Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Hướng đến tăng năng suất lao động trên 6,5% mỗi năm

(SGTT) - Theo nghị quyết quy định chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 vừa được ban hành, cả nước đặt mục tiêu có tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm. Một số giải pháp đưa ra để đạt mục tiêu trên như tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động; phát triển thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo…
Một trong những giải pháp để tăng năng suất lao động là lựa chọn một số lĩnh vực, một số địa phương thực hiện thí điểm chương trình tăng năng suất lao động, từ đó mở rộng ra cả nền kinh tế. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định số 1305 quy định chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát là đến năm 2030, năng suất lao động trở thành động lực cho phát triển bền vững. Trong đó, những trụ cột chính là phát triển chất lượng kinh tế thị trường, nguồn nhân lực, liên kết vùng và phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Cả nước đặt mục tiêu có tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm. Trong đó, tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5-7%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7-7,5%/năm, tăng năng suất lao động bình quân khu vực dịch vụ đạt 7-7,5%/năm. Ngoài ra, các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc trung ương sẽ có tốc độ tăng năng suất lao động cao hơn so với trung bình cả nước trong giai đoạn 2023-2030.

Những giải pháp chủ yếu là lựa chọn một số lĩnh vực, một số địa phương thực hiện thí điểm chương trình tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế; nghiên cứu, đề xuất việc thành lập Ủy ban năng suất quốc gia trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo phù hợp với điều kiện của đất nước; tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động; đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động về các yêu cầu, rào cản đối với cải thiện năng suất lao động và kiến nghị các giải pháp phù hợp…

Những nhiệm vụ khác nữa là phát triển việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như lồng ghép giải pháp tăng năng suất lao động vào các chính sách xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; phát triển thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp; xây dựng và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo phù hợp cho từng giai đoạn phát triển; tận dụng ưu thế của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.

Kinh phí thực hiện được đảm bảo từ các nguồn gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, tài trợ quốc tế và nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Trúc Đào 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối