này trong vòng 12 tháng qua, 60% trong số đó đặc biệt lưu tâm đến các vấn đề liên quan đến môi trường, một tỷ lệ cao so với các khu vực khác.
Đối với các nhà đầu tư, khoảng 72% cũng đã gia tăng mối quan tâm dành cho các vấn đề này từ năm ngoái, kết quả này cho thấy khu vực châu Á đang có động lực mạnh mẽ thúc đẩy thay đổi nền kinh tế theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, có một số trở ngại khiến khu vực châu Á khó triển khai đầu tư bền vững sâu rộng hơn, trong đó, phổ biến nhất là thiết hụt nhân lực trong lĩnh vực môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Hơn 40% nhà đầu tư tổ chức ở châu Á cho biết họ đang gặp trở ngại trong việc triển khai thêm các hoạt động đầu tư liên quan đến ESG, nguyên nhân là do thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn và chất lượng.
Khảo sát cho biết, các trở ngại khác đối với nhà đầu tư châu Á bao gồm thiếu cơ hội đầu tư hấp dẫn, thiếu khả năng so sánh dữ liệu ESG giữa các nhà phát hành và trở ngại về quy định và pháp lý. Đây cũng là một số vấn đề nhà đầu tư các nơi khác trên thế giới gặp phải.
Những thách thức này có thể làm chậm lại nhưng sẽ không thể ngăn cản tiến độ chung. Các nhà đầu tư châu Á sẽ vẫn tiếp tục ủng hộ đầu tư ESG, mặc dù với tiến độ chậm hơn. Khoảng 39% trong số họ cho biết tổ chức của họ năm nay đã có một chính sách cấp công ty về đầu tư có trách nhiệm hoặc các vấn đề ESG và hơn 36% cho biết họ dự định sẽ có chính sách tương tự tương lai.
Điểm tích cực là 72% đại diện tham gia khảo sát ở châu Á nói rằng họ quan tâm hơn đến các vấn đề ESG so với năm ngoái, điều đó cho thấy các nhà đầu tư trong khu vực đã bắt đầu ưu tiên vấn đề này hơn.
Theo Jonathan Drew, Giám đốc các giải pháp ESG của HSBC, đầu tư và tài chính bền vững là cơ hội lớn còn bỏ ngỏ đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Á để tạo bản sắc và thúc đẩy tăng trưởng. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo cho khu vực, vốn là nơi chịu nhiều tổn thất do khủng hoảng khí hậu, có thể dịch chuyển sang mô hình phát triển kinh tế bền vững và phát thải cacbon thấp.
“Một hệ thống nguyên tắc, khung pháp lý và tiêu chuẩn vững chắc, theo các định nghĩa và công bố thông tin, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chuyên biệt có chuyên môn mới xây dựng được. Nhu cầu này đòi hỏi tập trung chiến lược và đầu tư nhưng đổi lại là lợi ích lớn lao để xây dựng một tương lai bền vững đồng thời cải thiện kết quả kinh doanh”, Giám đốc các giải pháp ESG của HSBC nói.
Minh Thảo