Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Hút du khách tàu biển từ Trung Quốc

MINH DUY -

Khách Trung Quốc đến bằng tàu du lịch đã không còn lạ với Việt Nam nhưng điểm mới là các hãng tàu nước ngoài đã mạnh tay đầu tư cho thị trường này. Phần lớn những kế hoạch tăng chuyến hay mở rộng đầu tư tại Việt Nam đều là để kéo khách Trung Quốc sang.

200 chuyến tàu mỗi năm

Mới đây, đại diện của Star Cruises – một trong những hãng tàu du lịch lớn của thế giới – đã gặp đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng lãnh đạo của hai điểm đến mà hãng định tăng chuyến là tỉnh Quảng Ninh và thành phố Đà Nẵng nhằm tìm kiếm một số hỗ trợ để thực hiện kế hoạch kinh doanh mới.

Star Cruises dự kiến năm sau sẽ đưa hai tàu SuperStar Libra và SuperStar Virgo, mỗi tàu có sức chứa hàng ngàn du khách liên tục chở khách đến Việt Nam để tăng số chuyến tàu lên hơn 200 chuyến, gấp bốn lần so với năm nay và sẽ còn nhiều hơn nữa trong năm 2017. Đây là kế hoạch lớn nhất của Star Cruises với thị trường Việt Nam trong vòng 20 năm qua. Dự kiến, khách du lịch Hồng Kông, Trung Quốc – một thị trường tàu biển khổng lồ mà rất nhiều hãng tàu du lịch đang nhắm đến – là lượng khách chính giúp những chuyến tàu này đầy khách.

Tàu Voyager of the Seas đưa hơn 4.800 du khách và thuyền viên cập cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên-Huế vào tháng 8-2015. Ảnh: Duy Vũ
Tàu Voyager of the Seas đưa hơn 4.800 du khách và thuyền viên cập cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên-Huế vào tháng 8-2015. Ảnh: Duy Vũ

Theo số liệu từ Hiệp hội Tàu du lịch biển và du thuyền Trung Quốc, trong số 1,72 triệu chuyến du lịch bằng tàu biển được thực hiện tại Trung Quốc vào năm ngoái, có đến 1,48 triệu chuyến là của người bản xứ khởi hành từ các cảng của nước này, tăng 44,3% so với năm 2013. Số còn lại là khách du lịch nước ngoài, bắt đầu các chuyến đi từ các cảng bên ngoài.

Dự kiến, số lượng người Trung Quốc đi du lịch bằng tàu biển sẽ vẫn còn tiếp tục tăng trưởng. Do đó, nhiều hãng tàu lớn của nước ngoài như Carnival Corporation hay Royal Caribbean… đang tăng cường sự hiện diện, đem tàu đến để khai thác thị trường lớn này. Trong dòng chảy đó, Việt Nam với một số nơi ở miền Trung cùng Quảng Ninh được hưởng lợi bởi gần Trung Quốc và có nhiều điểm tham quan hấp dẫn cho khách du lịch. “Nhờ vị trí đi lại thuận lợi mà hãng tàu nước ngoài quyết định chọn một vài cảng tại địa phương làm cơ sở để chở khách qua lại giữa Việt Nam và thị trường Trung Quốc rất lớn bên cạnh”, ông Vũ Duy Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist nói.

Trên thực tế, các hãng tàu nước ngoài không chỉ tăng cường sự hiện diện mà còn đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam để đón luồng khách này. Hồi đầu tháng 8-2015, lần đầu tiên, tàu du lịch cỡ lớn với sức chứa lên đến 4.800 du khách và thuyền viên đã cập cảng Chân Mây ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhờ vào sự hợp tác đầu tư của hãng tàu Royal Caribbean (Mỹ) với tỉnh này để nâng cấp, kéo dài cầu cảng nhằm đón tàu lớn. Hãng Royal Caribbean cho biết sẽ đưa những chiếc tàu lớn đến Chân Mây và miền Trung cũng như sẽ đầu tư khoảng 5 triệu đô la để nâng cấp vài cảng ở khu vực này.

Trong lần đến Việt Nam hồi tháng 6-2015, ông John Tercek, Phó chủ tịch Tập đoàn Royal Caribbean cũng đề nghị việc phát triển nguồn khách Trung Quốc và cho biết đang hợp tác với Hội đồng du lịch Hồng Kông để xây dựng các chương trình quảng bá xúc tiến điểm đến Việt Nam với thị trường khách nói tiếng Hoa.

Trong vài tháng trở lại đây, thay vì khách Mỹ và châu Âu, lượng khách Trung Quốc trên các chuyến tàu của Royal Caribbean đến Việt Nam chiếm khoảng 65-70%, cá biệt có chuyến lên đến 90% như chuyến tàu Voyager of the Seas cập bến hồi 20-9 vừa rồi.

Muốn mở cửa casino trên tàu

Để chuẩn bị cho kế hoạch phát triển thị trường, những người đứng đầu của hai hãng Star Cruises và Royal Caribbean đã đến Việt Nam làm việc với các quan chức địa phương cùng các cơ quan quản lý du lịch gồm Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Điểm chung của các cuộc gặp này là đối tác nước ngoài đề nghị được hỗ trợ để kêu gọi Chính phủ cho phép mở cửa tất cả các dịch vụ trên tàu để phục vụ khách tham quan.

Hiện nay, khi cập cảng ở Việt Nam, những khu mua sắm, khu casino bị buộc phải đóng cửa. Trong khi đó, yêu cầu sử dụng các dịch vụ này là rất lớn vì vẫn còn nhiều người không xuống đất liền đi tham quan mà ở lại trên tàu nên cần nhiều dịch vụ để giải trí. Với những người rời tàu, có người chỉ đi vài giờ rồi quay lại, nên cũng cần sử dụng dịch vụ. Việc tàu phải tạm đóng những khu dịch vụ này khi vào lãnh thổ Việt Nam sẽ làm khách chán. “Sản phẩm du lịch tàu biển phải bao gồm cả dịch vụ trên tàu lẫn điểm đến cho nên nếu cấm một phần thì sản phẩm sẽ không trọn vẹn”, ông Vũ của Saigontourist nói.

Mặt khác, một điều quan trọng với các hãng tàu là việc đóng cửa khu casino hay khu mua sắm sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của hãng, đặc biệt là những hãng đón khách Trung Quốc vì du khách rất thích dịch vụ này. Theo doanh nghiệp trong ngành, để phát triển du lịch tàu biển và kéo được luồng khách từ thị trường lớn này thì du lịch cần có sự hỗ trợ để tháo gỡ những khó khăn nói trên.

Cũng theo một số doanh nghiệp đón tàu, việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Hoa, là vấn đề cấp thiết để thu hút du khách tàu biển từ Trung Quốc. Hiện nay, mỗi khi có chuyến tàu lớn cập cảng, các công ty du lịch tìm hướng dẫn viên khá khó khăn, thậm chí phải chấp nhận cả những hướng dẫn viên không đủ chuẩn để phục vụ khách. Nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ khó có thể đảm bảo tốt dịch vụ khi lượng khách đến nhiều hơn trong tương lai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối