(SGTT) – Đến hẹn lại lên, mỗi độ Xuân về, hoa giấy Thanh Tiên lại xuất hiện khắp phố phường cố đô như lới nhắc nhớ về ngày Tết truyền thống tốt đẹp của người Việt.
- Nhìn lại 8 điểm đến ở Thừa Thiên Huế vào ‘Top 7 Ấn tượng Việt Nam’ qua các năm
- Huế sẽ có 1.000 xe đạp công cộng trong năm 2024
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên tại Thừa Thiên Huế đã có trong danh mục thống kê các nghề thủ công từ thế kỷ 16-19. Trải qua hơn 300 năm tồn tại, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên được người dân giữ gìn nghề truyền thống của ông cha mình.
Ngày nay, làng hoa giấy Thanh Tiên không chỉ là nơi cung cấp hoa giấy cho các gia đình dịp lễ, Tết mà còn là một điểm đến thú vị dành cho các bạn trẻ để tìm hiểu nghề truyền thống độc đáo cũng như “check-in” cùng hoa.
Cụ thể, từ đầu tháng Chạp là mùa cao điểm trong năm của người dân làng Thanh Tiên, nay là thôn Thanh Vinh, xã Phú Mậu, thành phố Huế. Với óc tưởng tượng phong phú và bàn tay khéo, họ đã mô phỏng các loại hoa có ở tự nhiên như hoa bìm bìm (loa kèn), hoa cúc đơn, hoa cúc kép, hoa mắm nêm, hoa tường vi, hoa quỳ hay hoa sen.
Hoa giấy nhìn bề ngoài đơn giản nhưng mang vẻ đẹp của tâm linh, nét đẹp riêng của văn hóa xứ Huế. Mỗi cành hoa bao giờ cũng có 8 hoa chính. Trong đó 3 cành hoa ở giữa tượng trưng cho Quân - Sư - Phụ cũng có thể là Thiên - Địa - Nhân hoặc Trung - Hiếu - Nghĩa.
Trong đó, luôn có một chiếc hoa màu vàng hoặc màu đỏ được làm to nhất tượng trưng cho Mặt Trời, đấng minh quân, còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín. Chính vì vậy, ngày Tết, người Huế thường mua hoa giấy Thanh Tiên đặt trên bàn thờ tổ tiên, hoa được cắm đối xứng hai bên bàn thờ, nhiều kiểu cách và màu sắc trông rất bắt mắt.
Trong những ngày cận Tết này, đến với làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, thành phố Huế, du khách có thể thấy không khí làm việc bận rộn của những người thợ và nghệ nhân nơi đây. Người dân rất dễ bắt gặp những bông hoa giấy rực rỡ sắc màu được bày bán ở chợ làng quê và nơi phố thị. Hoa giấy cùng khoe sắc, tô điểm thêm cho mùa Xuân xứ Huế.
Hoàng Lê