Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

iPhone mới sắp ra, iPhone cũ bỗng ì ạch?

Trên tờ The New York Times, giáo sư kinh tế Sendhil Mullainathan ở trường Đại học Harvard tự sự rằng cứ mỗi lần Apple cho ra một đời một dòng iPhone mới thì ông cảm thấy chiếc iPhone mà ông đang dùng hoạt động chậm đi. Ông đặt ra giả thiết: liệu có phải các nhà sản xuất cố tình làm cho các sản phẩm đời cũ trở nên kém hữu ích mỗi khi họ đưa ra một sản phẩm đời mới?

Apple vừa bán iPhone, lại vừa kiểm soát hệ điều hành cho iPhone, họ có thể làm điều đó lắm chứ.

Cũng có người cùng suy nghĩ như vị giáo sư kia nhưng Apple chẳng bao giờ bình luận về giả thiết này. Nhưng cũng không thể hàm hồ kết luận Apple đã làm điều đó. Vì nếu làm vậy, thứ nhất, Apple phải đối mặt với nhiều rắc rối pháp lý. Thứ hai, các đối thủ cạnh tranh và khách hàng sẽ đưa Apple “trở về thời đồ đá”.

Cùng nghi ngờ như giáo sư Mullainathan, học trò của ông là cô Laura Trucco đang học cao học kinh tế ở Harvard. Cô dùng công cụ tìm kiếm Google với từ khóa “iPhone slow” để định lượng rõ hơn về nghi ngờ của thầy trò cô. Vì khi người ta bắt đầu cảm thấy thất vọng với chiếc điện thoại chậm chạp (slow) của mình thì nhiều người sẽ “hỏi Google” phải làm gì với điều đó. Dữ liệu Laura có cụ thể theo từng tuần và nó cho ra kết quả rất sinh động: từ khóa “iPhone slow” tăng vọt sáu lần trong sáu năm qua và tất cả những thời điểm tăng vọt đó đều đúng vào lúc Apple tung ra đời iPhone mới.

Chiếc iPhone bạn dùng chắc chắn phải cũ và chậm dần theo thời gian khi bạn “quẹt” nhiều và tải về nhiều ứng dụng mới. Nó cũng cũ đi trong cảm nhận của bạn nhanh hơn vì những thứ mới liên tục được ra đời. Song, nếu như thế thì từ khóa “iPhone slow” trong Google phải tăng dần, chứ đâu tăng vọt vào mỗi đợt có iPhone mới ra như thế?

iPhone-slow

samsung-slow

Laura cũng làm một thực nghiệm nữa với từ khóa “Samsung Galaxy slow” trên Google. Kết quả cho thấy tiến trình này tăng dần đều, chứ không tăng đột ngột mỗi khi Samsung tung ra đời Galaxy mới. Thực nghiệm với những loại smartphone khác dùng hệ điều hành Android như Samsung Galaxy cũng cho kết quả tương tự, không hề có sự đột biến.

Đến đây, ta có quyền nghi ngờ. Sự nghi ngờ còn tăng mạnh hơn ở điểm khác: Apple là công ty bán cả các đời iPhone lẫn kiểm soát các thế hệ điều hành iOS chạy trên iPhone. Nghĩa là họ nắm trong tay cả động cơ (bán iPhone đời mới) và phương tiện (kiểm soát hệ điều hành) để làm chiếc điện thoại cũ chậm đi.

Google có phương tiện (kiểm soát Android) nhưng không có động cơ bởi họ chẳng kiếm được tiền trực tiếp từ việc bán điện thoại. Ngược lại, Samsung và các nhà sản xuất smartphone dùng hệ điều hành Android có động cơ (bán điện thoại mới) nhưng lại không có phương tiện (kiểm soát hoạt động của Android).

Luận như trên, có thể các “fan” trung thành của Apple vẫn phản đối rằng: người tiêu dùng nghe tin Apple chuẩn bị ra đời iPhone mới sẽ “chộn rộn” hơn và họ rất nhanh cảm thấy chiếc iPhone mình đang dùng cũ kỹ và chậm chạp hơn; mặt khác, những sản phẩm của Apple luôn gây sự chú ý mạnh nhất với giới truyền thông trong nhiều năm qua nên khuynh hướng “iPhone slow” trên Google tăng đột biến cũng là tất yếu.

Thời gian giữa lúc công bố sản phẩm mới và lúc bắt đầu bán sản phẩm mới của Apple thường từ một tháng trở lên. Lượng “iPhone slow” không tăng vọt lúc Apple công bố sản phẩm mới mà tăng vọt khi họ bắt đầu bán sản phẩm. Có nghĩa là yếu tố “chộn rộn” mà các fan của Apple đưa ra ở trên hơi yếu.

Tất nhiên, không thể kết luận điều gì về hiện tượng trên nhưng câu chuyện này là một ví dụ hoàn hảo cho lợi thế và giới hạn của “dữ liệu lớn”. Đầu tiên, cách đây 20 năm, nếu muốn xác định trải nghiệm thực sự của người tiêu dùng, người ta phải thực hiện khảo sát mẫu vài trăm người và chịu tốn kém tiền bạc, thời gian vào khảo sát. Nay với “dữ liệu lớn” như “khuynh hướng Google”, ta có thể biết được hàng trăm triệu người tìm kiếm, có cảm nhận và suy nghĩ gì. Ngoài ra, Facebook, Twitter cũng có thể coi là “dữ liệu lớn”.

Thứ hai, “dữ liệu lớn” tạo ra sự thân mật giữa cá nhân và tập thể. Khi hồ nghi điều gì, những dữ liệu này có thể giúp ta thấy rằng ta không cô đơn trong hồ nghi đó, ta biết có nhiều người chia sẻ hồ nghi và thất vọng với ta.

Thứ ba, “dữ liệu lớn” không kết tội ai, mà chỉ ra những mối tương quan và chính những mối tương quan này là động lực để chúng ta nhìn xa hơn. Như Apple chẳng hạn, họ có thể nhìn vào mối tương quan giữa “iPhone slow” và “Samsung Galaxy slow” để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Thái Hà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối