Minh Duy-
Mặc dù mới chỉ phát triển loại hình du lịch cộng đồng được khoảng hai năm nay, nhưng Cồn Sơn tại thành phố Cần Thơ đã trở thành một điểm đến quen thuộc với du khách. Người dân nơi đây chính là chủ thể tạo nên sự hấp dẫn cho điểm đến này.
Có gì ở Cồn Sơn?
Cồn Sơn cách bến Ninh Kiều khoảng 6 km đường sông, thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Theo thông tin từ Ban điều hành du lịch Cồn Sơn, khu này có tổng diện tích phần nổi là 74 ha, nằm giữa dòng sông Hậu. Đến đây, du khách sẽ được tham quan làng cá bè, vườn trái cây, vườn cò, trải nghiệm làm bánh dân gian, chèo ghe, tát mương bắt cá, vào bếp cùng người dân để trải nghiệm những món ăn dân dã của người dân địa phương.
Cá lóc bay, một trong những tuyệt chiêu của những nhà vườn làm du lịch ở Cồn Sơn. Ảnh: Minh Duy
Hiện có khoảng 12/79 hộ dân trên Cồn Sơn làm du lịch, nhưng trong một chương trình tour, khách du lịch thường không đến tất cả 12 hộ dân này mà chỉ đến vài nơi như xem làm bánh, xem cá nhảy, vườn bưởi, chèo ghe... rồi đi bộ dọc các con đường quê để phần nào trải nghiệm cuộc sống của người dân.
Mỗi điểm tham quan, du khách sẽ trả phí 15.000 đồng. Nhà vườn trồng loại cây nào, làm bánh loại gì thì sẽ đem một ít ra đãi khách miễn phí để làm quen, còn nếu muốn thưởng thức bánh cùng các món ăn khác thì phải trả thêm tiền và nên đặt trước để gia chủ chuẩn bị. Du khách cũng có thể mua trái cây mang về với giá cả phải chăng. Bưởi năm roi giá 25.000 đồng/kg, đu đủ chừng 10.000-12.000 đồng/kg, nhãn xuồng 50.000 đồng/kg, bưởi da xanh 50.000 đồng/kg, cá thác lác và cá lóc câu nguyên con 100.000 đồng/kg... Du khách không cần phải xách từng giỏ quà nặng trong suốt hành trình bởi chỉ cần nói thứ muốn mua là chủ nhà sẽ chuẩn bị rồi đưa ra bến đò khi kết thúc tour.
Trong các điểm du lịch, có lẽ điểm dừng chân Tín- Hòa là có tiếng tăm nhất bởi “tuyệt chiêu” cá lóc bay! Mỗi lần biểu diễn cho du khách xem, gia chủ rải thức ăn lên cao cho cả đàn cá lóc cùng nhảy cao hơn mặt nước đớp mồi. Chủ vườn cho biết phải tốn rất nhiều mồi mới có thể luyện cá nhảy cao, có thể cao hơn mặt nước cỡ 40 cm để đớp mồi. Những ngày cuối tuần đông khách, mỗi đàn cá có thể biểu diễn tối đa 20 lần cho khách xem, không thể nhiều hơn vì cá no sẽ không muốn nhảy lên lấy thức ăn.
“Tui phải luyện cá bay xoay vòng, khi lứa cá lớn chuẩn bị xuất ao thì phải luyện lứa cá nhỏ ở ao khác để kế thừa, chứ đã nói có tuyệt chiêu luyện cá lóc bay mà đến cá bán hết trơn thì khách chửi tui chết”, vị này nói.
Một điều thú vị là Cồn Sơn không dành cho những người không thích đi bộ vì tất cả các con đường ở đây đều nhỏ, một số nơi mới được tráng bê tông còn lại là đường đất nên xe máy cũng khó đi. Khách du lịch sẽ đi bộ suốt hành trình, len lỏi hết nhà vườn này đến ao cá khác. Mùa này là thời điểm tốt để đi Cồn Sơn bởi là mùa trái cây, từ bưởi, ổi, mít, đu đủ... đều trĩu cành nhìn đã mắt.
Nét duyên miệt vườn
Nhiều nhà vườn cho biết dân Cồn Sơn làm du lịch “kiểu khác”, đó là không quá chỉn chu về dịch vụ nhưng giữ được khách nhờ nét duyên của người miệt vườn. Người dân muốn kiếm thêm thu nhập nhưng không phải có gì cũng đem bán hết để thu tiền. Chính vì vậy, đã có một số đơn vị gợi ý xây thêm nhà ở để đón khách du lịch nhưng người dân sợ phá vỡ không gian, cảnh quan nên không làm. Với hướng dẫn viên du lịch cũng vậy, không phải người nào cũng có thể đưa khách đến nhà vườn Cồn Sơn mà phải được sự chấp thuận của người dân.
“Có chừng ba cô hướng dẫn là con của chủ vườn và vài hướng dẫn viên chuyên nghiệp khác, được bà con đồng ý mới được hướng dẫn khách ở Cồn Sơn. Lấy lòng các nhà vườn này không dễ, phải thật thà, thiệt lòng thì bà con mới chịu”, một hướng dẫn viên tự do tên Út nói khi đang dẫn đoàn khách đi dạo quanh Cồn Sơn.
Kể về chuyện làm du lịch, một số nhà vườn cho biết, Phòng Văn hóa Thông tin quận Bình Thủy kêu gọi tham gia rồi hướng dẫn cách làm, cách làm đẹp thêm cho vườn tược, xây nhà vệ sinh... để đón khách du lịch. Nhà vườn muốn làm du lịch cộng đồng phải đăng ký sản phẩm với phòng này để lên danh sách giới thiệu cho các công ty lữ hành. Tuy nhiên, không phải ai cũng “nô nức” đăng ký mà rất nhiều trường hợp phải thuyết phục, thậm chí lãnh đạo thành phố đến nói chuyện thì người dân mới dám làm.
“Ông phó chủ tịch quận Bình Thủy xuống nhà nói tôi có nghề làm bánh, có khu vườn đẹp nên có thể làm du lịch nhưng tôi đâu dám làm, hồi nào đến giờ chỉ quen làm vườn. Sau khi ổng về thì ông phó chủ tịch thành phố xuống nói chuyện với tôi, dẫn giải rõ ràng tôi mới dám”, bà Phan Kim Ngân hay còn gọi là bà Bảy Muông nói.
Bà kể mới làm du lịch cộng đồng chưa tròn một năm nhưng khách đến khá đông, có ngày có khoảng 6-7 đoàn ghé thăm vườn, ăn bánh dân gian. Một ngày trước khi khách đến, công ty du lịch sẽ báo trước để bà xay bột.
Bà Bảy Muông xay bột bằng cối đá, không dùng máy móc và phụ gia để làm bánh nên thường khách khen món tiệc buffet bánh bảy món của bà là ngon và ấn tượng nhất. “Từ hồi làm du lịch tôi cũng không phải hái nhãn đem đi bán nữa vì khách đến thăm rồi mua hết. Ông xã tui cũng ở nhà phụ. Mỗi tháng thu nhập từ du lịch được cỡ 10 triệu đồng. Ở đây 10 triệu đồng/tháng là giàu rồi vì đâu phải mua gì”, bà Bảy Muông cười nói.
Chị Hiền, chủ của vườn bưởi rộng 15.000 m2 cũng cho biết thu nhập từ du lịch đủ giúp chị lo cho hai đứa con đi học nội trú bên kia sông. Cái cách nhà vườn này làm du lịch cũng thú vị. Chỉ có chị Hiền là phụ trách việc làm vườn, tiếp khách còn những người khác trong nhà vẫn giữ nếp sinh hoạt hàng ngày. Chiều thứ Bảy, khi có đoàn khách du lịch đến chơi, nhóm đàn ông trong nhà vẫn rủ hàng xóm bày bàn nhậu trước sân. Bên hiên nhà, những đứa trẻ tiếp tục chơi những trò chơi dân gian còn hai cụ già thì ngồi hút thuốc, ăn bánh thong thả như nhịp sống hàng ngày.
Khi khách chỉ cây nhãn xuồng trĩu quả hỏi mua, chị Hiền vui vẻ: “Hai cây nhãn này ngon lắm, để em hái cho chị một chùm ăn thử nhưng em không bán đâu vì mai nhà ông anh em có đám. Em để dành cho ổng”. Chính cái kiểu mộc mạc, chân chất này đã kéo thêm nhiều du khách đến với Cồn Sơn.