CHÁNH TÀI -
Sử dụng thực phẩm nguyên chất, không có chất bảo quản, không biến đổi gen và được canh tác bằng phương pháp hữu cơ là xu hướng nổi bật ở Mỹ trong năm 2015 và được dự báo sẽ thịnh hành hơn trong năm nay.
Biên tập viên mảng thực phẩm Reynard Loki của trang tin Alternet.org ghi nhận một số biểu hiện trong ăn uống của người dân Mỹ cho thấy họ đang hướng đến một chế độ ăn lành mạnh và hợp lý.
Thực phẩm địa phương
Người Mỹ đang có trào lưu ăn thực phẩm có nguồn gốc tại địa phương. Ảnh minh họa: National Garden Month
Trào lưu sử dụng thực phẩm có nguồn gốc tại địa phương (locavorism) bắt nguồn ở thành phố San Francisco, bang California vào năm 2005 và đến nay đã phổ biến ra nhiều nơi trên thế giới. Sử dụng thực phẩm có nguồn gốc địa phương ám chỉ đến những thực phẩm được sản xuất trong bán kính 160 km từ nơi người tiêu dùng sống. Ăn thực phẩm địa phương được xem là lành mạnh hơn vì thực phẩm sẽ tươi hơn và không cần các chất bảo quản.
Trào lưu sử dụng thực phẩm địa phương cũng tốt cho môi trường vì chúng không phải trải qua một hành trình quá xa để đến tay người dùng nên hoạt động vận chuyển thực phẩm sẽ tiêu hao ít nhiên liệu hơn, giúp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Làn sóng tẩy chay hoặc tranh cãi về thực phẩm biến đổi gen cũng có thể giúp thúc đẩy trào lưu sử dụng thực phẩm địa phương.
“Tranh cãi về sinh vật biến đổi gen (GMO) sẽ khiến người tiêu dùng quan tâm hơn đến các thực phẩm hữu cơ được sản xuất tại địa phương hơn bao giờ hết”, Aaron von Frank, quản lý Câu lạc bộ Cung cấp hạt giống hữu cơ GrowJourney (Mỹ), nhận định.
Ngoài ra, một khía cạnh quan trọng của trào lưu sử dụng thực phẩm địa phương là ăn theo mùa như cách truyền thống của tổ tiên loài người, chẳng hạn mùa của loại rau nào thì ăn loại rau đó. “Ăn theo mùa tức là tận hưởng cảm giác thích thú khi được sống trong hiện tại và thưởng thức điều gì đó tươi mới”, theo Sarah Elton, tác giả của cuốn sách: Những người ăn thực phẩm địa phương: Từ cánh đồng của người nông dân cho đến các vườn rau trên mái nhà, người Canada đang thay đổi cách chúng ta ăn uống như thế nào?
“Khi tôi không ăn măng tây trong suốt 10 tháng và cảm giác khi lần đầu tiên thưởng thức măng tây vào mùa xuân thật ngây ngất”, Sarah Elton cho biết.
Nguyên chất, không qua chế biến
Dù các hãng thực phẩm lớn đang nỗ lực thu hút khách hàng bằng các chủng loại thực phẩm chế biến đa dạng, người tiêu dùng Mỹ vẫn tìm kiếm xu hướng ngược lại: tiêu thụ những thực phẩm nguyên chất và chưa qua chế biến như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt. Mối quan tâm ngày càng lớn đối với tính lành mạnh của thực phẩm có liên quan đến xu hướng ghét đường. Một cuộc khảo sát gần đây của hãng Gallup cho thấy 44% người Mỹ giờ đây đã đưa thực phẩm hữu cơ vào khẩu phần ăn của họ và gần 50% tránh ăn đường. Thực phẩm hữu cơ được sản xuất bằng phương thức canh tác hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, các hóa chất bảo vệ thực vật độc hại, các chất kích thích tăng trưởng.
Ngoài ra, 70% người Mỹ cũng đang tìm đến các loại hạt như ngũ cốc, gạo, trong khi đó, 60% tránh soda. Một tỷ lệ ấn tượng khác là có đến 9/10 người Mỹ đưa rau quả vào chế độ ăn của họ.
Theo một cuộc khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen vào năm ngoái đối với 30.000 người, 88% sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các thực phẩm lành mạnh.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, doanh thu toàn cầu của thực phẩm lành mạnh, có lợi cho sức khỏe ước tính sẽ đạt 1.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2017.
Chuyên gia phân tích ngành công nghiệp đồ uống và thực phẩm Darren Seifer ở Công ty Nghiên cứu thị trường NPD Group, có trụ sở ở New York, cho biết xu hướng người tiêu dùng Mỹ đối với thực phẩm trong năm nay chỉ gói gọn trong một từ “không”: “Không chất bảo quản, không chất phụ gia, không chất hormone tăng trưởng”.
Nhà nghiên cứu thị trường James Russo ở Nielsen ghi nhận các lo ngại về ảnh hưởng của thực phẩm đối với sức khỏe sẽ tiếp tục tăng lên.
Gian hàng rau quả tại một siêu thị thuộc tập đoàn chuỗi siêu thị Whole Foods Market ở thành phố Berkeley, bang California. Tập đoàn Whole Foods Market chuyên kinh doanh thực phẩm hữu cơ.
Ăn nhiều thực vật
Diễn đàn Thực phẩm toàn cầu (Mỹ), chuyên tổ chức các hội nghị thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm dinh dưỡng trên toàn cầu, cho biết năm 2016 sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của những người theo trào lưu ăn rau.
Theo các chuyên gia về thực phẩm nguyên hạt, thực vật nguyên chất đang đóng một vai trò có ý nghĩa hơn trong nhiều sản phẩm, không chỉ dành cho những người ăn chay tuyệt đối mà bao gồm những người ăn chay theo các trường phái khác nhau (chẳng hạn ăn chay có trứng/sữa hoặc cả hai).
Xu hướng này phù hợp với khuyến nghị vào năm ngoái của Ủy ban Tư vấn hướng dẫn chế độ ăn liên bang Mỹ nói rằng người Mỹ nên ăn ít thịt.
“Giá thịt cao, nỗi bất an về hormone tăng trưởng có trong thịt, các lo ngại về sức khỏe và nỗi sợ ung thư do ăn nhiều thịt đã qua chế biến khiến các nhà hàng chuyên phục vụ các món rau trở thành nơi đắt khách”, chuyên gia ẩm thực người Mỹ Gillie Houston cho biết.
Năm ngoái, Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo ăn nhiều thịt đã qua chế biến như thịt xông khói, xúc xích, giăm bông có thể dẫn đến bệnh ung thư.
Trong bộ phim tài liệu về thực phẩm In Defense of Food, giáo sư, nhà báo, nhà hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm nguyên chất người Mỹ Michael Pollan đã cung cấp một giải pháp đơn giản cho cuộc khủng hoảng sức khỏe do ăn uống ở Mỹ, khiến 7/10 người trưởng thành ở nước này bị quá cân hoặc béo phì. Ông khuyến nghị: “Ăn thực phẩm không quá nhiều và chủ yếu là thực vật”.