Bằng ý tưởng và thiết kế độc đáo, nhóm thiết kế người Nga đã mang những câu chuyện ngộ nghĩnh về những chiếc máy bay, những con chim cánh cụt hay những cánh rừng... vào phòng của bé yêu.
Câu chuyện từ những tấm tranh vải
Pavel Simonov và Alex Matsko là hai thành viên trong nhóm thiết kế người Nga hiện đang làm việc tại Công ty TNHH Real Engineering Việt Nam (quận 2, TPHCM). Pavel Simonov chuyên vẽ truyện tranh cho thiếu nhi, những câu chuyện đơn giản, dễ nhớ với những tấm hình ngộ nghĩnh về vũ trụ, về những chiếc máy bay...
Pavel Simonov mở iPad của ông và “khoe” một câu chuyện do ông sáng tác. Mỗi bức tranh hiện lên là mỗi diễn biến thú vị của hành trình khám phá vũ trụ. Ông nói, khi cha mẹ kể những câu chuyện này cho các bé nghe, chắc chắn sẽ gây được sự thích thú từ con trẻ, và dĩ nhiên chúng sẽ rất vui mừng nếu một ngày nào đó, những nhân vật trong câu chuyện lại hiện lên trong căn phòng của mình.
Ông nảy ra ý tưởng in những nhân vật, đồ vật trong những câu chuyện của mình lên trần nhà, lên các bức tường trong phòng của trẻ. Pavel Simonov đã cùng nhóm thiết kế của mình biến ý tưởng này thành hiện thực với những sản phẩm là những căn phòng đầy màu sắc, hình ảnh, khơi gợi trí tưởng tượng cho trẻ em.
Theo Pavel Simonov, quý phụ huynh có thể chọn những bức tranh trong các câu chuyện do ông sáng tác hay trong bất cứ câu chuyện cổ tích Việt Nam hoặc truyện tranh nào mà trẻ thích thú và muốn chúng hiện lên trong căn phòng của mình, các nhà thiết kế này đều có thể đáp ứng.
Chị Hồng Huệ, đại diện Real Engineering Việt Nam, cho biết nhìn bên ngoài có thể thấy các bức tranh do công ty chị thực hiện cũng giống như các bức tranh trên tường khác. Tuy nhiên, các bức tranh được in trên vải của những nhà thiết kế người Nga có độ sắc nét và tươi tắn hơn nhờ in bằng kỹ thuật số. Vải dùng để in tranh được làm từ chất liệu polyester có phủ màng polyurethane, có khả năng chống bắt lửa. Ngoài ra, với chất liệu vải này, nếu trẻ sơ ý làm bẩn thì cũng có thể làm sạch vết bẩn dễ dàng.
Chị Hồng Huệ cho biết thêm, tấm tranh vải từ những thiết kế có những lỗ li ti nên sẽ không làm cho căn phòng của trẻ trở nên bức bí, đồng thời vải có thêm chất diệt khuẩn nên không gây hại với sức khỏe của trẻ.
Thi công dễ dàng
Đầu tiên là việc chọn các hình ảnh trong câu chuyện và trong khâu này, con trẻ chính là người đưa ra quyết định. Tiếp đến, các nhà thiết kế sẽ đến tận phòng của các bé để đo đạc diện tích, quan sát các yếu tố về màu sắc, không gian căn phòng. Từ đó, họ sẽ làm việc với phụ huynh để đưa ra phương án thi công tốt nhất cho căn phòng của bé.
Diện tích của căn phòng không ảnh hưởng đến thiết kế vì các tấm tranh vải có những diện tích lớn nhỏ khác nhau. Thông thường, mỗi tấm tranh vải có diện tích 5 m², nếu diện tích phòng nhỏ có thể rải đều từ bức tường này sang các bức tường kế bên, hoặc phủ trên trần căn phòng một cách linh động.
Sau khi đã có những tấm tranh vải, các nhà thiết kế sẽ căng ra và dính vào tường hoặc trần nhà bằng những nẹp nhựa PVC. Những nhà thiết kế sẽ thiết kế thêm những chiếc đèn chiếu sáng nhỏ tại một số góc cạnh để biến hình ảnh 2D trên các tấm tranh này thành hình ảnh 3D có hình khối, trông rất sống động và lôi cuốn.
Chị Hồng Huệ cho biết thời gian để hoàn thành một căn phòng tranh cho bé, từ khâu lên ý tưởng đến thi công hoàn thiện kéo dài trong khoảng 7-10 ngày. Chi phí thiết kế hội họa cho mỗi sản phẩm là 1 đô la Mỹ/m², chi phí in ấn tranh trên vải và thi công khoảng 20 đô la/m². Trung bình, phụ huynh sẽ tốn khoảng hơn 300 đô la cho mỗi căn phòng 15-16 m² hoặc có thể cao hơn, tùy vào độ khó và các yêu cầu khác nhau của mỗi sản phẩm.
Thay đổi không tốn kém
Điều lo lắng của nhiều bậc phụ huynh là sở thích của con trẻ dễ thay đổi theo lứa tuổi, khi đó việc chỉnh sửa lại căn phòng sẽ phức tạp và tốn kém. Nhưng theo Alex Matsko, những thiết kế của hai ông dành cho trẻ 0-10 tuổi và trung bình mỗi năm trẻ sẽ muốn thay hình ảnh mới. Alex Matsko cho hay, giải quyết chuyện này cũng khá đơn giản và không tốn nhiều chi phí vì chất liệu vải in tranh cho phép dỡ bức tranh cũ ra và in ấn lại tranh mới. Như vậy, phụ huynh sẽ không mất thêm khoản chi phí cho việc mua vải in mới.
Nếu căn phòng dành cho hai trẻ, chúng sẽ có những sở thích khác nhau cũng là chuyện đau đầu với cha mẹ nếu dùng sản phẩm tranh in trên vải này, theo Pavel Simonov. Nhưng ông có một cách giải quyết rất sáng tạo, đó là kết hợp hai câu chuyện làm một, ví như các cánh chim bay cùng những chiếc máy bay trên một cánh rừng. Như vậy, cả hai bé sẽ cùng vui với một câu chuyện được kể trong phòng.
Hai nhà thiết kế chia sẻ, điều hai ông mong muốn nhất khi mang những câu chuyện bằng hình ảnh vào phòng của trẻ là tạo cho các em có một thế giới tuổi thơ nhiều mộng mơ, kích thích được trí tưởng tưởng, óc sáng tạo. Pavel Simonov cho biết thêm, nếu các bé đến tuổi thiếu niên với những sở thích là mô tô, xe đua hoặc các thần tượng nhạc rock trong phòng ngủ, nhóm của ông cũng có thể thiết kế để đáp ứng nhu cầu này.
Các thiết kế tranh vải trên tường trong phòng bé của nhóm thiết kế người Nga
Mạnh Tùng