Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Huế cần làm đẹp chiếc áo, không cần thay áo mới!

Nhiều ý kiến cho rằng ngành du lịch Thừa Thiên Huế vẫn còn đó những tiềm năng đặc trưng để khôi phục, phát triển hậu Covid-19. Vì vậy, Huế cần làm lúc này là kể những câu chuyện hay, mới mẻ về những sản phẩm, dịch vụ của mình để thu hút du khách.

Du khách trong tour trải nghiệm mặc áo dài ngũ thân, đi xích lô, check-in các điểm du lịch nổi tiếng ở Huế. Ảnh: Hiếu Trương

Trong hai ngày qua, có khá nhiều ý kiến liên quan đến tour áo dài được tổ chức vào ngày 21-3, một trong những hoạt động bên lề, hưởng ứng Hội nghị “Phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trong trạng thái bình thường mới” diễn ra vào chiều 20-3-2021 tại khách sạn Silk Path Grand Huế, thành phố Huế.

Phần nhiều ý kiến cho rằng đây là sự đột phá trong tư duy làm du lịch của cố đô. Áo dài không còn được “cất trong tủ” và chỉ trình diễn trong các buổi lễ mà đã được đem ra ngoài phố, gắn liền với hoạt động du lịch. Một tour mặc áo dài (dành cho cả nam và nữ), dạo quanh các điểm lịch sử, văn hóa và nghệ thuật tại thành phố Huế bằng xích lô là một sản phẩm có thể phát triển rộng rãi.

Theo các chuyên gia tại hội nghị được tổ chức bởi Sở Du lịch Thừa Thiên Huế với sự đồng hành của tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Huế cần nhân rộng những mô hình kiểu này, kể những câu chuyện về điểm đến và liên kết với các địa phương và đối tác để khôi phục du lịch thành công.

Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du Ngoạn Việt, nêu quan điểm rằng phục hồi du lịch ở điểm đến cần chú ý trào lưu mới. “Check-in”, theo ông Anh, là trào lưu hiện rất nóng và thịnh hành. Các điểm đến muốn thu hút khách phải tạo dựng địa điểm và chủ điểm check-in.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia, cho biết để phát triển và có một năng lực cạnh tranh tốt thì có hai lựa chọn – phát triển hơn nữa điểm mạnh của mình trở nên điểm tuyệt vời và sửa chữa một số điểm yếu. Ông cũng đưa ra 16 vấn đề mà doanh nghiệp du lịch và chính quyền cần quan tâm nếu muốn “làm mới điểm đến trên nền cũ”, bao gồm đầu tư nội dung như xây dựng kho ảnh, bài viết, video và các ảnh 360 độ cho các trải nghiệm du lịch.

Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Vietravel, thì chia sẻ: “Để phát triển du lịch, việc liên kết tạo chuỗi sản phẩm là hệ quả tất yếu. Xây dựng chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm nhằm mục tiêu khai thác thế mạnh trong từng dịch vụ của đường tour”.

Ý kiến của ông Duy cũng tương tự như ý của ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, khi ông Khánh đề nghị Thừa Thiên Huế chủ động đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong cả nước, hình thành và triển khai liên minh kích cầu, quảng bá hình ảnh điểm đến. Trong đó liên kết Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam là ba địa phương nối liền, đã là một liên minh rất hiệu quả trong những năm qua với khẩu hiệu “3 địa phương - 1 điểm đến”. Bên cạnh đó, ông đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các địa phương, doanh nghiệp và các đối tác theo phương châm “Liên kết, hành động và phát triển” tích cực chuẩn bị phục hồi, phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Hội nghị du lịch do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp cùng KTSG Online thực hiện. Ảnh: Hiếu Trương

Có thể nói Hội nghị “Phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trong trạng thái bình thường mới” được tổ chức lần này đã đưa ra những giải pháp thúc đẩy, phục hồi ngành du lịch của địa phương trong trạng thái bình thường mới, từng bước đưa ngành du lịch tỉnh nhà trở lại bình thường khi dịch bệnh trong nước và quốc tế đang dần được kiểm soát và ổn định. Qua đây đã tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh cùng các cơ quan quản lý nhà nước trao đổi, đề xuất các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch; ý tưởng, giải pháp và định hướng phục hồi du lịch tỉnh trong trạng thái bình thường mới.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết những vấn đề mà các đại biểu, các doanh nghiệp nêu ra và góp ý tại Hội nghị sẽ được lãnh đạo tỉnh và ngành du lịch Thừa Thiên Huế tiếp thu, ghi nhận để có sự điều chỉnh hợp lý. Đồng thời yêu cầu ngành du lịch Thừa Thiên Huế phải chú ý làm mới sản phẩm, tăng cường liên kết, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch; nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ… “Bình minh trở lại cho du lịch Huế” - là chủ đề mà ông Thọ gợi mở và nêu lên cho ngành du lịch tỉnh nhà lưu ý trong thời gian tới. Với quan điểm “Huế luôn luôn mới”, ông muốn ngành du lịch phải làm mới chính mình để phát triển.

Nhân Tâm

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối