Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Hứa hẹn thị trường du lịch Nhật Bản

Minh Duy-

Giới kinh doanh du lịch đang kỳ vọng thị trường Nhật Bản sẽ có sự khởi sắc mạnh mẽ khi các hãng hàng không giá rẻ tham gia thị trường.

dukhach1Các công ty du lịch kỳ vọng, các hãng hàng không giá rẻ tham gia thị trường sẽ tạo nên một sự khởi sắc tốt đẹp cho du lịch Việt Nam và Nhật Bản.

Hàng không tăng đầu tư

Từ nhiều năm qua, Nhật Bản luôn nằm trong tốp những thị trường có nguồn khách lớn của du lịch Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, vào năm ngoái, lượng khách đến từ nước này đạt 740.000 lượt và kỳ vọng sẽ lên đến 1 triệu lượt khách vào năm 2018.

Nhật Bản cũng nằm trong tốp năm thị trường hàng không lớn nhất đến Việt Nam. Trong năm năm qua, tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm đạt hơn 12%/năm. Chính vì vậy, ngày càng nhiều hãng hàng không, trong đó có những hãng hàng không trong nước đầu tư lớn cho các chuyến bay nối hai điểm đến.

Trong số đó, riêng Vietnam Airlines đã có 10 đường bay thẳng kết nối Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng tới năm sân bay tại Nhật Bản là Haneda, Narita, Kansai (Osaka), Centrair (Nagoya) và Fukuoka, với số chuyến trung bình mỗi tuần lên đến 70 chuyến bay. Hãng này cho biết, từ chuyến bay thẳng đầu tiên vào năm 1994, Vietnam Airlines đã vận chuyển đến 10 triệu lượt khách qua lại giữa hai quốc gia, chiếm 65% thị phần.

Không những có nhiều đường bay, hãng cũng đưa những loại máy bay hiện đại vào khai thác trên các chuyến bay giữa hai nước. Vào tháng trước, Vietnam Airlines công bố đưa máy bay hiện đại Boeing 787-9 vào khai thác trên đường bay Hà Nội-Osaka. Với sự thay đổi này, các chuyến bay nối Hà Nội, TPHCM với Tokyo và Osaka của hãng đều được khai thác bằng loại máy bay mới là Boeing 787 và Airbus A350-900 XWB, đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao.

Không chỉ Vietnam Airlines – hãng vận chuyển lớn nhất trên đường bay trực tiếp giữa Việt Nam-Nhật Bản đầu tư lớn cho thị trường mà hai hãng hàng không giá rẻ gồm Jetstar Pacific và VietJet Air cũng bắt đầu vào cuộc chơi.

Hãng VietJet Air cho biết Nhật Bản là thị trường trọng điểm trong kế hoạch mở rộng mạng bay ra khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngày 25-7 vừa qua, VietJet Air đã ký thỏa thuận với hãng hàng không Japan Airlines (Nhật Bản), hãng đang khai thác các đường bay thẳng từ Tokyo (sân bay Narita) đến TPHCM, Hà Nội và từ Tokyo (sân bay Haneda) đến TPHCM, để hợp tác bay liên danh (code-share) trên các đường bay giữa hai nước.

Việc hợp tác để bay liên danh là một trong những bước chân ban đầu để VietJet Air tham gia thị trường hàng không sôi động này. Kế tiếp, dự kiến vào năm 2018, sau khi nhận thêm máy bay mới, hãng sẽ mở đường bay thẳng từ Việt Nam đến Nhật Bản.

Sớm hơn VietJet Air một bước, khoảng một tháng trước, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific đã khẳng định sự hiện diện bằng việc công bố mở hai đường bay thẳng nối Hà Nội và Đà Nẵng với Osaka (Nhật Bản) vào tháng 9-2017. Dự kiến, sẽ có bốn chuyến khứ hồi mỗi tuần bằng máy bay Airbus A320 (180 ghế) từ cả hai thành phố. Hiện nay, hãng đã bán vé cho các chuyến bay này và Jetstar Pacific sẽ trở thành hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam có đường bay thẳng tới Nhật Bản.

 

Kỳ vọng sẽ sôi động

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một số doanh nghiệp du lịch cho rằng các hãng hàng không giá rẻ tham gia thị trường sẽ tạo nên một sự khởi sắc tốt đẹp cho du lịch hai chiều. Trong đó, chiều từ Việt Nam sang Nhật được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng ấn tượng, bởi thị trường vốn đang tốt từ những năm gần đây, nếu có thêm điều kiện để giảm giá vé thì lượng khách sẽ tăng mạnh. Chiều từ Nhật Bản đến cũng được mong chờ sẽ có một bước tiến mới.

Bà Tạ Thị Cẩm Vinh, Giám đốc phụ trách khối du lịch nước ngoài của Công ty Du lịch Bến Thành Tourist, cho biết hiện nay giá vé máy bay khứ hồi giữa Việt Nam-Nhật Bản khoảng 550-600 đô la Mỹ nên giá tour trọn gói đến Nhật Bản trong vòng một tuần thường vào khoảng 30-40 triệu đồng. Chỉ cần giá vé máy bay rẻ hơn để công ty du lịch có thể làm tour dưới 30 triệu đồng thì lượng khách sẽ tăng trưởng rất cao.

“Nhiều người rất muốn sang Nhật Bản du lịch nhưng đang lưỡng lự chỉ vì giá còn cao. Nếu giá tour về dưới 30 triệu đồng thì lượng khách sẽ tăng khoảng 30% so với hiện nay”, bà Cẩm Vinh nói. Theo bà, lượng khách mua tour đi Nhật tại công ty tăng khoảng 5-10% mỗi năm. Hiện công ty đang chờ Jetstar Pacific chào giá đoàn để tính giá tour mới.

Nhiều doanh nhân khác cũng nhận định tương tự, cho rằng nếu hàng không giá rẻ tham gia thị trường thì có thể lượng khách Việt Nam sang du lịch Nhật Bản sẽ tăng cao, tương tự như thị trường Đài Loan đã tăng đến 50%, thậm chí có công ty tăng gấp đôi sau khi các hãng hàng không giá rẻ tham gia thị trường, cùng một số biện pháp kích thích du lịch của Đài Loan như nới lỏng thủ tục làm thị thực. Vào năm ngoái, hãng hàng không giá rẻ Vanilla của Nhật cũng mở đường bay nối Việt Nam nhưng nhiều du khách không hào hứng lắm vì phải mất thời gian quá cảnh ở Đài Loan.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, Nhật Bản cũng nới lỏng thị thực, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch quảng cáo, mở văn phòng đại diện du lịch Nhật Bản tại Việt Nam để thực hiện các hoạt động tiếp thị nhằm kéo du khách Việt sang Nhật.

Theo Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO), thị trường tăng trưởng khá tốt. Chỉ trong vòng năm năm, 2012-2016, lượng khách đã tăng lên gấp bốn lần, đạt hơn 233.000 lượt vào năm ngoái. Trong nửa đầu năm nay, lượng khách Việt Nam đến Nhật cũng đã đạt gần 157.100 lượt, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, với chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng kỳ vọng thị trường sẽ có sự chuyển biến mới mẻ. Hiện tại, tuy Nhật Bản vẫn là nơi đem đến nguồn khách lớn cho du lịch Việt Nam nhưng trong những năm gần đây, thị trường đang tăng trưởng chậm lại. Khi tạo được giá bán rẻ hơn, doanh nghiệp sẽ có thể đa dạng sản phẩm và khai thác thêm một nguồn khách mới.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng giám đốc Công ty Du lịch JTB-TNT Co., LTD, cho biết đối tác của công ty tại Nhật Bản đang bán tour đến Việt Nam, đi trên các chuyến bay của Jetstar Pacific vào tháng 10-2017. Tour đi bằng hàng không giá rẻ thấp hơn khoảng 30% so với tour thông thường. “Chúng tôi mới bán được ba tuần, đã có khách mua tour nhưng cần khoảng 2-3 tháng mới có thể đánh giá thị trường. Tuy nhiên, nhận định chủ quan là chắc chắn sẽ tạo được sự tăng trưởng tốt”, ông nói.

Theo ông, thị trường Nhật Bản từ nhiều năm nay chưa có sự linh hoạt về giá. Trong khi đó, du khách lại có thể chọn nhiều mức giá cao, thấp khác nhau từ các điểm đến lân cận bởi những hàng hàng không giá rẻ lớn như AirAsia đã tham gia thị trường. Vì thế, hàng không giá rẻ sẽ góp phần mở ra một phân khúc mới, cho những người muốn cắt giảm chi tiêu hoặc những người có thu nhập thấp hơn vẫn có thể đi du lịch Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối