Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Johnson & Johnson dừng bán phấn rôm bột talc trên toàn cầu từ 2023

Trong một thông báo đưa ra hôm 11-8, hãng kinh doanh các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thiết bị y tế Johnson & Johnson (J&J) của Mỹ thông báo sẽ dừng bán sản phẩm phấn rôm trẻ em có thành phần bột talc trên toàn cầu vào năm 2023. Hơn 2 năm trước, J&J cũng đã chấm dứt kinh doanh sản phẩm này ở Mỹ và Canada trong bối cảnh đối mặt với hàng ngàn đơn kiện của người tiêu dùng về tính an toàn.
Johnson & Johnson thông báo dừng bán sản phẩm phấn rôm bột talc trên toàn cầu kể từ năm 2023. Ảnh: TTXVN

Thông báo cho biết “Là một phần của cuộc đánh giá danh mục đầu tư trên toàn thế giới, chúng tôi đã đưa ra quyết định thương mại là chuyển sang kinh doanh danh mục sản phẩm phấn rôm trẻ em làm từ tinh bột bắp”. J&J cho biết thêm sản phẩm phấn rôm trẻ em có thành phần tinh bột bắp đã được bán ở nhiều nước trên thế giới.

Trong năm 2020, J&J quyết định dừng bán phấn rôm bột talc Baby Powder tại Mỹ và Canada vì nhu cầu giảm mạnh sau những gì họ gọi là “thông tin sai lệch” về sự tính toàn của sản phẩm này.

Bột talc là một loại khoáng chất có dạng bột mềm mịn màu trắng, không mùi tạo thành chủ yếu từ các nguyên tố magie, silicon và oxy. Phấn rôm bột talc của có tác dụng bảo vệ làn da em bé sơ sinh, giúp da em bé luôn được mềm mại, phòng ngừa rôm sảy. Phấn rôm bột talc cũng được nhiều phụ nữ sử dụng như một phần của thói quen vệ sinh cá nhân của họ.

Nhưng J&J hiện đối mặt với khoảng 38.000 vụ kiện từ người tiêu dùng cáo buộc sản phẩm phấn rôm phẩm bột talc của J&J gây ung thư, đặc biệt là ung thư buồng trứng do nhiễm amiăng, một chất gây ung thư đã được ghi nhận rộng rãi.

J&J phủ nhận các cáo buộc và cho biết nhiều thập nhiên thử nghiệm khoa học và các quyết định phê duyệt của các cơ quan quản lý đã cho thấy phấn rôm bột talc của hãng là an toàn và không chứa amiăng. Hôm 11-8, J&J đã nhấn mạnh lại thông tin này một lần nữa khi thông báo dừng kinh doanh sản phẩm phấn rôm bột talc trên toàn cầu vào năm tới.

J&J đã thành lập một công ty con có tên gọi LTL Management và tách công ty này ra hoạt động độc lập vào tháng 10 năm ngoái đồng thời giao cho công ty xử lý các vụ kiện liên quan đến sản phẩm phấn rôm bột talc. Nhưng sau đó, LTL Management làm thủ tục phá sản, khiến các vụ kiện đang chờ xét xử phải tạm dừng. Những người khởi kiện nói rằng J&J cần phải trực tiếp đối mặt các vụ kiện.

Ben Whiting, luật sư đại diện cho các nguyên đơn ở hãng luật Keller Postman, cho biết vì các vụ kiện bị tạm dừng khi LTL Management đang làm thủ tục phá sản, nên quyết định dừng kinh doanh sản phẩm phấn rôm bột talc của J&J sẽ không tác động ngay đến họ. Theo Whiting, nếu một tòa án phúc thẩm liên bang cho phép các vụ kiện tiếp tục, người tiêu dùng có thể viện dẫn quyết định dừng kinh doanh sản phẩm phấn rôm bột talc của J&J như bằng chứng để chống lại công ty này.

Trước khi đệ đơn làm thủ tục phá sản, LTL Management đối mặt với chi phí bồi thường 3,5 tỉ đô từ các phán quyết của tòa và các thỏa thuận bồi thường bên ngoài tòa, trong đó, một phụ nữ cáo buộc phấn bột talc gây ung thư buồng trứng đã được một tòa án phán quyết buộc LTL Management  bồi thường hơn 2 tỉ đô la.

Một cuộc điều tra hồi năm 2018 của Reuters cho thấy J&J đã biết trong nhiều thập niên rằng amiăng có trong các sản phẩm phấn rôm bột talc của mình. Hồ sơ nội bộ công ty, các lời khai tại tòa và các bằng chứng khác cho thấy ít nhất từ ​​năm 1971 đến đầu những năm của thập niên 2000, bột talc thô và bột thành phẩm của J&J đôi khi có kết quả dương tính với một lượng amiăng nhỏ.

Trước những bằng chứng về việc sản phẩm phấn rôm bột talc bị nhiễm amiăng được công bố  trên các phương tiện truyền thông, tại phòng xử án và ở Quốc hội Mỹ, J&J đã vẫn một mực khẳng định các sản phẩm phấn rôm bột talc của họ là an toàn và không gây ung thư.

Được bán từ năm 1894, sản phẩm phấn rôm bột talc nhãn hiệu Baby Powder đã trở thành biểu tượng cho hình ảnh thân thiện của J&J với các hộ gia đình. Một bài thuyết trình tiếp thị nội bộ của J&J từ năm 1999 đề cập đến bộ phận sản phẩm trẻ em, trong đó, phấm rôm Baby Powder được xem là “tài sản số 1” của J&J, dù sản phẩm này chỉ chiếm khoảng 0,5% doanh số mảng kinh doanh sức khỏe người tiêu dùng tại Mỹ của J&J.

Khánh Lan

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối