Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Hy vọng trên chiếc lá non

Gia đình bạn tôi sống trong căn hộ chung cư trên tầng chín tại một quận không xa khu trung tâm Sài Gòn. Buổi sáng đầu tiên của đợt cách ly toàn thành phố thứ Sáu tuần này, anh không đến sở làm như thường lệ do cơ quan tuân thủ quy định làm việc ở nhà. Nhưng chưa đến năm giờ rưỡi sáng, anh vẫn bị đánh thức bởi tiếng động khác thường: tiếng chim hót rất to từ ban công nhà. Bạn tôi nói anh không bực mình khi bị phá giấc ngủ mà lại thấy vui.
Một tháng sau giãn cách toàn thành phố, dù chỉ ở mức độ tương đối, tiếng chim hót trở lại đầy bất ngờ. Ảnh minh họa: Shutterstock

Sống ở đó đã xấp xỉ mười năm, anh thấy một hiện tượng làm anh phải suy nghĩ. Gần mười năm trước, tiếng chim hót, thậm chí chim vào nhảy chân sáo trên ban công nhà anh, không hiếm. Ngày nghỉ cuối tuần, anh thích thú ngắm mấy chú chim đậu vắt vẻo trên lan can, thi thoảng cất tiếng hót lãnh lót. Cũng có lúc, vài con tinh nghịch thản nhiên… "xả thải". Thế là, trong khi anh làu bàu trách chúng, vợ anh nhẫn nại lau đi, bảo anh, kệ nó, nghe hót là vui rồi. Có lần anh thấy một con bướm vào thăm phòng khách. Ối chà, bướm này bay cao dữ, anh nói.

Tuy nhiên, dần dà tiếng chim thưa dần. Bọn chim rất ít khi ghé thăm, bọn bướm thì bặt tin. Bạn tôi lại mong chúng đến. Kệ, “xả thải” cũng được, ghé thăm tôi đi! Không biết có đúng không, nhưng anh nghĩ chắc có sự liên quan giữa chuyện bọn chim “chê” nhà anh với việc càng ngày xe cộ chạy càng nhiều trên trên con đường lớn gần đó.

Từng đoàn xe tải nối đuôi nhau liên tục với tốc độ cao bất kể ngày đêm; khói bụi và tiếng ồn không bao giờ dứt. Một con đường mới mở bên cạnh chung cư từ mấy năm nay. Thế là, không gian yên tĩnh trước đây anh rất thích biến mất theo những con chim. Chừng năm năm trở lại đây, năm nào cũng vậy, thường là vào mùa mưa, ban đêm gia đình anh lại phải đóng chặt hết tất cả cửa lớn nhỏ bởi “mùi hôi khuyến mãi” đến từ một bãi rác nào đó.

Nhưng một tháng sau giãn cách toàn thành phố, dù chỉ ở mức độ tương đối, tiếng chim hót trở lại đầy bất ngờ. Có thể chỉ là ngẫu nhiên, nhưng anh linh cảm dường như đã có cái gì đó thay đổi. Chúng ta chắc cũng chẳng có “đặc thù Việt Nam” gì trong trường hợp này. Ở nhiều nơi trên thế giới, sau một thời gian dài phong tỏa - cách ly, các quốc gia đã báo cáo những chỉ số môi trường tốt hơn.

Bạn tôi nghĩ bệnh dịch cũng có “mặt phải” của nó đối với Sài Gòn. Đó là bầu không khí trong lành hơn. Dĩ nhiên, chỉ bằng cảm quan, anh cũng nhận ra. Nói có sách, mách có chứng. Sáng nay (11-7), anh vào trang web IQAir chuyên đăng tải chất lượng không khí ở các thành phố lớn trên thế giới và đọc dòng chữ “PM2.5 concentration in Ho Chi Minh City air is currently 0 times above WHO exposure recommendation”(1) (tạm dịch: hàm lượng PM2.5 – bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet – hiện tại không vượt quá mức cho phép của Tổ chức Y tế thế giới). Chả bù, trước đây con số này nhiều lúc lên đến mức nguy hại cho sức khỏe.

Một trang web khác, aqicn.org, cũng ghi nhận chất lượng không khí tốt khắp Sài Gòn(2). Lúc 9 giờ sáng nay, các chỉ số tại ba nơi quan trắc ở thành phố này đều có màu xanh lá cây, nghĩa là chất lượng không khí tốt. Chỉ số đo được tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ (khu vực trung tâm thành phố) là 25 (chỉ số càng nhỏ, chất lượng không khí càng tốt). Xa hơn một chút khỏi khu trung tâm nơi chung cư anh ở là 11. Còn xa hơn nữa trên đường Ngô Quang Thắm thuộc huyện Nhà Bè chỉ là 9! Không còn nghi ngờ gì, không khí ở Sài Gòn đã có sự cải thiện sau một thời gian cách ly.

Như nhiều người nói trước đây, Covid-19 một lần nữa cảnh báo con người về tác động hủy diệt của họ lên chính môi trường mình đang sống. Dù hậu quả nhãn tiền ngày càng nhiều qua biến đổi khí hậu, như lũ lụt, lở đất, ngập nước, sụt lún v.v…, chúng ta vẫn cứ thờ ơ, mải mê với những thành quả mình thấy quan trọng hơn. Nhưng thiếu môi trường trong lành, thành quả kinh tế nào rồi cũng sẽ như xây lâu đài trên cát, giống như con thằn lằn đang tự cắn đuôi.

Bạn tôi có trồng một cái cây mà theo anh đặc biệt ở chỗ cây này chẳng cần một chút đất nào, chỉ có một lớp giá thể mỏng quấn quanh thân cây. Vài ngày anh lại ngâm nước, thế là nó phát triển xanh tốt. Nhưng mấy tuần trước, anh lỡ tay làm rớt cái cây làm gãy mất phần lớn chồi duy nhất trên ngọn. Anh tiếc lắm, nghĩ rằng chắc cây sẽ chết vì chỉ còn mấy chiếc lá.

Nhưng không, sau một thời gian ngắn chùng xuống, cái cây mọc lên một chồi mới với nhiều lá non xanh mướt mắt vươn lên mạnh mẽ. Bạn tôi nói anh thấy lo vì dịch bệnh bùng phát ở Sài Gòn, nhưng không bi quan bởi tin rằng Sài Gòn sẽ đứng dậy mạnh mẽ từ dịch bệnh như những chiếc lá trên cây của anh. Hy vọng rằng đợt dịch lần này sẽ giống như chiếc chồi gãy khiến cái cây “ngập ngừng” một thời gian ngắn, nhưng rồi sẽ được kích thích phát triển mạnh mẽ hơn xưa. Thành phố chúng ta cũng sẽ như thế.

Hôm qua, Phó bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi phát biểu đại ý nói có thể đây là trận chiến cuối cùng(3). Bạn tôi tin rằng điều đó đúng. Nhưng anh cũng tin rằng đây là trận chiến cuối cùng để chúng ta có thể rảnh tay chiến đấu trong nhiều trận chiến khác dài hơi hơn, căn cơ hơn. Trong số đó, trận chiến với ô nhiễm môi trường phải là một cuộc quyết đấu một mất một còn cho tương lai.

Sơn Tùng

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

-----------------------------------------------------------------

  • (1) https://www.iqair.com/vietnam/ho-chi-minh-city
  • (2) https://aqicn.org/here/vn/
  • (3) https://vtc.vn//pho-bi-thu-tp-hcm-phan-van-mai-co-the-day-la-tran-chien-cuoi-cung-ar622249.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối