Thứ ba, Tháng Một 7, 2025

Hút chì thải độc, quảng cáo là chính

NHẬT LINH - 

Khá nhiều spa, thẩm mỹ viện tại TPHCM đang giới thiệu tới người tiêu dùng phương pháp hút chì thải độc với tác dụng hút sạch chì có sâu trong da, giúp da trắng mịn, hồng hào, đẩy lùi các vấn đề về da như sạm nám, mụn, nếp nhăn, trẻ hóa da... Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ, cần xem lại tác dụng thực sự của phương pháp này.

Như chăm sóc da thông thường

hut-chi-thai-docQuảng cáo hút chì thải độc tại một spa.

Chị Quỳnh Thi ở quận Phú Nhuận, TPHCM tình cờ đọc được những dòng quảng cáo trên Facebook về công nghệ hút chì thải độc da mặt của một spa ở quận 1. Qua phân tích của họ, chị thấy có lý về việc da mặt dễ nhiễm chì khi thường xuyên trang điểm, sống trong môi trường ô nhiễm khói bụi, và đã đến đây thực hiện quy trình hút chì thải độc được ba lần.

Tuy nhiên, hiện chị Thi không áp dụng nữa vì thấy cũng không có gì khác biệt so với quy trình chăm sóc da thông thường. “Về giá cả tôi không có gì phàn nàn, vì một quy trình chăm sóc da thông thường, tẩy tế bào chết, massage cho da khỏe cũng ở mức giá từ 120.000 đồng đến 700.000 đồng. Có điều tôi thấy việc quảng cáo hút sạch lớp chì có sâu trong da, đẩy lùi các vấn đề về da như sạm nám, mụn, nếp nhăn, trẻ hóa da… là thổi phồng công dụng”, chị Thi nói.

Chị Lan Anh ở quận 7, người đã trải nghiệm dịch vụ này ở bốn spa, thẩm mỹ viện cũng có nhận xét tương tự chị Thi. “Khi tôi yêu cầu xác định giúp tôi tình trạng nhiễm chì thì họ chỉ nhìn sơ qua rồi bảo da tôi nám như này, sạm thế kia, chắc chắn là đã nhiễm chì”, chị Lan Anh kể thêm.

Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, hiện có khá nhiều spa, thẩm mỹ viện tại TPHCM đưa ra gói dịch vụ hút chì thải độc bằng công nghệ chuyên sâu (sử dụng máy công nghệ cao năng lượng siêu âm hội tụ, chạy máy siêu âm…), hoặc bằng biện pháp Đông y gia truyền, hay đơn giản là đắp mặt nạ thải độc chì. Ngoài hút chì thải độc, có nơi còn giới thiệu dịch vụ hút thủy ngân thải độc.

Tại các địa điểm này, khi được hỏi về biện pháp nào hay máy móc nào phân tích tình trạng, mức độ nhiễm độc chì trên da mặt thì nhân viên đều cho biết sự đánh giá chỉ dựa vào kinh nghiệm của bác sĩ. Đồng thời, theo các nhân viên, bất kỳ người nào hiện nay cũng đều ít nhiều nhiễm độc chì hay thủy ngân, vì vậy hút chì thải độc là vô cùng cần thiết, nếu để lâu sẽ xảy ra tình trạng da càng ngày càng thâm nám, xỉn màu…

Ngoài các spa, thẩm mỹ viện giới thiệu dịch vụ trên, hiện nay trên các trang web, Facebook bán hàng cũng quảng cáo các sản phẩm mặt nạ có than hoạt tính, các loại thuốc đắp mặt do công ty tại Việt Nam sản xuất để người tiêu dùng sử dụng hút độc thải chì ngay tại nhà.

Natural-Skin-Care-Recipes-For-Aging-Skin-600x345

Nguy cơ da bị bào mòn, sần sùi

TS.BS. Lê Thái Vân Thanh, chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, cho biết một làn da lành mạnh, tức không bị tổn thương, không phải là nơi hấp thu cũng như chứa chì để từ đó có thể làm các dịch vụ hút, tẩy, thải độc chì. Các quảng cáo sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại, sản phẩm than hoạt tính… hút chì, thải độc không có cơ sở khoa học, thực chất chỉ là chiêu trò tiếp thị.

Cũng theo BS. Thanh, thực tế chì tồn tại ở mọi nguồn: trong không khí, đất, vật dụng, sơn, dầu, xăng... Chúng có thể thâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, đường tiêu hóa. Chì đi vào cơ thể, qua gan, hấp thu vào trong máu, từ máu mới đưa vào và tích tụ tại các cơ quan nội tạng, gây ra tình trạng ngộ độc chì nếu hàm lượng vượt quá ngưỡng thông thường. Chì cũng có thể thâm nhập vào cơ thể qua các vùng da bị tổn thương (tức vùng da bị rách, nứt do bệnh lý), nhưng mức độ thâm nhập qua đường này là rất ít.

Tuy nhiên, việc định lượng nồng độ chì trong máu hay tình trạng ngộ độc chì ở nội tạng cần thực hiện những xét nghiệm chuyên sâu. Và việc tẩy độc chì cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Lượng chì sẽ bài xuất qua đường tiết niệu, qua tuyến bã nhờn của da…

BS. Thanh cho rằng quy trình được quảng cáo như chạy máy công nghệ cao năng lượng siêu âm hội tụ hay sử dụng các động tác massage/các đầu siêu mài mòn kết hợp với các sản phẩm hóa học để tác động lên da sẽ khiến lớp sừng trên da bong đi, tạo độ mịn, láng, sáng nhất định ban đầu, khiến người tiêu dùng tưởng có tác dụng thực sự, tưởng là đẹp. Nhưng không biết được rằng quy trình đó khiến da bị bào mòn, bị mỏng, lớp tế bào chưa trưởng thành dưới da liên tục bị đẩy lên trên bề mặt, phải chống chọi, phản ứng với tác nhân từ môi trường sẽ mau chết hơn, xỉn màu nhanh hơn, thậm chí sẽ bị nám, sần sùi.

Theo TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Tạo hình-Thẩm mỹ của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, việc nhiễm độc chì có thể qua môi trường (khói, bụi) hoặc các mỹ phẩm có chì (hiện nay chì không còn được sử dụng trong hầu hết các mỹ phẩm có kiểm soát), nhưng việc nhiễm độc này thuộc nhóm nguy cơ thấp. Việc chẩn đoán, điều trị ngộ độc chì cần phải có nhiều bước và cần phải có sự tư vấn, kiểm soát điều trị của bác sĩ.

BS. Tuấn cho biết, hiện tại chưa có bằng chứng, bài báo khoa học nào nói về các loại máy hút chì khỏi da mặt nói riêng và bề mặt da thông thường nói chung. Loại máy được các thẩm mỹ viện quảng cáo có thể là loại máy dùng sóng siêu âm có tác dụng tạo nhiệt vào vùng mô, cân sâu dưới da, kích thích tạo collagen có tác dụng căng da. Cũng chưa thấy nói đến công nghệ “hút chì ra khỏi da”. Việc quảng cáo hút chì thải độc bằng máy công nghệ cao năng lượng siêu âm hội tụ nghe có vẻ rất “mù mờ”.

“Với các sản phẩm được giới thiệu là hút chì thải độc, mặt nạ than hoạt tính… người tiêu dùng phải thật cẩn trọng, chỉ nên sử dụng các loại sản phẩm đã qua kiểm định của cơ quan chức năng vì các chất đi kèm (tá dược, chất bảo quản…) cũng có khả năng gây hại cho da và sức khỏe”, BS. Tuấn nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối