Thành công của tổ chức từ thiện ALS đã mang lại cho những tổ chức phi lợi nhuận khác ý tưởng mới để tạo một làn sóng quyên góp độc đáo, hấp dẫn...
Cứ mỗi phút có đến 1.887 tweet đề cập về chương trình quyên góp từ thiện khá vui nhộn mang tên Ice Bucket Challenger của ALS. Thành công của chương trình chính là thu hút được sự chú ý của cộng đồng, giúp gây quỹ từ thiện.
Chương trình này rất đơn giản, chỉ việc đổ xô nước đá lên người mình, quay và đăng video đó lên mạng xã hội, tag vài bạn bè vào, thách họ dám làm giống bạn hay không trong vòng 24 giờ, còn không thì tài trợ cho quỹ từ thiện ALS. Kết quả là nhiều người làm cả hai.
Thực chất đã có vài chương trình tương tự như vậy để quyên góp tiền cho mục đích chữa bệnh. Vài tổ chức phi lợi nhuận cố nghĩ ra những chương trình tương tự, và họ đang tạo ra làn sóng quyên góp độc đáo trong cộng đồng.
Tổ chức ALS – viết tắt của bệnh Amyotrophic Lateral Sclerosis, là một loại bệnh nguy hiểm chết người nhưng hiếm gặp, còn có tên tắt là bệnh Lou Gehrig, liên quan đến tế bào thần kinh trên não bộ và cột sống điều khiển cơ vận động. Nhiều ngôi sao nổi tiếng đã tham gia chương trình này, trong đó có Chủ tịch Bill Gates của Microsoft, danh ca Taylor Swift, danh thủ Cristiano Ronaldo cũng như nhiều vận động viên, bạn trẻ đã đăng tải video của họ lên các mạng xã hội.
Lợi ích lớn nhất của tổ chức nghiên cứu và chăm sóc sức khỏe ALS với 38 trụ sở trên khắp nước Mỹ có được qua chương trình này là gây quỹ. Vào ngày 8-8 vừa qua, họ gửi một e-mail cho khoảng 60.000 địa chỉ, khuyến khích mọi người đổ xô nước đá vào cơ thể, ghi hình lại và tải lên mạng xã hội, kèm theo đó là đường link đến trang web ALS Association. Ngoài ra, có khoảng tám trụ sở ALS gửi kèm thêm thông tin về chương trình này.
Đến sáng thứ Hai tuần này (18-8), tổ chức ALS đã quyên góp được 15,6 triệu đô la Mỹ trong khoảng thời gian từ ngày 29-7 đến 18-8, so với 1,8 triệu đô la trong suốt cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Viện Phát triển phương pháp điều trị ALS (TDI), là tổ chức công nghệ sinh học phi chính phủ ở Boston, Mỹ cho biết họ quyên góp được 550.000 đô la từ ngày 3-8 đến nay, so với mức 110.000 đô la cùng thời điểm của năm ngoái. Và dự án ALS ở New York, tổ chức phi lợi nhuận chuyên gây quỹ cho nghiên cứu khoa học, cũng đạt được 116.000 đô la chỉ trong hai tuần, so với vỏn vẹn 1.000 đô la từ vài nhà tài trợ hồi năm ngoái. Họ cũng có được cam kết tài trợ lâu dài của một số nhà hảo tâm như diễn viên hài Ben Stiller và New York Mets.
Các chuyên gia gây quỹ cho rằng chương trình này rất hoàn hảo và sẽ khó có thể lặp lại một chương trình có tác động mạnh như vậy. Mọi người ủng hộ vì chương trình đến được với đông đảo người dân, vui nhộn, dễ làm và ngay dịp hè, là quãng thời gian thích hợp nhất trong năm.
Tương tự như chương trình “Chiếc vòng màu vàng” của tổ chức phi chính phủ Livestrong nhằm tôn vinh bệnh nhân ung thư, sắp đến có thể có nhiều chương trình bắt chước cách làm như xô nước đá, nhưng có thể không quyên góp được đến cả triệu đô la như của ALS.
Trên thực tế cũng đã có vài chương trình tương tự Ice Bucket Challenger xuất hiện. Tuần vừa rồi, một người ủng hộ tổ chức Chống tự tử của Mỹ triển khai chương trình Doubtfire Face, yêu cầu người ủng hộ vinh danh diễn viên Robin Williams vừa qua đời (11-8) bằng cách bắt chước úp bánh lên mặt giống trong bộ phim Bà Doubtfire. Hoặc như tổ chức Congenial Hyperinsulinism International tại hội nghị cuối tuần rồi ở New Jersey cho biết họ đang nghĩ ra một chiến dịch tương tự, với mục đích chính không nhất thiết là quyên góp tiền, mà là tạo một điều gì đó thú vị để khuấy động cộng đồng. Tổ chức này hy vọng sẽ sớm triển khai được chương trình “Ăn bánh cho HI”. Chứng tăng tiết insulin gọi tắt là HI, ảnh hưởng đến trẻ em khi ăn quá nhiều carbon hydrat và đường.
Theo tổ chức phi lợi nhuận NORD (National Organization for Rare Disorders) với 212 tổ chức thành viên, chương trình độc đáo này mang lại hy vọng cho các tổ chức phi lợi nhuận làm về các bệnh hiểm nghèo, hiếm gặp khác. Theo họ, ở một mức độ nào đó thì Internet đóng vai trò như là sân chơi và mang lại cơ hội cho những bệnh nhân mắc phải các chứng bệnh hiếm gặp có được sự hỗ trợ của cộng đồng.
Đến nay, tổ chức Cure Sanfilippo ở South Carolina đang hy vọng gây được quỹ từ 700.000 đô la lên 2 triệu đô la bằng một chiến dịch tương tự trên mạng xã hội, lấy cảm hứng từ chương trình xô nước đá này. Họ đã kêu gọi người tài trợ tự hát hai đoạn của một bài hát trên Facebook và ghi hình lại, rồi thách năm bạn bè làm tương tự, nếu không thì tài trợ 50 đô la cho quỹ Saving Eliza.
Nhưng theo một giáo sư ở trường Đại học Indiana, bước tiếp theo của tài trợ ALS là làm thế nào để kiếm được nhà tài trợ mới một lần nữa, vì việc sao chép chương trình lúc đầu thì hấp dẫn, nhưng về sau cộng đồng sẽ không cảm thấy thú vị nữa, mặc dù bây giờ nhận xét như vậy còn quá sớm.
Đối với quỹ tài trợ ALS, chương trình này đã mở rộng nguồn gây quỹ, từ một nhóm nhỏ bạn bè và gia đình, nay mở rộng đến 20.000-30.000 người Mỹ mắc bệnh ALS. Chương trình đã thay đổi cách nhìn nhận của người dân về ALS, vì ai cũng dễ nắm biết thế nào là bệnh ALS.
Kể từ ngày 29-7 đến nay, đã có hơn 4,2 triệu lượt tweet đề cập đến chương trình xô nước đá của ALS. Có 2,4 triệu video đăng lên Facebook trong khoảng thời gian từ ngày 1-6 đến 17-8. Theo Facebook, chiến dịch này tập trung nhiều ở Boston, là quê hương của cựu đội trưởng bóng chày Pete Frates (29 tuổi), người được chẩn đoán mắc bệnh ALS cách đây hai năm.
Vài người chỉ trích việc thách thức đổ xô nước đá vào người sẽ khiến mọi người lảng tránh việc quyên góp. Nhưng tổ chức phi lợi nhuận ALS cho biết rất nhiều người vừa đổ xô nước đá vừa đóng góp, hỗ trợ tiền. Và khi chương trình này chưa “chạy” thì cũng đã có phong trào tự đổ xô nước đá lên người và đăng lên mạng xã hội ngay từ đầu hè năm nay, như nhóm các tay chơi golf chuyên nghiệp trong chương trình “Today” của Matt Lauer, dĩ nhiên không vì quyên góp từ thiện.
Lê Duy