Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Huế nỗ lực giảm rác thải nhựa trong ngành du lịch

(SGTT) -  Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang đi những bước đi đầu tiên trong nỗ lực giảm rác thải nhựa tại hơn 1.000 cơ sở kinh doanh du lịch, bao gồm lữ hành, lưu trú và điểm du lịch.

Những hành động đầu tiên

Những mô hình du lịch giảm/tái chế rác thải nhựa và bảo vệ môi trường tại Huế. Ảnh: NVCC

An Nhiên Garden là nhà hàng thuần chay tại Huế đang phát triển mô hình ẩm thực du lịch bền vững, thân thiện với môi trường. Nhà hàng sử dụng 100% nguyên liệu địa phương để giảm phát thải carbon từ vận chuyển.

Nhà hàng này sử dụng túi và các công cụ, dụng cụ nhà hàng làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, cấp túi đi chợ cho nhân viên thu mua và huấn luyện, khuyến khích không mang túi nilon về nhà hàng, góp phần ngăn chặn đầu vào của rác khó xử lý. Với du khách, nhà hàng hướng dẫn khách sử dụng nguyên liệu hiệu quả, tránh lãng phí.

Một công ty khác, Công ty TNHH SBC Hoàng Gia, đơn vị sản xuất và kinh doanh các sản phẩm liên quan đến sản phẩm sâm bố chính, đã có sáng kiến thu hồi và tái nạp đầy trà thạch hoa sâm đóng chai cũng như xây dựng bản đồ các trạm năng lượng và tuần hoàn.

Theo thông tin từ công ty này, tính đến hết tháng 8-2024, đã có 2.068 chai nhựa được giảm do sử dụng chai thủy tinh thay thế, với sự tham gia của 13 đối tác. Trong số 2.014 sản phẩm trà thạch hoa sâm đóng chai thủy tinh được giao đến các đối tác và khách hàng thì có đến 1.878 chai thủy tinh được hoàn trả. Cho đến nay việc hoàn trả, tái sử dụng chai thủy tinh vẫn đang được triển khai liên tục.

An Nhiên Garden và SBC Hoàng Gia là hai trong số các doanh nghiệp chia sẻ về những hành động thực tế tại hội thảo “Sơ kết hoạt động triển khai lộ trình giảm thiểu Rác thải nhựa ngành Du lịch Thừa Thiên Huế 2023-2025” diễn ra ngày 25-9 tại thành phố Huế. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Huế – Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Sở Du lịch Thừa Thiên Huế và Văn phòng đại diện tổ chức Worldwide Fund For Nature (WWF) tại Việt Nam phối hợp thực hiện.

Theo thông tin tại sự kiện, lượng chất thải nhựa do du khách tạo ra ở các khu du lịch biển Việt Nam ước tính là khoảng 230.110 tấn/năm, chủ yếu là nhựa một lần. Trong đó, nguồn phát sinh rác thải nhựa du lịch tại Thừa Thiên Huế đến từ 893 cơ sở kinh doanh lưu trú với 14.229 phòng, 94 đơn vị lữ hành và 30 các điểm/khu du lịch.

Hướng đến hệ sinh thái du lịch xanh

Để giảm thiểu tình trạng rác thải nhựa dùng một lần, từ năm 2023 ngành du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp với WWF và tổ chức khác thực hiện nhiều chương trình liên quan. Cho đến nay, có 41 doanh nghiệp/đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch ký cam kết tham gia dự án.

Các doanh nghiệp cam kết tham gia giảm rác thải nhựa tại hội thảo diễn ra ngày 25-9 tại thành phố Huế. Ảnh: Hoàng Hải

Trong một khảo sát mới nhất của dự án với sự tham gia của 32 doanh nghiệp, 97% doanh nghiệp xác định việc giảm rác thải nhựa một lần là rất quan trọng. Các biện pháp chủ yếu mà doanh nghiệp sử dụng để giảm rác thải nhựa một lần là tuyên truyền nâng cao nhận thức, phân loại và thu gom rác thải nhựa phù hợp với mục tiêu tái chế, từ chối hoặc giảm sử dụng các sản phẩm nhựa đóng gói dùng một lần.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp du lịch tham gia thực hành giảm rác thải nhựa còn ít do nhiều yếu tố. Trong đó, chi phí cho các sản phẩm/dịch vụ thay thế lớn, thiếu chính sách hỗ trợ, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ gom và tái chế rác thải nhựa dùng một lần chưa đồng bộ hay khó tìm nguồn sản phẩm thay thế cũng khiến nhiều doanh nghiệp chưa tích cực tham gia.

“Tuy kết quả của dự án này còn ở mức khiêm tốn nhưng bước đầu cho thấy một số tín hiệu lạc quan trong việc lan tỏa thông điệp hành động thực tế trong giảm rác thải nhựa nói riêng cũng như hướng đến du lịch xanh nói chung”, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thiên Huế nói.

Trong chuyến khảo sát sản phẩm/dịch vụ du lịch kéo dài 3 ngày tại tỉnh Thừa Thiên Huế vào tuần trước, hơn 70 đại biểu đến từ nhiều doanh nghiệp du lịch trong cả nước đã được tặng mỗi người một bình nước cá nhân để sử dụng trong suốt chuyến đi. Trong hành trình, các thành viên trong Hội Lữ hành Thừa Thiên Huế luôn truyền tải các thông điệp bảo vệ môi trường, không hoặc hạn chế sử dụng bao nylon hoặc các vật dụng nhựa dùng một lần.

Những hành động như thế này đang được những người làm du lịch tại Huế đẩy mạnh để giảm rác thải nhựa, giúp bảo vệ môi trường và mục tiêu phát triển bền vững của du lịch nhằm nâng cao sức cạnh tranh của điểm đến.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối